Chất lượng hàng hóa – mấu chốt thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt

author 08:35 23/09/2020

(VietQ.vn) - Một số doanh nghiệp thương mại điện tử cho rằng một trong những mấu chốt thúc đẩy thanh toán không tiền mặt là nhà cung cấp phải bảo đảm chất lượng hàng hóa, dịch vụ lẫn công tác hậu mãi, chăm sóc khách hàng.

Thống kê chỉ ra, hiện nay, Việt Nam có 70 tổ chức tín dụng, chưa kể các đơn vị trung gian thanh toán đã cung ứng các dịch vụ thanh toán qua internet và điện thoại di động thông minh. Riêng giá trị giao dịch qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng trong 3 tháng đầu năm nay tăng trên 21% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, theo Tập đoàn Dữ liệu quốc tế năm 2019, gần 40% số dân Việt Nam có tài khoản ngân hàng, nhưng vẫn còn 80% chi tiêu hằng ngày sử dụng tiền mặt.

Chất lượng hàng hóa được xem là một trong những mấu chốt thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Ảnh minh họa.

Theo nhận định từ giới chuyên gia, với tâm lý “chắc ăn”, phần lớn người tiêu dùng vẫn chọn lựa phương thức thanh toán bằng tiền mặt khi nhận hàng. Ngay các doanh nghiệp thương mại điện tử cũng chưa mạnh tay kết nối thanh toán với các ngân hàng, cổng thanh toán quốc gia.

Một số doanh nghiệp thương mại điện tử cho rằng một trong những mấu chốt thúc đẩy thanh toán không tiền mặt là nhà cung cấp phải bảo đảm chất lượng hàng hóa, dịch vụ lẫn công tác hậu mãi, chăm sóc khách hàng. Bởi nếu không sẽ dẫn tới mất công bằng giữa người thanh toán trước (không tiền mặt) - nhận hàng sau với người nhận hàng trước rồi trả tiền mặt. Chỉ khi người dùng hài lòng với thanh toán không tiền mặt, doanh nghiệp mới tăng dần lượng hàng hóa giao dịch qua online, tăng thêm lợi nhuận nhằm bù đắp cho các chi phí liên quan.

Bà Nguyễn Thị Hải Bình, Trưởng ban Phát triển thị trường tài chính, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Bộ Tài chính thẳng thắn chỉ ra, việc doanh nghiệp nhỏ ngại sử dụng phương tiện thanh toán hiện đại vì không giấu được doanh thu và ảnh hưởng đến các khoản nộp thuế. Mặt khác, một số doanh nghiệp chưa có sự đồng bộ về hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt đặc biệt là dịch vụ công. Do đó cần đẩy mạnh thực hiện chiến lược tài chính toàn diện đến 2025, định hướng đến 2030 theo Quyết định số 149 của Thủ tướng Chính phủ.

“Rà soát lại, hoàn thiện các Nghị định liên quan đến thanh toán không dùng tiền mặt, Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng, hay các thông tư mà hướng dẫn việc mở tài khoản thanh toán định danh xác thực khách hàng bằng phương thức điện tử. Nghiên cứu các chính sách hỗ trợ thuế để khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt cho các hộ kinh doanh nhỏ lẻ và doanh nghiệp nhỏ và vừa để đảm bảo việc kiểm soát được các hoạt động liên quan đến trốn thuế”, bà Nguyễn Thị Hải Bình nêu ý kiến.

Để thúc đẩy hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, các ngân hàng thương mại nâng cao chất lượng dịch vụ và ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để tạo sự phát triển bứt phá. Các ngân hàng thương mại tiếp tục hướng dẫn người dân kỹ năng giao dịch tài chính-thanh toán an toàn, hợp lý. Đồng thời, để tạo niềm tin cho khách hàng thì xây dựng quy định pháp luật bảo vệ người sử dụng dịch vụ để đề phòng rủi ro trong thanh toán tiêu dùng.

Chưa chấp nhận các loại tiền ảo là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam(VietQ.vn) - Việc sở hữu, mua bán, sử dụng các loại tiền ảo như là một loại tài sản tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho người dân và không được pháp luật bảo vệ. Hiện tại, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) không chấp nhận các loại tiền ảo là tiền tệ cũng như là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam.

Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang