Cháy nổ quán karaoke: Kinh doanh coi nhẹ mạng người!

author 06:42 04/05/2014

(VietQ.vn) - Vụ cháy quán karaoke tại Giảng Võ (Hà Nội) thêm một lần nữa rung tiếng chuông cảnh tỉnh về câu chuyện biết mà vẫn lờ công tác phòng cháy chữa cháy của chủ các vũ trường, bar, karaoke....

Trưa 3/5, ngọn lửa bất ngờ bùng phát tại tầng 1 rồi bao trùm quán karaoke Nhật Thực ở số 4B, ngõ 43 Giảng Võ, Hà Nội cướp đi 5 sinh mạng, trong đó 3 người là phụ nữ.

Hơn 3 tiếng sau khi đám cháy xảy ra, lực lượng cứu hỏa mới dập tắt và tiếp cận thi thể của nạn nhân. Tại hiện trường, nhiều chất dễ cháy, đệm mút, xả ra khí cực độc vẫn nghi ngút bốc lên. Các nạn nhân tử vong phần lớn là chết ngạt. Chỉ có một người chết ở cầu thang là bị lửa cháy trực tiếp. Nguyên nhân ban đầu được cho là chập điện từ tầng 1 đã khiến đám cháy bùng lên cả 5 tầng của quán.

Hiện trường vụ cháy quán karaoke tại Giảng võ trưa 3/5

Đọc thông tin trên, độc giả chắc hẳn cũng chưa quên nhiều vụ cháy đã diễn ra tại các tụ điểm kinh doanh giải trí  trên cả nước.Riêng Hà Nội, nổi bật nhất trong năm 2013 là vụ cháy Vụ cháy quán Bar tại Zone 9 (số 9, Trần Thái Tông, Hà Nội) ,làm 6 người thiệt mạng. Nguyên nhân khiến các nạn nhân tử nạn được cơ quan chức năng kết luận là do hít phải khí độc hại khiến toàn thân bủn rủn không đủ sức để chạy thoát ra ngoài. 6 chiến sĩ phòng cháy chữa cháy khi vào cứu hộ không đeo mặt nạ cũng bị gục ngã và được đưa đi cấp cứu.

Lực lượng PCCC tiếp cận tại đám cháy quán bar Zone 9

Theo một người chuyên thiết kế thực hiện âm thanh, ánh sáng cho nhiều quán bar, vũ trường ở TP Hồ Chí Minh cho biết, thiết kế của những nơi này hầu như là ở dạng hình hộp, để âm thanh không lọt được ra ngoài thì quán phải có hệ thống cách âm thật kín nên không khí bên trong bar luôn nóng và ngột ngạt. Chủ quán phải cho dùng nhiều máy lạnh công suất cao thì mới có thể làm mát được không khí bên trong… Bên cạnh đó, hệ thống đèn điện cũng được sử dụng hết công suất mỗi đêm, một số bar còn cuốn chung đường điện chiếu sáng với đường dây thoát hơi lạnh nên khi một dây điện chập cháy, hoặc dây tổng quá tải thì sẽ kéo theo cả hệ thống  điện chập cháy hàng loạt.

Thượng tá Nguyễn Anh Tuấn - Phó trưởng Phòng Cảnh sát PC&CC Cầu Giấy (Hà Nội) nhận định: Đặc điểm của  quán bar, karaoke, khách sạn, nhà nghỉ, hiệu cầm đồ... trên địa bàn  là  nằm trong ngõ sâu, xe chữa cháy không thể tiếp cận, trong khi nguy cơ cháy nổ tại đây luôn tiềm ẩn.

Điểm chung của các quán bar, karaoke, khách sạn... là chủ cơ sở thường xuyên thay đổi kết cấu bên trong, cải tạo, sửa chữa, trang trí nội thất nhằm thu hút khách đến vui chơi giải trí. Đây chính là “thời cơ” để hỏa hoạn bùng phát nếu thợ hàn cắt kim loại không tuân thủ các quy định về an toàn PCCC, hút thuốc, bật lửa khi làm việc. Đó là chưa kể những hiểm họa chập điện biển quảng cáo, hệ thống đèn trang trí trong các quán, phòng hát thường xảy ra vào những ngày trời ẩm ướt. Thiết bị điện, dây điện tại nhiều cơ sở vốn chỉ được thiết kế để đảm bảo nhu cầu sinh hoạt cho hộ gia đình, không phù hợp chuyển đổi sang việc kinh doanh. Hơn nữa, tại các phòng hát karaoke, quán bar thường sử dụng nhiều vật liệu dễ cháy để trang trí nội thất và cách âm, đồng thời gắn nhiều loại đèn, dàn âm thanh, tivi, điều hoà. Sự cố chập cháy điện vì thế luôn tiềm ẩn.

Theo thông tin từ Sở Cảnh sát PCCC TP Hồ Chí Minh cho biết, nhiều cơ sở kinh doanh dưới dạng quán bar, vũ trường có diện tích khoảng từ 200 đến 300m2 nhưng chứa với số lượng đông từ 300 đến 800 người và sử dụng các loại có khả năng gây cháy như rượu, bia, shisha và thuốc lá. Tuy nhiên, các cơ sở này không có giấy chứng nhận thẩm duyệt về PCCC, hoặc có giấy chứng nhận thẩm duyệt về PCCC nhưng lại thẩm duyệt theo công năng nhà hàng, quán ăn. Khi Sở kiểm tra đột xuất 48 tụ điểm quán bar, vũ trường, karaoke thì phạt các nơi này tổng cộng 66 lỗi trong đó lỗi bố trí sắp xếp vật tư, vật dụng khác cản trở công tác cứu nạn, chèn, chặn cửa thoát nạn, hệ thống điện không đảm bảo, thiết bị báo cháy hỏng…

Nguy cơ là vậy song công tác PCCC tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện hiện nay chưa đáp ứng tốt yêu cầu; nhiều cơ sở không có phương án chữa cháy, thoát nạn theo quy định; nhân viên thường xuyên thay đổi nên không được tập huấn, trang bị kiến thức cơ bản về phòng ngừa hỏa hoạn.

Từ các vụ cháy và thực tế tại các quán bar, vũ trường cho thấy, nhiều cơ sở đang còn coi nhẹ công tác phòng cháy chữa cháy, coi nhẹ mạng người!

Hạ Lan (TH)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang