"Chảy máu vàng trắng" qua biên giới

author 10:46 29/11/2012

(VietQ.vn) - Mỗi khi xe chở "vàng trắng" (gạo) đến điểm tập kết, từ bên kia biên giới, những chiếc xe tải lớn nhỏ mang biển số Trung Quốc cùng hàng chục cửu vạn, ào ào đấu thùng xe với nhau, sang gạo, nhanh chóng rồi chạy mất hút vào đại ngàn hướng về nước.

 Bài 1: Theo dấu "vàng trắng"

Trên chiếc xe chở gạo lậu trọng tải 10 tấn, từ thị trấn Xuân Hòa (Hà Quảng, Cao Bằng), men theo con đường tiểu ngạch lên cột mốc 107, chừng 5 giờ đồng hồ, chúng tôi có mặt tại bãi tập kết, vận chuyển gạo mà theo lời của các lái xe tải là gạo lậu từ Việt Nam sang Trung Quốc. Tại đây, hàng chục xe tải lớn gạo lớn nhỏ đang chờ xe bên nước bạn sang "ăn hàng".
 
9h sáng, sau khi chất đầy hàng, từ khu vực kho nằm giáp ngã 3 Đôn Chương (TT Xuân Hòa, Hà Quảng, Cao Bằng), tôi cùng 3 người bạn theo xe, bắt đầu hành trình băng rừng vượt núi đưa gạo lậu ra biên.
 
Lạnh người trên con đường tiểu ngạch
 
Dọc tuyến đường rừng, hiếm lắm mới thấy một bóng người dân bản địa gùi thứ gì lom khom, nép vào vịa đường tránh xe và bụi. Lướt tầm mắt từ các đỉnh dốc, chúng tôi chỉ thấy núi đá và dòng xe tải chở gạo lậu nối đuôi nhau tiến về biên giới.
Những chiếc xe chở gạo nối đuôi theo đường rừng
Những chiếc xe chở gạo nối đuôi theo đường rừng (Ảnh: ĐP)
 
Con đường tiểu ngạch lên cột mốc 681 vừa khít chiếc xe tải, vắng ngắt, lầm lũi tiến qua những con dốc thắng đứng, những khúc cua tay áo khúc khuỷu. Tiếng máy xe gằn lên từng hồi bởi sức nặng quá tải, thỉnh thoảng anh lái xe tên D (xin giấu tên) người bản địa phải bật công tắc gài cầu đi số bò vượt dốc.
 
Thấy tôi có co dúm, víu chặt vào tay cầm, D cười toét. “Đi một lần về rồi lần sau đố dám đi nữa. Hôm nay chở quá tải hơn 5 tấn, xe nặng phải đi chậm. Nếu chú sợ quá thì cố nhắm mắt nằm ngủ đi”, D nói rồi hướng sự tập trung vào chiếc xe đang cầm lái.
 
Theo lời D, đầu xe của anh trung bình một ngày đi 2 chuyến, mỗi chuyến khoảng 15 tấn gạo. Vào những đợt cao điểm có ngày phải đi 3 – 4 chuyến.
 
“Mỗi chuyến chủ nó trả mình 2 triệu đồng. Xe lớn hơn thì 3 triệu. Nếu tính các đầu xe chở gạo đi qua đường này, một ngày có ngày đến hàng trăm tấn bị bán sang Trung Quốc chứ chẳng chơi”, D cho biết thêm.
 
Cùng đi trên chuyến xe với chúng tôi còn một lái xe tên C, chuyên chở gạo lậu khác đi cùng. Anh cũng cho biết, hàng chục đầu xe ở đây chỉ để phục vụ chở gạo cho các chủ chứ không có việc gì làm. Việc gạo lậu ồ ạt qua biên như này, chỉ hơn năm là kiếm được vài trăm triệu gốc bỏ ra mua xe!?
 
Do một đoạn đường đang thi công, đoàn xe hàng chục chuyến phải dừng chờ tại khu vực Nậm Răn (Hà Quảng), bữa cơm sum họp toàn lái xe bản địa khá vui vẻ. 
Những chiếc xe tải mang biển số Trung Quốc cũng lần lượt có mặt tại địa điểm tập kết sâu trong rừng
Những chiếc xe tải mang biển số Trung Quốc cũng lần lượt có mặt tại địa điểm tập kết sâu trong rừng (Ảnh: SH)
 
Thấy tôi là người lạ, một lái xe trong mâm hỏi: “Cán bộ ở đâu lên đây chơi đấy? Muốn sang Trung Quốc chơi, tẹo tôi gửi theo xe gạo của họ sang đó vài tiếng rồi về. Tụi tôi ngày nào chẳng lên đây vài lần, chán rồi”.
 
Theo anh bạn đi cùng thì lái xe này tên N. Xe N lớn nhất đoàn, mỗi chuyến đi khoảng 20 – 25 tấn. N còn trẻ, khỏe có ngày chở đến gần trăm tấn gạo cho các đầu. Làm nghề chở gạo lậu được hơn năm mà đã có tiền lấy vợ, xây cả nhà cao tầng. 
 
Vào bãi tập kết
 
Chừng 45 phút, đường thông, đoàn xe tiếp tục hành trình. Mệt lừ người, tôi ngủ lịm từ lúc nào không biết. Gần đến bãi tập kết, anh bạn đi cùng thúc mạnh: “Dậy đến bãi gạo rồi, xuống mà xem”. 
 
Lướt nhanh qua đồng, kim đồng hồ đã chỉ quá 14h chiều. Tại bãi tập kết, hàng chục chiếc xe tải gạo đã mở bạt chờ sẵn. Từ các con đường mòn qua núi, hàng trăm cửu vạn người dân tộc thuộc các bản Việt Nam lũ lượt kéo xuống, ngồi quây kín các xe chờ bốc hàng.
Bốc hàng tấp nập như ở chợ
Bốc hàng tấp nập như ở chợ (Ảnh: ĐP)
 
"Ngồi chơi đi, 15 – 20 phút nữa xe bên Trung Quốc sang bốc hàng xong là mình về. Cửu vạn nó chờ sẵn rồi. Người bản ở đây họ khỏe lắm, chỉ ào cái là cả xe gạo hàng chục tấn được chuyển sang xe Trung Quốc ngay. Mỗi xe mình phải trả cho họ 400 nghìn đồng. Hàng đến, gọi điện là họ ra ngay”, D nói.
 
Quả nhiên, đúng giờ đã định, từ phía đường biên giới, hàng chục xe mang biển số Trung Quốc ùn ùn kéo sang. Như đã được lập trình từ trước, vừa sang bãi, từng chiếc xe có trọng tải tương đương đấu thùng vào nhau. Từng bao gạo lớn nhỏ trên các xe ào ào sang xe.
 
Trời bỗng đổ cơn mưa nhỏ. Tôi chui nhanh vào tấm bạt đã căng sẵn. Một lái xe trong đoàn tỏ ra khá am hiểu tác hại của việc bán gạo lậu cất tiếng: “Nếu đem số hàng trăm tấn gạo tấp nập vận chuyển qua các đường tiểu ngạch mỗi ngày với tổng khối lượng xuất khẩu gạo 9 tháng đầu năm lên 5,4 triệu tấn thì con số chẳng đáng là bao. Tuy nhiên, nếu không chặn lại thì có ngày thiếu nguồn cung cho xuất khẩu, không thể cạnh tranh lại các quốc gia xuất khẩu gạo khác ngay”.
 
Chừng nửa tiếng, trời miền biên sương mù dần bao phủ, chúng tôi lên xe ngược về xuôi. “Trừ khi bên Trung Quốc nó chặn, chứ Việt Nam có chặn đằng giời.  Chặn đường này, tụi chủ nó lại “làm luật”, mở đường khác. Bao nhiêu năm, các cơ quan có chức năng của Cao Bằng hô hào như này như kia, nhưng có làm gì được gạo lậu đâu. Tụi buôn gạo có biết sợ đâu. Mà nó làm chặt thì anh em mình đói cả lũ với nhau”, lái xe tên C khẳng định (Còn nữa).
 
(Mọi thắc mắc, khiếu tố bạn đọc có thể liên hệ qua đường dây nóng: 0904.065.256 để được tư vấn, giải quyết)
 
Nhóm PV điều tra
 
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang