Chạy đua FTA: Được và mất

author 15:54 21/06/2013

(VietQ.vn) - Việc tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam vào các thị trường xuất khẩu lớn thông qua kí kết các Hiệp định thương mại tự do (FTA) có ý nghĩa rất quan trọng.

Bài 1: Đau đầu bài toán “nhập siêu”

Với lộ trình cắt giảm và xóa bỏ hàng rào phi thuế quan trong các hiệp định FTA, hàng hóa Việt Nam có thể dễ dàng tiếp cận thị trường với các nước. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu trong nước chưa tận dụng tối đa lợi thế giảm thuế theo các FTA. Còn ở chiều ngược lại, hàng hóa nước ngoài đã tràn vào Việt Nam bằng nhiều con đường khác nhau, chiếm lĩnh “sân nhà”...

Cơ hội vẫn bị “bỏ ngỏ”

Tận dụng chính sách thuận lợi hóa, các hiệp định FTA song phương và khu vực Asean đã cắt giảm thuế nhập khẩu sâu rộng tạo cơ hội cho nhiều doanh nghiệp xuất khẩu. Theo đó, có khoảng 90% số dòng thuế sẽ về 0% vào năm 2015, phần lớn trong số còn lại sẽ đưa về 0% vào năm 2018. Cụ thể, 90% mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang các nước ASEAN được hưởng mức thuế 0% từ 2010.

Với các FTA, thuế quan giảm mạnh là cơ hội lớn tiếp cận thị trường và xuất khẩu của Việt Nam, nhất là các đối tác thường tự do hóa nhanh hơn hoặc có ưu đãi hơn. Một trong những chỉ số thể hiện lợi ích xuất khẩu của các FTA là tỷ lệ hàng hóa có sử dụng mẫu chứng nhận xuất xứ để hưởng ưu đãi. Điều đáng lưu ý là tỷ lệ này của nước ta là khá cao và luôn có xu hướng tăng lên qua các năm thực hiện.

Việc gia nhập FTA giúp hàng hóa tăng khả năng cạnh tranh
Việc gia nhập FTA giúp hàng hóa tăng khả năng cạnh tranh

Riêng năm 2012, kim ngạch xuất khẩu có sử dụng các loại hàng hóa cớ chứng nhận xuất xứ hưởng ưu đãi đạt 18 tỉ USD, chiếm 33,6% tổng kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường có FTA với Việt Nam. Trong đó, tỉ lệ sử dụng sản phẩm có chứng nhận xuất xứ sang Hàn Quốc đạt 76%, Nhật Bản 33%, Trung Quốc 27%.

Theo thống kê của Bộ Công thương, số các doanh nghiệp có thể tận dụng lợi thế của việc cắt giảm thuế trong FTA để tăng xuất khẩu vẫn còn thấp. Trong số đó, phần nhiều là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Doanh nghiệp FDI luôn có những sản phẩm tốt nhất để có thể xuất khẩu ra nước ngoài.

Còn doanh nghiệp trong nước tận dụng các cam kết mở cửa thị trường còn rất hạn chế. Việc vượt qua các hàng rào về tiêu chuẩn kĩ  thuật, kiểm dịch hay quy chế về nguồn gốc hợp pháp của các sản phẩm gỗ xuất khẩu vào EU và nhiều nước Asean cũng đang là một trong những thách thức không nhỏ.

Thực thi cam kết trong WTO và các FTA cũng tác động lớn đến hoạt động của các doanh nghiệp trên thị trường nội địa. Điều đó đòi hỏi phải tổ chức lại thị trường này theo những mô hình kinh doanh mới, xác lập các liên kết từ sản xuất, phân phối đến tiêu dùng và xuất nhập khẩu, hình thành các chuỗi cung ứng để có thể tạo được chỗ đứng vững chắc trong các chuỗi giá trị toàn cầu và khu vực.

Con dao hai lưỡi

Trong năm 2011 và 2012, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang ASEAN tăng tương ứng 30,7% và 27%, sang Nhật Bản tăng 39,5% và 25%; sang Trung Quốc là 52% và 17%; sang Hàn Quốc là 52,5% và 18%...  Thông qua lộ trình cắt giảm và xóa bỏ hàng rào thuế quan và phi thuế quan, hàng hóa của Việt Nam có thể dễ dàng tiếp cận vào các thị trường thuộc các quốc gia đối tác trong FTA.

Tuy nhiên, cùng với chiều tăng xuất khẩu, nhập khẩu dường như có những diễn biến tăng trưởng nhanh hơn hẳn sau khi nước ta gia nhập WTO và kí kết các FTA. Việt Nam cũng đang đối mặt với áp lực trở thành “tiềm năng” xuất khẩu hàng hòa của các nước tham gia FTA. Nhập siêu lớn nhất là với Trung Quốc, tiếp đó là ASEAN và Hàn Quốc. Gia tăng nhập siêu từ ASEAN và Hàn Quốc gắn nhiều hơn với FDI và việc Việt Nam tham gia sâu rộng hơn vào mạng sản xuất khu vực/toàn cầu.

Tại các siêu thị, trung tâm thương mại cao cấp, tỉ lệ hàng “ngoại” luôn chiếm khối lượng khá lớn và dễ dàng trở thành ưu tiên mua sắm hàng đầu của người tiêu dùng. Từ các mặt hàng mĩ phẩm, may mặc, các vật dụng tiêu dùng, điện tử điện lạnh, hàng Việt vẫn tỏ ra “lép vế” so với hàng nước ngoài.

Theo thống kê của Vụ Thương mại đa biên (Bộ Công thương), sau khi Hiệp định Thương mại tự do Asean - Trung Quốc (ACFTA) có hiệu lực, Việt Nam vẫn ở trong tình trạng thâm hụt thương mại cao với Trung Quốc. Trong cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc, sản phẩm nông nghiệp chiếm đến 39%, các loại nguyên liệu tài nguyên thô là 33%.

Những mặt hàng khác như da giày, hàng dệt may cũng chỉ chiếm 1% trong tổng cơ cấu xuất khẩu sang Trung Quốc. Các sản phẩm liên quan đến thiết bị, máy móc công nghiệp được khoảng 3%.  Ngược lại, Việt Nam nhập từ Trung Quốc đến 80% nguyên liệu thô dùng cho sản xuất trong nước. Các sản phẩm tiêu dùng của Việt Nam đang bị áp lực cạnh tranh cao từ hàng nhập khẩu Trung Quốc.

Các chuyên gia kinh tế cũng lo ngại, hội nhập khiến Việt Nam dễ bị tổn thương hơn trước những cú sốc giá, suy thoái kinh tế, khủng hoảng tài chính... từ bên ngoài, rủi ro bất ổn kinh tế vĩ mô có thể tăng. Về dài hạn, Việt Nam vẫn cơ nguy cơ rơi vào "bẫy chi phí lao động thấp” và "bẫy tự do hóa thương mại" do lợi thế tĩnh sẽ cạn dần trong khi lợi thế cạnh tranh động nhờ qui mô, cạnh tranh và cải thiện công nghệ không được tạo dựng. (Còn nữa)

Bảo Ngọc

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang