"Chặt chém" ở chợ Viềng

author 13:21 17/02/2013

(VietQ.vn) - Hàng vạn người chen chân đi lễ chợ Viềng mua bán cầu may. Hàng hoá kém chất lượng xuất hiện đầy chợ. Các trò cờ bạc, đỏ đen cũng bao vây khách đi lễ.

Giá vé gửi xe tăng 10 lần

Chợ Viềng (Nam Định) mỗi năm chỉ họp đúng một phiên, kéo dài từ nửa đêm mùng 7 đến rạng sáng mùng 8 Tết. Vì vậy, ngay từ đầu giờ chiều ngày mùng 7 Tết, dân Nam Định, Thanh Hóa, Hà Nam, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh... đổ về thành phố Nam Định như mắc cửi để tìm lộc chợ Viềng. Theo quan niệm của người xưa, đi chợ Viềng là để “mua may bán rủi” nhưng ngày nay do tính chất thương mại hoá chợ đang mất dần đi những bản sắc độc đáo…

Viềng không phải là tên riêng của một chợ mà có tới 4 khu chợ thuộc hai chợ cùng tên Viềng của Nam Định, cùng họp một phiên vào đêm mùng 7 rạng sáng mùng 8 tháng giêng. Đó là hội Viềng Phủ ở Kim Thái, huyện Vụ Bản và hội Viềng Chùa tại xã Nam Giang, huyện Nam Trực. Theo lời giải thích của nhiều bậc cao niên, chợ Viềng Phủ có ý nghĩa như chợ thần tiên trên trời, đi chợ kết hợp với cúng bái, cầu may ở các đền, phủ.

Mua bán cây lộc cầu may ở chợ
Mua bán cây lộc cầu may ở chợ

Từ chiều mùng 7 Tết, chợ Viềng đã đông nghịt bởi lượng khách thập phương từ các tỉnh đổ về. Năm nào cũng vậy, cứ từ 20h mùng 7 Tết trở đi,cả một đoạn dài trên tỉnh lộ 482 thuộc thị trấn Gôi, huyện Vụ Bản, Nam Định, dòng người xe chật như nêm cối. Tiếng la ó, hò hét vang động cả không gian vốn đã ngập bụi và khói xăng.

Mỗi năm cũng chỉ có một ngày để “kiếm ăn” nên các dịch vụ ở chợ Viềng như gửi xe, thuê trọ, xe ôm ... cũng đua nhau “chặt chém”. Giá phòng nghỉ đã lên cao ngất ngưởng với giá trung bình từ 300 - 500 nghìn đồng/phòng (gấp đôi ngày thường) nhưng vẫn không có để thuê.

Các nhà dân hai bên đường dẫn vào chợ cách 6km cũng tranh thủ “kiếm ăn” bằng cách trưng biển nhận giữ xe, nhà nhỏ nhận xe máy, nhà có đất trống rãi thì huy động cả gia đình ra mời chào ô tô, xe máy. Các điểm trông giữ xe có cái giá cắt cổ: 20.000 đồng/xe máy qua đêm tại bãi chính, 50.000 đồng/xe máy ở các nhà dân ven đường, 100.000 đến 150.000 đồng/xe ô tô qua đêm tại tất cả các bãi.

Hai bên đường chợ Viềng cũng nhan nhản các hàng nước tự phát, dựng lều bán đồ uống, thậm chí phục vụ cả đồ ăn với mức giá “ngất ngưởng”: phở bò, mì xào bò 35.000 đồng/bát – 60.000 đồng/bát chỉ lèo tèo vài sợi. Cánh xe ôm cũng được dịp hét giá gấp đôi ngày thường. Một chuyến xe chở khách do kẹt xe hoặc phải gửi xe ở từ xa để đi bộ vào chợ hoặc hàng hoá cây cảnh thường có giá khoảng 50.000 đồng – 70.000 đồng.

Năm nào cũng vậy, các hình thức cờ bạc ngang nhiên hoạt động giữa chợ Viềng. Cờ bạc dưới đủ mọi hình thức: xúc xắc, quay số ăn tiền... và lôi cuốn khá đông người tham gia. Ngay trên nền sân cỏ, hoặc trên chiếc bàn nhỏ trước cổng chùa Đại Bi đã có tới 5 sới bạc tổ chức các trò tôm, cua, cá - hình thức xóc đĩa ăn tiền, hoặc bắt chước chiếc nón kỳ diệu để phân định cửa thắng.

Mua “lộc” cũng phải mặc cả

Theo lời kể của các cụ cao niên ở Nam Định, đến với chợ Viềng, dù là người bán hay người mua cũng đều chung một ước muốn  là cầu may: "Bán rủi, mua may". Bán được hàng, người bán đã bán đi được những điều rủi ro, không may mắn của của năm cũ, để sang năm mới này còn lại những điều may mắn. Còn đối với người mua, mua được hàng, thì đó là điều may mắn mua được đầu năm.

Vì thế mà từ xưa, đi chợ Viềng, người bán hàng thường không phát giá quá cao so với giá trị mặt hàng thực và người mua ít khi mặc cả, song vẫn mua được mặt hàng vừa ý, việc mua bán diễn ra nhanh chóng, êm xuôi… ấy là cả người bán và người mua đã gặp may. Nhưng chợ Viềng ngày nay không còn mang những nét văn hóa đặc sắc trước đó, mà dường như mọi thứ đã được thương mại hóa.

Người bán không còn sợ “dông” vì ế, cứ thoải mái nói thách bởi nhiều người mua tin rằng phải mua cho được một món đồ ngay trong những phút đầu tiên khai chợ vào ngày mùng 8 tháng Giêng mới may mắn, hái lộc suốt năm. Anh Đặng Minh Quang, quản lý một công ty xây dựng tại Hà Nội cho biết “Năm nào chợ Viềng cũng diễn ra tình trạng người bán nói thách, mang tiếng đi mua “lộc” mà cũng phải mặc cả, đặt lên đặt xuống. Chưa kể nhiều người sau khi chen lấn, xô đẩy trong dòng người hay khấn vái tại các chùa, phủ, quay ra thì ví và điện thoại đã “không cánh mà bay”

Mặt hàng đồ cổ ở chợ Viềng hiện nay hầu hết là đồ mới được người bán cố tình làm chúng sứt mẻ, thô kệch để thành đồ cũ, đồ cổ. Bất kỳ khách hàng nào hỏi, người bán cũng thao thao bất tuyệt rằng toàn đồ gốm thời Lý, Trần hay gốm Chu Đậu... Những chiếc đèn dầu ngày thường có vài chục nghìn cũng được gắn mác là đồ cổ và hét giá tới 1triệu đồng/cái. Chiếc tước gốm men xanh sứt mẻ gắn chằng chịt được cho là gốm từ thời Lý với giá 2 triệu đồng…

Mặt khác, nếu như trước kia, hội chợ Viềng vốn là nơi mua bán, trao đổi nông cụ lớn nhất của người dân khắp các tỉnh khu vực Bắc bộ, thì nay, hàng nông cụ chỉ còn thưa thớt, hầu hết là hàng mới. Hàng nông cụ chủ yếu được trao đổi bằng … tiền mặt và bán cho người ở phố không làm việc nông . Hỏi ra mới biết, nhiều người quan niệm mua các loại thúng, liềm, gặt để lấy “lộc” về tiền bạc.

Mặt hàng bán chạy nhất của chợ Viềng bây giờ lại là cây cảnh. Đa phần khách đến chợ đều cố vác lộc về nhà khi chọn mua cây sung, tùng La Hán, cây lộc vừng, hoa trạng nguyên, cây lựu cảnh, khóm hồng… nhờ giá cả chấp nhận được, dao động từ 40.000 đến vài trăm ngàn đồng, tùy kích cỡ. Nhưng muốn mua được rẻ như thế, người mua luôn phải trả giá, mặc cả. Một cây hoa trạng nguyên được rao bán 150.000 đồng nhưng chỉ sau vài lời đặt lên đặt xuống, nó được trao tay với giá… 40.000 đồng.

Đặc sản thịt bò, thịt bê của Nam Định cũng là một mặt hàng được nhiều khách thập phương chọn mua để cầu lộc đầu năm. Hầu hết đều là thịt tươi sống được giết mổ ngay tại chợ. Giá bán cũng tương đương so với Hà Nội và một số nơi khác: 250.000 đồng/kg thịt bò sấn, dọi quế; 270.000đồng/kg thịt bò nạc…

Ăn xin đầy chợ

Dọc đường vào chùa Đại Bi (hay còn gọi là chợ Viềng chùa) xuất hiện nhiều ăn xin. Cứ khoảng 30m lại xuất hiện 1 nhóm người ăn xin. Nhóm này thường có 1 người lớn đi cùng với 1 trẻ nhỏ. 

Hàng hoá "3 không" đầy rẫy

Khảo sát của PV Chất lượng Việt Nam cho thấy, các mặt hàng thực phẩm như xúc xích, thịt nướng, bánh kẹo, ô mai, bò khô và  đồ chơi trẻ em đều không có nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác, không hạn sử dụng.

Phương Thu
 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang