Chất độc hại sức khỏe trong mỹ phẩm: Doanh nghiệp và người dùng lo lắng

authorHồng Anh 12:09 24/05/2015

(VietQ.vn) - Công văn khẩn của Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế phát ra, đề cập tới những chất cấm như paraben, MIT, MCT+MIT trong mỹ phẩm và quy định nồng độ cho phép và thời hạn lưu hành sản phẩm có các chất này đã làm cả doanh nghiệp và người tiêu dùng thêm lo ngại.

Đến thời điểm này, chưa có cơ quan nào công bố công khai danh sách sản phẩm và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu mỹ phẩm có sử dụng chất paraben, hỗn hợp Methylchlorothiazolinone và Methylisothiazolinone (gọi là MCT + MIT). Thế nhưng qua tìm hiểu trên thị trường nhận thấy nhiều sản phẩm như kem dưỡng da, mascara, nước tẩy trang, kem cạo râu, dầu gội đầu, khăn ướt, sữa tắm... có sử dụng các chất như kể trên.

Qua trao đổi với hai doanh nghiệp là Công ty Unilever Việt Nam với nhiều sản phẩm dầu gội đầu, kem dưỡng da, sữa tắm... và Công ty CP Thương mại và dịch vụ quốc tế Việt Úc với các sản phẩm khăn giấy ướt, trong sản phẩm của hai doanh nghiệp này có sử dụng hỗn hợp Methylchlorothiazolinone và Methylisothiazolinone (MCT + MIT). Công ty Unilever Việt Nam hứa trả lời chính thức cho Chất lượng Việt Nam sớm nhất.

Cục Quản lý Dược khuyến cáo một số thành phần trong mỹ phẩm có hại cho người tiêu dùng

Cục Quản lý Dược khuyến cáo một số thành phần trong mỹ phẩm có hại cho người tiêu dùng

Còn về phía Công ty CP Thương mại và dịch vụ quốc tế Việt Úc, trả lời câu hỏi của PV, đại diện của doanh nghiệp này khẳng định, các sản phẩm của doanh nghiệp đang áp dụng đúng các quy định của cơ quan chức năng Nhà nước. 

Kết quả xét nghiệm ngày 7/2/2015 trên sản phẩm khăn ướt Baby Care và khăn ướt Teen Care của Công ty không có chứ 5 chất dẫn suất paraben là Isopropylparaben, Isobutylparaben, Phenylparaben, Benzylparaben và Pentylparaben. Xét nghiệm này được thực hiện tại Công ty CP Dịch vụ Khoa học Công nghệ Sắc Ký Hải Đăng.

Đối với hỗn hợp Methylchlorothiazolinone và Methylisothiazolinone (MCT + MIT), công ty hiện sử dụng với tỷ lệ 3:1 với nồng độ thấp hơn mức 0,0015% như Cục Quản lý Dược quy định. Với kết quả như vậy, Công ty CP Thương mại và dịch vụ quốc tế Việt Úc cho là sản phẩm của mình đảm bảo an toàn cho người sử dụng và theo quy định của cơ quan chức năng.

Đại diện của Công ty CP Thương mại và dịch vụ quốc tế Việt Úc cho rằng, quy định của nhà nước không bắt buộc doanh nghiệp phải ghi hết nồng độ và tỷ lệ cụ thể các chất trên sản phẩm. Mặc dù kiểm nghiệm sản phẩm đạt chất lượng như quy định của cơ quan chức năng nhưng nếu không nói rõ, người tiêu dùng lại nghi ngờ. Hiện cũng có nhiều phương tiện truyền thông đưa hình ảnh và thông tin không đầy đủ, càng làm cho người tiêu dùng hiểu lầm, sản phẩm của doanh nghiệp chất lượng không tốt.

Còn khi trao đổi với một số người tiêu dùng, họ nói rằng, quy định là như vậy nhưng gần như chỉ có cơ quan quản lý và doanh nghiệp biết với nhau. Sản phẩm bán tới tay người tiêu dùng, họ có quyền được nắm rõ thông tin về sản phẩm, nhất là các sản phẩm có khả năng gây mất an toàn cao hoặc có các hóa chất, thành phần độc hại với sức khỏe, thì họ càng phải được biết để lựa chọn nếu dùng.

Thế nhưng khi xem các thành phần có ghi trên các sản phẩm của một số doanh nghiệp, trong đó đặc biệt phổ biến nhất là sản phẩm của Công ty Unilever Việt Nam, người tiêu dùng không rõ các chất kể trên được dùng với nồng độ thế nào, đã an toàn hay chưa vì không rõ nồng độ và tỷ lệ, chữ lại rất nhỏ, khó đọc. Đó cũng còn chưa kể tới có rất nhiều các sản phẩm mỹ phẩm đang được nhập lậu, nhãn mác không đầy đủ, rõ ràng bày bán trên thị trường. 

Khăn ướt cũng được cảnh báo có Hỗn hợp Methylchlorothiazolinone và Methylisothiazolinone (MCT + MIT)

Công ty CP Thương mại và dịch vụ quốc tế Việt Úc khẳng định sản phẩm khăn ướt của công ty này an toàn với người dùng

Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế ban hành công văn số 6577/QLD - MP ngày 13/4/2015 về việc cập nhật quy định về các chất dùng trong mỹ phẩm, trong đó quy định việc dùng các chất như paraben, hỗn hợp Methylchlorothiazolinone và Methylisothiazolinone (MCT + MIT) trong sản phẩm mỹ phẩm.

Cụ thể, với các sản phẩm chứa Butylparaben và các muối, Propylparaben và các muối được phép dùng riêng lẻ với nồng độ tối đa 0,14% (tính theo acid), và dạng hỗn hợp các paraben với tổng nồng độ tối đa là 0,8% (tính theo acid). Thời hạn công bố đối với các sản phẩm mới sản xuất trong nước, nhập khẩu đến hết ngày 31/12/2015; Các sản phẩm sản xuất trong nước, nhập khẩu được chỉ phép lưu hành trên thị trường đến hết ngày 30/6/2016.

5 paraben bao gồm: Isopropylparaben, Isobutylparaben, Phenylparaben, Benzylparaben và Pentylparaben được bổ sung vào các chất không được dùng trong mỹ phẩm. Các sản phẩm sản xuất trong nước, nhập khẩu có chứa các thành phần này chỉ được phép lưu hành trên thị trường đến hết ngày 30/7/2015.

Còn với chất bảo quản Methylisothiazolinone (MIT) và hỗn hợp Methylchlorothiazolinone và Methylisothiazolinone (MCT + MIT) (tham chiếu 39,57 Annex V): Hỗn hợp MCT +MIT theo tỷ lệ 3:1 chỉ được dùng trong các sản phẩm rửa sạch với nồng độ không quá 0,0015%, hỗ hợp MCT + MIT theo tỷ lệ 3:1 và có thêm MIT thì không được sử dụng trong sản phẩm mỹ phẩm.

Thời hạn áp dụng quy định đối với Methylisothiazolinone (MIT) và hỗn hợp Methylchlorothiazolinone và Methylisothiazolinone (MCT + MIT) (tham chiếu 39,57 Annex V) nêu trên: Thời hạn công bố đối với các sản phẩm mới sản xuất trong nước, nhập khẩu đến hết ngày 01/7/2015; Các sản phẩm sản xuất trong nước, nhập khẩu chỉ được phép lưu thông trên thị trường đến hết ngày 30/4/2016.

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang