"Chảy máu vàng đen" vì ngại con cháu lãnh đạo

author 05:55 16/07/2013

Theo lời của một lãnh đạo Hiệp hội Thép Việt Nam, việc quản lý và cấm xuất khẩu quặng sắt thô sang Trung Quốc nếu không có quyết tâm sẽ không làm được vì nhiều khi ở các tỉnh là con cháu của lãnh đạo tỉnh mới làm được.

Mới đây, thông tin từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho hay, Hiệp hội vừa có văn bản gửi Chính phủ, Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên – Môi trường về việc xuất khẩu quặng sắt, trong đó có cả xuất khẩu lậu và việc có sự chênh lệch trong kê khai giá xuất khẩu và số lượng xuất khẩu giữa Hải quan Việt Nam và Hải quan Trung Quốc.

Theo nguồn tin từ Hiệp hội Thép, có lãnh đạo của Hiệp hội đã trực tiếp điều tra để có được những số liệu báo cáo trên, thậm chí còn lên tận cửa khẩu phía Bắc vào ban đêm để ghi nhận thực tế.

Theo đó, chỉ tính riêng trong 2 năm 2011 và 2012, lượng xuất khẩu và giá bán quặng sắt của Việt Nam sang Trung Quốc thực tế vượt xa mọi thống kê của Hải quan Việt Nam, khiến Việt Nam thất thu thuế hàng nghìn tỷ đồng.

Cụ thể, trong năm 2011, theo số liệu của Hải quan Trung Quốc công bố, nước này nhập 2.895.156 tấn quặng sắt từ Việt Nam với giá 106 USD/tấn. Trong khi đó, theo VSA, báo cáo về việc xuất khẩu quặng sắt sang Trung Quốc của hải quan Việt Nam thì Việt Nam chỉ xuất sang Trung Quốc 1.344.836 tấn quặng sắt với giá trung bình chỉ 52 USD/tấn (ít hơn 1.550.320 tấn và giá cũng thấp hơn 54 USD/tấn).

Năm 2012, báo cáo của Hải quan Việt Nam cho biết, Việt Nam chỉ xuất khẩu được 23.600 tấn quặng sắt sang Trung Quốc với giá trung bình 46 USD/tấn (đã áp thuế xuất khẩu), nhưng số liệu của Hải quan Trung Quốc lại cho thấy, nước này đã nhập từ Việt Nam tới 1.748.566 tấn, với giá trung bình 92 USD/tấn.

Để được xuất khẩu quặng sắt thô (chưa qua chế biến), theo nguồn tin trên, các đơn vị khai thác quặng thường tự khai thác số lượng lớn, sau đó bảo là tồn kho mấy triệu tấn để xin được xuất khẩu.

“Cũng có giới thiệu, nhưng khi giới thiệu doanh nghiệp thép tới gặp đơn vị khai thác, thì đơn vị khai thác hét giá thật cao, để đơn vị sản xuất không mua được, và báo cáo là ứ đọng, trong nước tiêu thụ không hết, xin cho cho xuất khẩu. Họ xin xuất một phần, nhưng biết thế nào là một phần?”, vị này nói thêm.

Theo vị này nhận định, phần chênh lệch giá xuất khẩu, và nguồn lợi từ xuất lậu các đơn vị khai thác và liên quan được hưởng rất lớn, vì có lợi họ mới làm.

Thậm chí, khi được hỏi “có hay không sự thông đồng giữa Hải quan và đơn vị xuất khẩu?”, vị này còn không ngần ngại mà nói rằng: “Có thông đồng với nhau cả, mình chả biết làm sao được, cơ quan chức năng đều biết chứ sao không, thành ra thuế 40% không là gì cả, có cấm xuất khẩu cũng không ăn thua gì”.

Xe chở quặng sắt qua biên giới (Ảnh SGTT).
Xe chở quặng sắt qua biên giới (Ảnh SGTT).

Theo đánh giá của thành viên Hiệp hội thép, điều đáng nguy là dù chúng ta cho xuất khẩu nhưng trong nước có một số nhà máy làm lò cao, nhưng không đủ quặng để sản xuất, nên giờ vẫn đang dừng. Hiện nay lò luyện gang có nguyên liệu hoạt động chỉ có gang thép Thái Nguyên với mức tiêu thụ khoảng 400.000 tấn quặng/năm, và Hòa Phát với khoảng 1,5 triệu tấn quặng/năm.

Như vậy, mỗi năm cả nước tiêu thụ khoảng 2 triệu tấn quặng, vì giờ chỉ có hai lò luyện này tìm được nguồn nguyên liệu để hoạt động. 3-4 lò luyện khác đã xây xong nhưng không hoạt động được vì không có nguyên liệu.

Thêm nữa, quặng xuất khẩu là khai thác kiểu tự do, không phải mất thuế tài nguyên, thuế môi trường, không phải thuê đất khai thác, nên giá quặng rất thấp. Còn doanh nghiệp được cấp phép thì phải theo tuần tự, kỹ thuật, phải nộp đủ loại thế, phí nên giá thành quặng cũng cao hơn.

Khi đã khai thác tự do thì làm lãng phí tài nguyên, vì đơn vị khai thác chỉ lấy những viên có hàm lượng sắt cao, còn viên có hàm lượng thấp là bỏ. Còn khai thác kiểu công nghiệp thì phải tận dụng cả cái thấp và trộn với cái cao vẫn đủ tiêu chuẩn để có thể đưa vào lò được.

Ngoài ra, khai thác tự do còn tàn phá môi trường rất ghê gớm.

Sau khi nhận được văn bản của Hiệp hội Thép, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chỉ đạo các địa phương rà soát, kiểm tra.

Tuy nhiên, theo nguồn tin của chúng tôi nhận xét: “Chưa chắc đã được gì, vì quyền lợi, vì nhiều khi ở các tỉnh ấy là con cháu của lãnh đạo tỉnh mới làm được, còn địa phương khác tới làm sao làm được việc đó. Nên người lên biên giới điều tra có về nói lại với tôi, thấy rõ các xe đi qua biên giới đều nói chục xe này của con ông này, chục xe kia của con ông kia, họ nói hẳn với bọn tôi như vậy”.

“Làm cái này khó lắm, không quyết tâm không làm được, vì nó là lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm”, vị này đánh giá, ở mình có cái hay là ai làm mà vi phạm thì không phải chịu trách nhiệm, làm hết nhiệm kỳ rồi nghỉ, nên càng tự do, càng làm, tỉnh này đua tỉnh kia để làm.

“Ngoài quặng sắt thì các loại tài nguyên khác của VN cũng vậy thôi, tình trạng xuất lậu cũng diễn ra phổ biến, cái gì mà kiếm lợi được là họ làm”, vị này nói thêm.

Bộ Công Thương cho biết, do hiện nay hải quan Việt Nam và Trung Quốc chưa có hiệp định về trao đổi thông tin nên không có điều kiện kiểm tra tính chính xác của các số liệu thống kê kể trên.
 
Tuy nhiên, trong báo cáo gửi lên Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương thừa nhận, trên thực tế, có tồn tại sự sai lệch về số lượng cũng như giá xuất khẩu quặng sắt giữa hải quan Việt Nam và Trung Quốc. Nguyên nhân là do Trung Quốc quy định quặng sắt bao gồm cả xỉ lò, đuôi quặng có chứa sắt; chưa kể một số trường hợp xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc qua con đường tạm nhập tái xuất và cuối cùng là xuất lậu.
 
Về sự chênh lệch giá quá lớn giữa hải quan Việt Nam và Trung Quốc, Bộ Công Thương cho rằng, theo quy định hiện hành, giá tính thuế hàng xuất khẩu căn cứ hợp đồng mua bán do doanh nghiệp tự khai và tự chịu trách nhiệm. Hơn nữa, vì không có quy định biểu giá tính thuế các loại khoáng sản thống nhất trên toàn quốc, nên doanh nghiệp Việt Nam có thể có khai báo giá thấp hơn thực tế để giảm thuế.
 
Tuy nhiên, hải quan vẫn cho thông quan, nếu việc hậu kiểm phát hiện gian lận trong khai báo sẽ truy thu và xử phạt theo quy định.
 
Trong báo cáo gửi lên Thủ tướng Chính phủ về tình hình thực hiện xuất khẩu khoáng sản tồn kho, Bộ Công Thương cũng thừa nhận, trong quá trình triển khai việc xuất khẩu khoáng sản, trong đó có quặng sắt, vẫn còn một số địa phương chưa thực hiện đầy đủ hướng dẫn của Bộ, trong đó, không ít địa phương đã tính thêm cả số lượng khoáng sản dự kiến sẽ sản xuất trong năm 2013 để cộng số lượng tồn kho và đề nghị xuất khẩu...
 
Để giải quyết vấn đề này, Bộ Công Thương đã yêu cầu các địa phương cân đối để lại một phần khối lượng tồn kho cho tiêu thụ trong nước; không giải quyết việc xuất khẩu khoáng sản tồn kho đối với một số địa phương có nhu cầu về nguyên liệu cho dự án chế biến sâu đang vận hành hoặc chuẩn bị đưa vào sản xuất; giải quyết xuất khẩu tồn kho tối đa không vượt quá sản lượng khai thác một năm theo công suất khai thác quy định tại Giấy phép khai thác.
 
Tại hội nghị triển khai công tác 6 tháng cuối năm 2013 của ngành thép do VSA tổ chức mới đây, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương) Bùi Quang Chuyện cho biết, đến cuối năm 2012, quặng sắt tồn kho của các doanh nghiệp là khoảng 3 triệu tấn, trong 5 tháng đầu năm 2013, Bộ Công Thương đã giải quyết cho các doanh nghiệp xuất khẩu 1,9 triệu tấn, còn lại 1,1 triệu tấn sẽ không cho phép tiếp tục xuất khẩu trong năm 2013 để đảm bảo nguồn nguyên liệu cho sản xuất thép trong nước.
 
(Theo Thời báo Kinh tế VN)

 

Lê Việt/DV

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang