Chất lượng nguồn nước ăn uống, sinh hoạt địa phương: Còn nhiều quan ngại?

author 06:42 03/04/2019

(VietQ.vn) - Khảo sát năm 2018 cho thấy, đa số người dân quan ngại về chất lượng nguồn nước ngày càng xuống cấp hiện nay ở địa phương; hơn 50% số người được hỏi cho rằng chất lượng nguồn nước cho ăn uống, sinh hoạt hiện nay kém hơn so với ba năm trước.

Báo cáo PAPI năm 2018 vừa được công bố tại Chương trình công bố ‘Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam năm 2018’ cho thấy, người dân hài lòng hơn với dịch vụ công nhưng vẫn còn quan ngại nhiều về môi trường, đói nghèo và tham nhũng.

Quang cảnh diễn ra Chương trình công bố 'Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính cấp tỉnh ở Việt Nam năm 2018'. Ảnh: V.L  

Lĩnh vực dịch vụ và thủ tục hành chính công cũng có nét khởi sắc. Có sự cải thiện từng bước ở cả bốn nhóm dịch vụ và thủ tục hành chính công PAPI đo lường, bao gồm dịch vụ chứng thực, xác nhận của chính quyền cơ sở; dịch vụ cấp giấy phép xây dựng; dịch vụ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (giấy CNQSD đất); và dịch vụ hành chính công cấp xã/phường. Tuy nhiên, khoảng cách giữa điểm trung bình chung toàn quốc năm 2018 (7,39 điểm) và điểm cao nhất mong muốn đạt được (10 điểm) vẫn còn lớn, đồng nghĩa với yêu cầu chính quyền các cấp tiếp tục cải thiện dịch vụ hành chính công, đặc biệt là dịch vụ ‘một cửa’ liên quan đến giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Khi được hỏi về những vấn đề hệ trọng nhất trong năm 2018 cần Nhà nước tập trung giải quyết, nghèo đói tiếp tục là vấn đề được nhiều người chọn nhất. Mặc dù nhiều người cho rằng điều kiện phát triển kinh tế hộ gia đình và của đất nước có cải thiện, vẫn có tới 25% số người được hỏi chọn nghèo đói là vấn đề hệ trọng nhất. Tuy nhiên, khi so sánh kết quả khảo sát câu hỏi này của năm 2018 với các năm trước, mối quan ngại về tham nhũng, tăng trưởng kinh tế, an ninh - trật tự và chất lượng giáo dục gia tăng nhiều hơn. So với kết quả khảo sát năm 2015, mối quan ngại về môi trường cũng gia tăng đột biến.

Để tìm hiểu sâu hơn về mối quan ngại đối với chất lượng môi trường, khảo sát PAPI 2018 thêm một số câu hỏi tìm hiểu quan điểm và lựa chọn của người dân trước một số vấn đề liên quan tới quản trị môi trường. Kết quả phân tích cho thấy đa số người dân ủng hộ bảo vệ môi trường, cho dù có phải hy sinh tăng trưởng kinh tế. Đa số người trả lời ủng hộ mạnh mẽ việc xây dựng các nhà máy điện sử dụng nhiên liệu "sạch" (nhiên liệu tái tạo), miễn sao nguồn điện đó ổn định, không gây gián đoạn trong cung ứng. Ngoài ra, đa số người dân quan ngại về chất lượng nguồn nước ngày càng xuống cấp hiện nay ở địa phương; hơn 50% số người được hỏi cho rằng chất lượng nguồn nước cho ăn uống, sinh hoạt hiện nay kém hơn so với ba năm trước. 

Bà Caitlin Wiesen, Quyền đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam, nói: “Sau 10 năm, Chỉ số PAPI tiếp tục đóng vai trò là công cụ hữu hiệu góp phần cải thiện quản trị công ở Việt Nam. Kết quả phân tích dữ liệu PAPI năm 2018 cho thấy, yếu tố tác động lớn nhất tới mức độ hài lòng với hiệu quả quản trị và hành chính công là hiệu quả kiểm soát tham nhũng trong khu vực công. Người dân có cảm nhận vòi vĩnh trong dịch vụ y tế tuyến huyện/quận và giáo dục tiểu học công lập giảm đáng kể so với kết quả khảo sát năm 2017.  

Tuy nhiên, theo bà Caitlin Wiesen vấn đề ‘lót tay’ để có việc làm trong khu vực Nhà nước, vòi vĩnh trong quá trình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, lạm dụng công quỹ chưa giảm. Bên cạnh đó, mặc dù người dân có chung quan điểm rằng tham nhũng đã giảm đi so với ba năm trước, mỗi cấp chính quyền có mức độ thuyên giảm khác nhau, gần 60% số người trả lời cho rằng tham nhũng ở cấp xã/phường đã thuyên giảm trong ba năm qua, song chỉ có 50% số người trả lời cho rằng tham nhũng ở cấp quốc gia có xu hướng thuyên giảm.

 TS. Đặng Hoàng Giang, Phó Giám đốc CECODES. Ảnh: Thanh Niên.

Chia sẻ về kết quả chỉ số PAPI 2018, TS. Đặng Hoàng Giang, Phó Giám đốc CECODES cho rằng: Mỗi địa phương đều có những điểm mạnh và yếu riêng. Không có địa phương nào thuộc nhóm điểm cao nhất ở tám chỉ số nội dung. Chẳng hạn Lạng Sơn và Bắc Giang thuộc về nhóm đạt điểm cao nhất ở sáu trong 8 nội dung. Tuy vậy, Bắc Giang vẫn thuộc nhóm đạt điểm trung bình thấp ở chỉ số nội dung “trách nhiệm giải trình với người dân”.

Do đó, không phải giải pháp nào cũng phù hợp tất cả các địa phương, mà mỗi tỉnh, thành phố cần nghiên cứu các chỉ tiêu cụ thể, rà sóat những điểm người dân đã hoặc chưa hài lòng, từ đó tìm ra giải pháp phù hợp với từng địa phương nhằm cải thiện hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp. Hoặc chính quyền cấp tỉnh, thành phố có thể đề xuất đổi mới chính sách nhằm tạo điều kiện để phục vụ người dân tốt hơn.

Ngoài ra, theo ông Giang do có sự chênh lệch lớn giữa các điểm số cao nhất cấp tỉnh (47,05 điểm) và mức điểm cao nhất (80 điểm) của thang điểm cho tất cả 8 nội dung. Điều này cho thấy còn nhiều cơ hội đối mới chính sách và cách thức thực thi chính sách để chính quyền các cấp ngày càng cởi mở hơn, minh bạch hơn, thực hiện trách nhiệm giải trình tốt hơn, đáp ứng yêu cầu ngày một cao của người dân, hoạt động có mục đích và thực hành liêm chính hơn.

Báo cáo PAPI 2018 được thực hiện dựa trên ý kiến chia sẻ của 14.304 người dân được lựa chọn ngẫu nhiên trên phạm vi toàn quốc trong năm 2018. Từ 2009 đến 2018, PAPI đã thu thập và phản ánh trải nghiệm của 117.363 lượt người dân thông qua phỏng vấn trực tiếp.

Từ năm 2018, PAPI gồm tám chỉ số nội dung, gồm sáu chỉ số nội dung gốc (tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạch; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công, thủ tục hành chính công; cung ứng dịch vụ công); và hai chỉ số nội dung mới (quản trị môi trường và quản trị điện tử).

Vũ Linh

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang