Chất lượng đường Việt cao sao vẫn lao đao trước đường ngoại?

author 10:51 30/05/2017

(VietQ.vn) - Dù có chất lượng cao nhưng sản phẩm đường của Việt Nam hiện đang bị đường lỏng Trung Quốc dần chiếm chỗ trên thị trường.

Đường Việt tồn kho vì giá cao, hàng Trung Quốc chớp thời cơ “đoạt lợi”

Theo thống kê từ Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), lượng đường tồn kho từ đầu vụ hiện lên đến 479.000 tấn, tổng sản lượng đường sản xuất đến ngày 19/5 đã hơn 1,36 triệu tấn, trong khi lượng tiêu thụ chỉ 1,09 triệu tấn, đẩy mức tồn kho lên trên 700.000 tấn.

Đây là lượng đường tồn kho cao nhất kể từ năm 2014 đến nay nhưng giá bán tại nhà máy vẫn ở mức cao so với cùng kỳ năm ngoái, hiện trong khoảng từ 15.500 - 16.500 đồng/kg.

Lý giải về nguyên nhân của tình trạng này, ông Phạm Quốc Doanh, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường cho rằng lượng đường tồn kho lớn là do thời tiết ảnh hưởng đến thời vụ, các nhà máy đường vào vụ ép chậm hơn kế hoạch, thậm chí nhiều nhà máy không hoạt động được liên tục.

Đường Việt Nam dù có chất lượng tốt nhưng tồn kho rất nhiều

Ông Doanh cũng nói rằng một nguyên nhân khác nữa là khiến đường Việt Nam tồn kho và cạnh tranh kém là do được bán với giá cao hơn so với đường nhập lậu từ 1.000-2.000 đồng/kg. Bên cạnh đó, công tác chống gian lận thương mại tuy có nhiều cố gắng nhưng không cải thiện được tình hình, thậm chí nạn buôn lậu mặt hàng này ngày càng tăng cũng là một nguyên nhân khiến đường Việt Nam dù có chất lượng tốt nhưng hiện đang rơi vào cảnh “ế ẩm”.

Còn theo ông Đặng Phú Quý, đại diện Công ty Đường Quảng Ngãi, nguyên nhân tồn kho còn do sức tiêu thụ đường trong nước giảm mạnh bởi bánh ngọt nước ngoài tràn vào ào ạt.

Ông Lê Công Thành, Phó Chủ tịch Công ty Mía đường Lam Sơn thì cho rằng hiện có nhiều chất tạo ngọt có thể thay thế đường cũng tác động mạnh đến tình hình tiêu thụ đường mía.

Trong lúc đường tồn kho của Việt Nam không ngừng tăng lên, thị trường đường nội địa lại bất ngờ bị “hỗn loạn” trước loại đường lỏng có xuất xứ từ Trung Quốc.

Thống kê của VSSA cho thấy đã có hàng trăm ngàn tấn đường lỏng bắp (HFCS - High-Fructose Corn Syrup, gọi tắt là đường lỏng) từ Trung Quốc mà nhiều người còn gọi là đường “lạ” được nhập vào Việt Nam khiến sản phẩm đường trong nước ngày càng khốn đốn.

Theo chia sẻ của tiểu thương ở một số chợ trên địa bàn TP.HCM, đường lỏng Trung Quốc chủ yếu được bán sỉ cho các công ty sản xuất bánh kẹo, kinh doanh chất phụ gia với số lượng lớn. Trên một số trang web , loại đường này cũng được rao bán một cách rộng rãi với mức giá dao động từ 17.500 đồng đến 19.000 đồng/kg. Mức giá sẽ càng thấp đi nếu như người mua lấy hàng với số lượng lớn.

Đặc biệt, nhiều trang thương mại điện tử còn quảng cáo rằng loại đường lỏng này là dạng sirô hỗn hợp các loại đường từ bắp, được dùng làm nguyên liệu trong sản xuất nước giải khát, bánh kẹo… có độ ngọt cao hơn đường trắng và có hạn sử dụng tới hai năm.

Như vậy, so với giá đường trắng trong nước được chế biến từ mía đang bán lẻ trên thị trường 19.000-20.000 đồng/kg thì đường lỏng Trung Quốc rẻ hơn 2.000-3.000 đồng/kg.

Những hiểm họa tiềm ẩn từ đường lỏng Trung Quốc

Kết quả từ nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy đường lỏng bắp (HFCS) là một loại chất làm ngọt tự nhiên có nguồn gốc từ tinh bột bắp. HFCS có vị tương tự như đường nhưng có thể để được lâu hơn trong quá trình bảo quản thực phẩm.

Tuy nhiên, chất lượng của loại đường “lạ” có nguồn gốc từ Trung Quốc hiện vẫn chưa được đánh giá một cách hoàn thiện thậm chí còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại đến sức khỏe người tiêu dùng.

Nói về vấn đề này, bà Dương Thị Tô Châu, Phó tổng giám đốc kinh doanh Công ty Cổ phần Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh (TTCS) cho biết một số nghiên cứu trên thế giới chỉ ra loại đường lỏng này được chiết xuất từ phương pháp thủy phân, có cho thêm các chất hóa học nên ảnh hưởng phần nào đến sức khỏe người sử dụng.

“Một số nước cũng có những quy định hạn chế loại chất ngọt thay thế này. Điều đáng lo là loại đường lỏng này có thể được chiết xuất từ bắp biến đổi gen, do vậy Việt Nam cần kiểm soát chặt”, bà Châu nói.

Đường lỏng Trung Quốc đang gây nên nhiều lo ngại có hại đến sức khỏe người tiêu dùng. 

Theo chuyên gia Vũ Thế Thành, ThS quản trị chất lượng, HFCS không bổ béo cho cơ thể mà lại có nguy cơ làm tăng béo phì. Bởi HFCS làm từ bột bắp. Bột bắp được thủy giải hết cỡ thành glucose, sau đó chuyển hóa một phần thành đường fructose. Do đó HFCS là loại sirô hỗn hợp gồm có đường glucose và fructose, có hàm lượng fructose 42%, 55% hoặc 90% tùy loại.

“Fructose trong trái cây dù sao cũng là dạng lành mạnh vì còn kết hợp với nhiều thành phần bổ dưỡng khác trong trái cây. Còn sirô HFCS thì khác, đường chỉ là đường. Ăn ngọt nhiều là điều chẳng nên vì đường này là thứ tạo calo rỗng, chẳng ích lợi gì mà có khi lại chuốc lấy rủi ro về sức khỏe, chủ yếu là tim mạch, tiểu đường type 2 và béo phì” - ông Thành nói.

Một số nghiên cứu cũng chỉ ra sự khác biệt giữa đường HFCS (làm từ bột bắp) và đường thông thường (làm từ củ cải ngọt và mía) được chuyển hóa. Theo đó, đường HFCS làm tăng cân và tăng mỡ bụng nhanh hơn đường thông thường.

Bảo vệ đường nội địa Việt Nam, quản lý chặt chẽ đường “lạ”

Trước tình hình đường trong nước gặp nhiều khó khăn, bà Bùi Thị Quy, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Rượu Vạn Phát cho rằng, các nhà máy đường hiện cũng phải có trách nhiệm đảm bảo phân phối đủ lượng đường trên thị trường, nhất là không nên “găm” hàng chờ giá. Đồng thời, VSSA phải có hướng dẫn tiêu thụ bình ổn thị trường đường trong nước.

Ông Trần Văn Hùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Mía đường Cần Thơ, đề nghị cơ quan chức năng cần xử lý mạnh tay hơn với tình trạng thu gom đường nhập lậu. Trong đó, cần quản lý việc đấu giá đường lậu sau khi thu giữ, nếu không sẽ vô tình tiếp tay cho lượng hàng này hoành hành.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam, trước tình hình tồn kho mía đường tăng cao, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ làm việc với các bộ ngành, địa phương liên quan tăng cường việc kiểm soát tình trạng buôn lậu đường, nhất là việc buôn bán hóa đơn chứng từ, để tránh việc hợp thức hóa đường lậu đang tràn lan hiện nay.

Cần giải pháp bảo vệ sản phẩm đường trong nước, quản lý chặt đường "lạ" từ Trung Quốc.

Tuy nhiên,Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh các nhà máy đường cũng phải đầu tư công nghệ mới để giảm chi phí sản xuất. Nếu giá thành sản xuất thấp thì đường buôn lậu không thể thẩm lậu vào trong nước. Giá đường trong nước cao một phần do giá thành sản xuất mía cao.

Phần lớn nông dân đã biết cách giảm giá thành sản xuất, nâng cao chất lượng mía. Tuy vậy, cái chính vẫn là ở chi phí sản xuất các nhà máy đường, các nhà máy đường phải đầu tư công nghệ mới thì mới có thể thu hết hàm lượng đường cây mía.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam cũng cho biết, những kiến nghị còn lại của VSSA sẽ được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục bàn thảo với các bộ ngành liên quan để tìm ra giải pháp bền vững. Tuy nhiên, nếu các doanh nghiệp trong ngành không chủ động đề ra giải pháp để đoàn kết ứng phó, có thể năm sau sẽ tới lượt mía đường phải chờ “giải cứu” như một số loại nông sản hiện nay. 

Bảo Bình

Đường lỏng Trung Quốc tràn vào Việt Nam: Có hiện tượng gian lận thương mại(VietQ.vn) - Đã có hàng trăm ngàn tấn đường lỏng mà nhiều người còn gọi là đường mới hay đường “lạ” chiết xuất từ bắp được nhập khẩu từ Trung Quốc với thuế 0% đang tràn vào Việt Nam mỗi năm.
 
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang