Chất béo trans fat: Mối nguy tiềm ẩn

author 06:36 25/10/2013

(VietQ.vn) – Trans fat là loại chất béo nguy hiểm nhất trong nhóm các chất béo gây hại, khi xâm nhập vào cơ thể sẽ gây đông đặc máu và tạo ra những mảng tiểu cầu dạng mỡ bám vào thành mạch, dần dần bịt kín thành mạch khiến cho máu không lưu thông được, gây tắc nghẽn và từ đó dẫn đến nguy cơ đột quỵ.

Trans fat có trong các đồ ăn chiên, rán, snack,bánh quy...

Theo BS Nguyễn Thị Minh Kiều - Trung tâm Khoa học thực phẩm và dinh dưỡng ứng dụng ANFOS cho biết, trans fat có trong thực phẩm theo hai cách: Thứ nhất là có sẵn trong thực phẩm thiên nhiên như trong sữa, mỡ của động vật ăn cỏ (bò, cừu…) với mức độ không cao, chỉ khoảng 2-5% so với chất béo toàn phần. Mức này không đáng ngại.

Thứ hai là do con người tạo ra bằng cách gắn hydrogen với dầu thực vật, thường dùng trong công nghệ thực phẩm chế biến sẵn như thức ăn nhanh fast food (gà rán, khoai tây chiên…), thức ăn chơi (snack, bánh quy, bánh cake, kẹo…). Công nghệ này giúp cho thực phẩm thơm ngon, bắt mắt hơn và giữ được lâu. Mức độ trans fat trong các loại thực phẩm trên rất cao, lên đến 45% so với chất béo toàn phần. Thí dụ: shortening để làm bánh có đến 30% trans fat, margarine có đến 15% trans fat.

Để nhận biết những thực phẩm có trans fat, người tiêu dùng nên đọc kỹ nhãn thực phẩm ở hai cột nội dung: cột thông tin dinh dưỡng (Nutrition fact) và cột thành phần sản phẩm (Ingredients), để chọn lựa đúng thực phẩm không có trans fat.

Đối với thực phẩm sản xuất ở nước ngoài, nhãn thường có ghi hai thông tin này đầy đủ. Ở cột thông tin dinh dưỡng ghi rõ hàm lượng trans fat là bao nhiêu, nếu có trans fat trong thực phẩm; ở cột thành phần sản phẩm có liệt kê thành phần gọi là dầu thực vật gắn hydrogen (partially hydrogenated vegetable oil), đó là trans fat. Nếu mức trans fat thấp hơn 0,5g trong một khẩu phần thì theo quy định của FDA, sẽ được ghi là zero hoặc không ghi gì cả.Đối với thực phẩm sản xuất trong nước thì chưa có quy định bắt buộc ghi hàm lượng trans fat trên nhãn, nên người tiêu dùng không thể nhận diện được. Tuy nhiên, người tiêu dùng có thể tham khảo hàm lượng trans fat của một số mặt hàng thực phẩm chế biến sẵn liệt kê dưới đây để hạn chế sử dụng.

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, Phó Viện trưởng Viện Dinh Dưỡng quốc gia, trans fat là loại chất béo nguy hiểm nhất trong nhóm các chất béo gây hại. Chất béo này khi xâm nhập vào cơ thể sẽ gây đông đặc máu và tạo ra những mảng tiểu cầu dạng mỡ bám vào thành mạch, dần dần bịt kín thành mạch khiến cho máu không lưu thông được, gây tắc nghẽn và từ đó dẫn đến nguy cơ  đột quỵ.

Theo đó, khi trans fat đi vào cơ thể, nó chiếm chỗ (nhưng không thể thay thế) của axit béo cần thiết. Ngoài ra nó làm tăng mức LDL-cholesterol (cholesterol xấu) trong máu do đó làm tăng khả năng bị các bệnh tim mạch. Chưa kể, chất béo dạng trans gây ứng chế enzym chuyển hóa, gây hình thành các huyết khối trong động mạch, dẫn đến nguy cơ tăng đột quỵ.

Thống kê tại New York (Mỹ) cho thấy mỗi năm có đến hơn 500 người chết vì bệnh tim mạch có liên quan đến Trans fat. Vì sự độc hại của chất béo này, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra khuyến cáo, mỗi người không nên tiêu thụ trans fat quá 3g/ngày. Nhiều nước còn quy định rõ phải ghi rõ lượng trans fat trên bao bì nhãn mác, như tại Canada, nhà sản xuất chỉ được quyền ghi zero trans (không có mỡ trans) trong trường hợp sản phẩm chứa ít hơn 0,2gr. 

Cùng quan điểm này, TS Nguyễn Thị Bạch Yến, Viện Tim Mạch Việt Nam cho biết, theo nhiều kết quả nghiên cứu cho thấy, nếu tăng 2% năng lượng từ trans fat thì sẽ tăng 23% nguy cơ bệnh mạch vành. Trên thực tế, những năm gần đây, các bệnh tim mạch đang trở thành bệnh phổ biến ở Việt Nam với tỷ lệ mắc cao, tỷ lệ tử vong cao và có nhiều biến chứng nguy hiểm.

Không nên ăn quá nhiều thực phẩm chế biến sẵn

Lời khuyên dành cho người tiêu dùng: 

- Cần hạn chế ăn thực phẩm chế biến sẵn hay thực phẩm công nghiệp; thay thế bằng thức ăn thiên nhiên như rau quả, trái cây, ngũ cốc. Nên thường xuyên sử dụng thức ăn chế biến tại bếp gia đình bằng phương pháp nấu thông thường.

- Thực phẩm thiên nhiên như sữa, mỡ động vật có chứa một lượng nhỏ trans fat, tuy không đáng ngại nhưng nếu dùng thường xuyên vẫn có thể đưa dần dần một lượng trans fat lớn vào cơ thể. Vì vậy, về lâu dài, người tiêu dùng nên chọn loại sữa có chất béo thấp, thịt nạc thay cho thịt mỡ.

Uyên Chi (tổng hợp)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang