Ăn dặm sớm có thể khiến trẻ tử vong

author 17:14 27/08/2015

(VietQ.vn) - Thời kỳ ăn dặm rất quan trọng đối với trẻ, ăn dặm sớm, ăn dặm không đúng cách có thể khiến bé bị rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy kéo dài gây suy dinh dưỡng hoặc thậm chí tử vong.

6 tháng là mốc thời gian đánh dấu bước phát triển quan trọng tiếp theo của trẻ sau thời kỳ sơ sinh. Ở giai đoạn này bé cần thêm thực phẩm bổ sung để đảm bảo cho sự phát triển mạnh mẽ của hệ tiêu hóa và hệ thần kinh.  Tuy nhiên, ăn dặm không đúng cách có thể gây một số chứng bệnh ở trẻ, thậm chí nguy cơ tử vong.

Thời điểm bắt đầu ăn dặm khi bé đã được 6 tháng tuổi. Các bác sĩ khuyến cáo trước 4 tháng tuyệt đối không ăn dặm. Theo PGS. TS Nguyễn Thị Lâm, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia hệ tiêu hóa của trẻ chưa phát triển hoàn thiện, trẻ chưa có đủ men tiêu hóa và dịch tiêu hóa còn ít, đặc biệt là chưa có men Amylase để tiêu hóa tinh bột. Vì thế nếu cho trẻ ăn dặm sớm sẽ khiến trẻ bị rối loạn tiêu hoá biểu hiện ở trạng thái đầy bụng, đi ngoài phân lổn nhổn, mùi chua do không tiêu hóa và hấp thụ được thức ăn ngoài sữa.

Ăn dặm không đúng cách không những không bổ sung dinh dưỡng cho trẻ mà còn gây tác hại khôn lường

Ăn dặm không đúng cách không những không bổ sung dinh dưỡng cho trẻ mà còn gây tác hại khôn lường

Phó GS Lâm nhấn mạnh: “Đã có nhiều trường hợp đến viện khi con bị tiêu chảy kéo dài. Điều này rất nguy hiểm có thể khiến trẻ suy dinh dưỡng, thậm chí có thể tử vong nếu không được chữa trị kịp thời.

Các nguyên tắc cơ bản phụ huynh cần nắm rõ khi cho bé ăn dặm lần đầu bao gồm không nên vội vàng, ép bé ăn, chạy theo số lượng, không đa dạng hóa thực phẩm. Điều quan trọng là ăn dặm phải được thực hiện một cách tự nguyện, an toàn, khiến cả bé và cha mẹ hài lòng. Chỉ cho bé ăn thực phẩm mới khi cơ thể hoàn toàn khỏe mạnh. Không thử nghiệm khi bé mọc răng, bị cảm, mệt, theo Gia đình.

Nên cho bé dùng đồ ăn dặm trước khi dùng thức ăn chính. Cho bé ăn cháo sữa ngũ cốc, sau đó mới cho bú mẹ hoặc bú bình. Chỉ bắt đầu cho bé ăn dặm 2 bữa khi đã thay thế hoàn toàn bữa thứ nhất. Chúng ta đã chọn được một món, chẳng hạn cháo sữa ngũ cốc và quyết định thay thế bữa cuối ngày. Đây là lựa chọn tốt vì cháo làm bé no lâu và sau bữa cháo tối trẻ thường ngủ ngon hơn. Nếu chưa thay thế hoàn toàn được bữa tối thì không thử nghiệm bữa sáng hay bữa trưa.

Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh nên thay đổi thực đơn của trẻ liên tục. Một số bà mẹ do bận việc nên chỉ nấu bột bằng nước mắm, mì chính hoặc với đường thậm chí cho ăn bột ăn liền kéo dài. “Một bát bột ngọt sẽ thiếu đạm và thừa đường, nếu có đủ thì thường lờ lợ khó ăn. Việc thừa đường sẽ làm tăng men chua trong dạ dày và ruột, dễ gây rối loạn tiêu hóa. Bột có thể ứ đọng trong ruột, cản trở hấp thu canxi và dẫn đến còi xương. Chất ngọt nhanh gây cảm giác no nên dễ làm cho trẻ trở nên biếng ăn. Vì thế không nên cho trẻ ăn bột ngọt thường xuyên, kéo dài chứ không có nghĩa tuyệt đối không cho trẻ ăn loại bột này", theo Phó GS Lâm, theo VnExpress.

Phương Khanh (T/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang