Châu Á đua nhau mua vũ khí để đối phó Trung Quốc

author 07:59 16/09/2014

(VietQ.vn) - Nhật Bản đề nghị ngân sách quốc phòng cao kỷ lục, và Philippines đang gấp rút hiện đại hóa hải quân trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng gia tăng sức mạnh ở khu vực

Sự kiện: Vũ khí quân sự nổi tiếng thế giới

Nhiều nước châu Á đang tăng cường trang bị vũ khí, với ánh mắt lo ngại đổ dồn vào Trung Quốc do các nước này và Bắc Kinh có tranh chấp chủ quyền lãnh thổ trên nhiều nơi tại Biển Đông và biển Hoa Đông.

Các quốc gia khác, như Ấn Độ, Hàn Quốc cũng nhanh chóng hiện đại hóa quân đội, cho dù tranh chấp giữa hai nước này với Bắc Kinh trong thời gian qua chủ yếu mới chỉ dừng lại ở cấp phản đối ngoại giao.

Các nước châu Á sở hữu một nửa tổng số vũ khí nhập khẩu toàn thế giới. Trung Quốc đang trong thế dẫn đầu khi tăng ngân sách quốc phòng hàng năm lên gấp 4 lần trong thập kỷ qua.

Theo Robert D. Kaplan, nhà phân tích địa chính trị chính của công ty nghiên cứu tình báo Mỹ Stratfor, mục tiêu của Trung Quốc là vươn lên thay thế vị trí thống trị của Mỹ tại Thái Bình Dương, và nhắm đến những lợi ích từ tuyến đường biển quan trọng tại Biển Đông, nguồn dầu và khí đốt dồi dào tại vùng biển trong khu vực.

Ông Kaplan nói, "Trung Quốc tin rằng nước này có thể tăng cường khả năng quân sự của mình ở các vùng biển nhanh hơn Việt Nam và Philippines. Nếu Trung Quốc có thể tự do di chuyển và gia tăng kiểm soát tại các vùng biển lân cận, nước này sẽ thực sự trở thành một cường quốc hải quân".

Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm, Bắc Kinh vẫn chưa đuổi kịp Mỹ. Ngân sách quốc phòng của Mỹ ở mức 665 tỷ USD một năm, gấp ba lần Trung Quốc. Tuy nhiên, chi tiêu quân sự của Trung Quốc gần bằng tổng ngân sách quốc phòng của tất cả 24 quốc gia khác trong khu vực Đông và Nam Á.

Đáng chú ý là đến năm 2020, Trung Quốc dự kiến sẽ có 78 tàu ngầm, bằng số lượng tàu của Mỹ. Nhiều tàu trong số đó sẽ đóng tại một căn cứ dưới nước có quy mô lớn tại đảo Hải Nam, nhô vào vùng Biển Đông.

Động thái của Trung Quốc đã làm các quốc gia châu Á thúc đẩy việc mua tàu ngầm. Nga là nước xuất khẩu thiết bị quân sự hàng đầu cho châu Á, tiếp theo là Mỹ và sau đó là các nước châu Âu như Hà Lan.

Tương tự, Nhật Bản đang dần thay thế toàn bộ đội tàu ngầm với các tàu hiện đại hơn, Hàn Quốc bổ sung các tàu ngầm tấn công lớn hơn và Ấn Độ lên kế hoạch đóng thêm 6 tàu ngầm mới.

Siemon Wezeman, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Stockholm cho biết, "Tàu ngầm được coi là vũ khí tiềm năng giúp các nước yếu thế đối phó với đối thủ mạnh hơn. Chúng có thể âm thầm di chuyển và qua mặt việc kiểm soát trên không hoặc hàng hải".

So với Nhật Bản, Philippines đang tụt lại phía sau. Để đối phó với việc Trung Quốc xây dựng cơ sở hạ tầng trên các bãi đá ngầm có tranh chấp tại quần đảo Trường Sa, Philippines đã ký kết thỏa thuận cho phép Mỹ điều quân đến căn cứ quân sự của nước này. Đồng thời, Manila có kế hoạch mua thêm máy bay tuần tra, máy bay ném bom và các thiết bị quân sự khác.

Ông Jon Grevatt, nhà phân tích quốc phòng khu vực châu Á Thái Bình Dương, thuộc nhóm nghiên cứu IHS Jane cho biết, "Philippines đang nỗ lực đầu tư vào hiện đại hóa quân sự". Ông nhận định, "Nền kinh tế nước này đã phát triển trong nhiều năm nhưng vẫn chưa thể đáp ứng yêu cầu này".

Ấn Độ cũng có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc và Pakistan. Nước này đã mua thêm rất nhiều xe tăng cùng máy bay chiến đấu, và trở thành nhà nhập khẩu vũ khí lớn nhất trên thế giới. New Delhi đã lập một quân đoàn sơn cước gồm 100.000 người, đóng ở gần nơi có tranh chấp với Trung Quốc.

Khi phát biểu về sự tăng cường vũ khí trong khu vực với AP, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh hôm 11/9 cho biết sự gia tăng ngân sách quân sự của Bắc Kinh là "minh bạch và phục vụ riêng cho mục đích phòng vệ".

Bà Hoa Xuân Doanh cho biết "Nếu xem xét kỹ những sự kiện đã xảy ra trong hai năm qua, bạn sẽ thấy rằng không phải Trung Quốc, mà là các nước khác đã tạo ra căng thẳng và có những hành động khiêu khích. Chúng tôi phải thực thi các biện pháp cần thiết để bảo vệ chủ quyền quốc gia của chúng tôi".

Bà nói thêm rằng, "Chúng tôi hy vọng các nước liên quan có thể nhìn nhận sự phát triển quân sự của Bắc Kinh một cách bình thường, hợp tác với Trung Quốc để phát triển quan hệ song phương, duy trì hòa bình và ổn định ở châu Á".

Mặc dù tập trung tăng cường vũ khí hạng nặng, các nước hiện chủ yếu chỉ điều động tàu tuần duyên, do những tàu này dễ dàng di chuyển để kiểm soát các đảo và ngư trường đang tranh chấp.

Nhật Bản bổ sung thêm 41 tàu, nâng tổng số lên 389 tàu. Nhật Bản đã sử dụng những con tàu này trong hai năm qua để đối phó với Bắc Kinh, khi hai nước tuyên bố chủ quyền chồng lấn trên một quần đảo không người mà Nhật Bản gọi là Senkaku, và Trung Quốc gọi là Điếu Ngư.

Sam Perlo-Freeman, chủ nhiệm chương trình chi tiêu quân sự tại Viện Stockholm, cho biết "Do tất cả quốc gia đang cố gắng tránh để xảy ra xung đột vũ trang, các bên đang giữ lực lượng ở mức độ bán quân sự". "Họ đang cố gắng điều động vũ khí mà không đẩy tình hình trong khu vực lên mức độ nguy hiểm hơn", ông nói.

Tuy nhiên, Nhật Bản dường như đang chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất. Tháng trước, chính quyền của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đề nghị nâng ngân sách quốc phòng lên mức cao kỷ lục là 48 tỷ USD, nhằm tăng cường máy bay do thám P-1, chiến đấu cơ tàng hình và các thiết bị khác do Mỹ chế tạo.

Nhật Bản hồi tháng 7 thông qua việc diễn giải lại hiến pháp, cho phép quân đội Nhật Bản tham chiến ở nước ngoài. Nhật Bản và Ấn Độ đầu tháng này cam kết sẽ chia sẻ công nghệ quốc phòng và tổ chức tập trận chung.

"Nếu Trung Quốc tỏ ra hiếu chiến hơn, thì đó là do họ nhìn thấy nhiều cơ hội", Bernard Loo Fook Weng, một chuyên gia nghiên cứu quân sự ở trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam tại Singapore, cho biết. "Điều này có thể dẫn đến tình hình căng thẳng ác liệt hơn trong khu vực".

Thanh Loan


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang