Chất lượng làng nghề còn nhiều bất cập

author 07:59 26/11/2012

(VietQ.vn) - Để thực hiện mục tiêu “Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, Tổng cục Dạy nghề đã tổ chức thí điểm các mô hình đào tạo nghề kêt hợp 3 bên giữa Tổng cục Dạy nghề - cơ sở đào tạo- doanh nghiệp.

Trình độ lao động làng nghề kém

Hiện nay, cả nước có 2.790 làng nghề, với 11 triệu lao động, tạo ra các sản phẩm đa dạng và phong phú, thuận lợi cho việc mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Theo số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các làng nghề đã tạo việc làm cho khoảng 24% lao động nông thôn trong đó có 28,18% số làng nghề có công việc liên tục trong 12 tháng; 9,04% số làng nghề có công việc 11 tháng; 27,66% số làng nghề có công việc 10 tháng mỗi năm. Nghề gốm sứ, đồ gỗ, mây tre tạo ra công việc ổn định ở mức độ cao nhất.
 
Trong những năm gần đây, số hộ và cơ sở ngành nghề ở nông thôn đang tăng lên với tốc độ bình quân từ 8,8 - 9,8%/năm, kim ngạch xuất khẩu từ các làng nghề cũng không ngừng tăng lên. Trung bình mỗi cơ sở sản xuất tạo việc làm ổn định cho khoảng 27 lao động thường xuyên và 8 - 10 lao động thời vụ; hộ cá thể chuyên nghề tạo 4 - 6 lao động thường xuyên và 2 - 5 lao động thời vụ. Đặc biệt, ở những làng nghề thêu ren, dệt, mây tre đan, mỗi cơ sở có thể thu hút 200 - 250 lao động.
Lực lượng lao động ở các làng nghề cần lắm những người nghệ nhân giàu kinh nghiệm
Lực lượng lao động ở các làng nghề cần lắm những người nghệ nhân giàu kinh nghiệm
 
Nhưng đáng lo ngại, các làng nghề đang đứng trước nguy cơ suy giảm và mai một… Số lao động làng nghề bình quân đã qua đào tạo tại các làng nghề chiếm tỉ lệ rất nhỏ. Việc thiếu nhân lực kĩ thuật của các làng nghề ngày càng trở lên trầm trọng, do lao động có tay nghề đang chuyển dịch sang làm việc ở các lĩnh vực khác hoặc thoát li khỏi địa phương càng làm cho việc duy trì và phát triển làng nghề thêm khó khăn. 
 
Ông Trịnh Quốc Đạt, Trưởng ban đào tạo Hiệp hội làng nghề Việt Nam cho biết, nhiều làng nghề truyền thống hiện nay thiếu vắng đội ngũ thợ lành nghề, thợ tạo mẫu, các nghệ nhân cao tuổi ngày càng già yếu đã hạn chế việc truyền nghề. Đa số lực lượng lao động có trình độ văn hóa và trình độ thẩm mỹ chưa cao. Hầu hết, chủ hộ sản xuất ở các làng nghề chưa được đào tạo về quản trị kinh doanh và thiếu kiến thức về kinh tế thị trường.
 
Một nguyên nhân nữa khiến những ở những làng nghề truyền thống ngày càng ít thợ giỏi, thợ lành nghề là do việc dạy nghề phần lớn theo lối truyền nghề trong các gia đình, cầm tay chỉ việc; các làng nghề cũng không tổ chức đào tạo bài bản nên hiệu quả chưa cao. Hiện nay, nhiều lao động trẻ lại xu hướng thoát ly, tìm việc làm trong các khu công nghiệp ngày càng nhiều. 
 
“Thu nhập ở các khu công nghiệp cao tương đương với làm nghề truyền thống nhưng lại ổn định hơn. Làm nghề truyền thống có lúc nhận được nhiều đơn hàng thì có việc, nhưng cũng có tháng ngồi chơi không”, anh Nguyễn Quang Minh, một lao động ở làng nghề sơn mài ở Hạ Thái (Thường Tín, Hà Nội) chia sẻ.
 
Cần có mô hình đào tạo chuyên sâu
 
Theo ông Vũ Quốc Tuấn, chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam, trong các làng nghề, thu nhập của người lao động thường cao gấp 2-3 lần hoặc hơn nữa so với lao động ở các làng thuần nông. Đào tạo nghề cho lao động nông thôn vừa đảm bảo nâng cao chất lượng lao động vừa nâng cao sức cạnh tranh hàng hoá và dịch vụ ở nông thôn. Tuy nhiên, hiện có nhiều chính sách xoá đói, giảm nghèo chỉ dừng lại ở việc cấp đất, tặng nhà, chưa chú trọng đến việc đào tạo nghề để lao động nông thôn có thể thoát nghèo và giàu lên ngay trên mảnh đất quê hương. 
 
Ngày 29/11/2010, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định 1956/QĐ-TTg về Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020, với tổng kinh phí khoảng 24.000 tỷ đồng. Trong đó mục tiêu năm 2010, bình quân dạy nghề cho khoảng 1 triệu lao động nông thôn. Quyết định cũng chỉ rõ, chất lượng và hiệu quả dạy nghề phải đạt 70- 90% lao động qua đào tạo có việc làm đúng nghề, tăng thu nhập của lao động nông thôn; góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Khách tham quan các sản phẩm làng nghề
Khách tham quan các sản phẩm làng nghề
 
Để đề án đạt được mục tiêu trên, Ông Trịnh Quốc Đạt, Trưởng ban Đào tạo Hiệp hội làng nghề Việt Nam đã đưa ra 7 giải pháp phát triển nhân lực kĩ thuật cho sự phát triển làng nghề đến năm 2020. Đó là: qui hoạch phát triển làng nghề; tổ chức đào tạo có hiệu quả lao động nông thôn học nghề truyền thống phát triển sản xuất làng nghề; đào tạo lại đội ngũ thợ giỏi làng nghề; đào tạo lại đội ngũ chuyên sâu thiết kế mẫu mã sản phẩm; đào tạo các chủ cơ sở sản xuất, chủ doanh nghiệp làng nghề về nghiệp vụ quản trị doanh nghiệp; tăng cường hợp tác quốc tế về đào tạo, xuất khẩu lao động; tổ chức thực hiện phát triển nguồn nhân lực kĩ thuật phát triển làng nghề của chính quyền các cấp.
 
 Trong năm 2010, Tổng cục Dạy nghề đã triển khai đào tạo thí điểm 3 mô hình dạy nghề truyền thống: đào tạo lao động để xây dựng làng nghề mới; đào tạo lao động để xây dựng làng nghề mới gắn với vùng nguyên liệu; đào tạo nguồn nhân lực để phát triển làng nghề. Ba mô hình này có hình thức phối hợp 3 bên giữa Tổng cục Dạy nghề - cơ sở đào tạo- doanh nghiệp. 
 
Đến nay, các lớp thí điểm đã tuyển sinh được 2.149 lao động theo đúng đối tượng của Đề án 1956 đặt ra. Nhờ có sự gắn bó chặt chẽ giữa nhu cầu của người dân, nơi đào tạo và nơi sử dụng lao động nên sau học nghề có khoảng 80 - 90% học viên có việc làm ổn định với mức thu nhập 1-3 triệu đồng/người/tháng. Một số ngành nghề như đúc, dát đồng, chạm khảm, chế biến thủ công mỹ nghệ có học viên thu nhập đạt 5- 6 triệu đồng/người/tháng. 
 
Minh Hiếu
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang