Chế độ cử tuyển mới: Người Kinh không quá 15% tổng chỉ tiêu

author 21:08 09/10/2014

(VietQ.vn) - Chế độ cử tuyển mới yêu cầu các địa phương không được cử quá 15% chỉ tiêu là người Kinh.

Tin tức từ Bộ GD-ĐT cho biết, Bộ này đã tổ chức lấy ý kiến đóng góp của một số Bộ, Ban, Ngành Trung ương; cơ sở đào tạo, các nhà quản lý, đến nay Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hoàn thiện bản Dự thảo Nghị định số 134/2006/NĐ-CP ngày 14/11/2006 của Chính phủ Quy định chế độ cử tuyển vào các cơ sở giáo dục trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và đưa lên mạng giáo dục xin ý kiến rộng rãi của mọi tầng lớp nhân dân và xã hội trước khi trình Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Chế độ cử tuyển mới: Không cử quá 15% dân tộc Kinh

Chế độ cử tuyển mới: Không cử quá 15% dân tộc Kinh

Theo đó, đối tượng cử tuyển là công dân Việt Nam thường trú từ 5 năm liên tục trở lên tính đến năm tuyển sinh và có thời gian học trung học phổ thông ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn từ 3 năm trở lên, ưu tiên xét cử tuyển đối với các đối tượng là người dân tộc thiểu số. Tỷ lệ người dân tộc Kinh được cử tuyển không vượt quá 15% so với tổng số chỉ tiêu được giao.“

Hàng năm khi lập kế hoạch cử tuyển ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) báo cáo tình hình quản lý đối tượng được cử tuyển, kết quả bố trí việc làm cho người học được cử tuyển sau khi tốt nghiệp trong 03 năm liên tiếp và căn cứ vào định hướng phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu của địa phương đề xuất chỉ tiêu cử tuyển theo ngành nghề, trình độ đào tạo với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Ủy ban dân tộc, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ.

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức tuyển chọn; đặt hàng đào tạo theo chế độ cử tuyển với các cơ sở giáo dục và quyết định cử người đi học theo đúng đối tượng, tiêu chuẩn quy định và chỉ tiêu được giao; báo cáo kết quả cử tuyển với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.

Hàng năm, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập Hội đồng tuyển sinh giúp Ủy ban thực hiện công tác cử tuyển. Thành phần Hội đồng tuyển sinh gồm có: Chủ tịch Hội đồng là Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng là Giám đốc Sở Nội vụ; Phó Chủ tịch Hội đồng là Trưởng ban Dân tộc tỉnh;

Các thành viên khác gồm: Đại diện lãnh đạo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Sở Giáo dục và Đào tạo,  Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp của Sở Giáo dục và Đào tạo, Trưởng phòng quản lý đào tạo nghề của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội

Đề xuất chỉ tiêu cử tuyển, phân bổ chỉ tiêu cử tuyển theo ngành nghề, theo cơ cấu các dân tộc, theo các khu vực trên địa bàn tỉnh, phù hợp với nhu cầu nguồn nhân lực và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Thông báo kế hoạch cử tuyển trước 12 tháng tính đến thời gian nhận hồ sơ đăng ký cử tuyển trên phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh, đảm bảo khách quan, công bằng, công khai, minh bạch. Tổ chức tuyển chọn và cử người đi học theo quy định.

Thu Hà

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang