Phá 'chuẩn' vận tốc, xe đạp điện dễ thành xe 'điên'

author 11:50 19/05/2017

(VietQ.vn) - Tăng vận tốc cho xe đạp điện từ 25km/h lên đến 30km - 40km/h, nhiều người độ xe theo ý thích bất chấp những nguy hiểm và những nguy cơ chập cháy cận kề.

Xe đạp điện dễ thành “xe điên” vì độ, chế

Trong những năm gần đây, số lượng người tiêu dùng mua và sử dụng xe đạp điện tại Việt Nam tăng lên rất nhanh. Trong đó, đối tượng học sinh, sinh viên và người cao tuổi là những người sử dụng loại phương tiện này nhiều nhất.

Trên thị trường hiện tại, xe đạp điện được bày bán đa dạng về chủng loại, mẫu mã cũng như giá cả. Một chiếc xe đạp điện hiện có giá dao động từ 6-16 triệu đồng, tùy mẫu. Với tính năng sử dụng đơn giản, vận tốc không phải ở mức cao nên xe đạp điện là sự lựa chọn an toàn cho những đối tượng như học sinh, sinh viên và người cao tuổi.

Xe đạp điện được độ, chế để tăng vận tốc có nguy cơ gây nguy hiểm khi tham gia giao thông

Bên cạnh việc có nhiều người điều khiển xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm, phóng nhanh, vượt ẩu, chở quá tải…một tình trạng khác đang hiện hữu gây nguy hiểm cho bản thân người sử dụng và những người tham gia giao thông chính là việc độ, chế xe đạp điện một cách tràn lan.

Trên diễn đàn mạng hay một số website kinh doanh các sản phẩm chạy điện đăng bài hướng dẫn cụ thể cách chế xe đạp điện làm sao để tăng tốc dễ dàng nhất.

Theo đó, để phục vụ nhu cầu, sở thích của riêng mình, nhiều người sử dụng đã bất chấp quy định an toàn để thay đổi kiểu dáng, kết cấu xe đạp điện. Nghiêm trọng hơn, không ít người còn nâng vận tốc của xe đạp điện lên từ 40-45km/h tạo ra những nguy hiểm không nhỏ khi tham gia giao thông. Theo quy định hiện hành, khi đưa xe đạp ra lưu thông ngoài thị trường, nhà sản xuất đã khống chế tốc độ của loại phương tiện này ở mức 25km/h.

Theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xe đạp điện sửa đổi 1:2015 QCVN 68:2013/BGTVT, quy định các yêu cầu về chất lượng an toàn kỹ thuật và phương pháp thử đối với xe đạp điện, áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu, kiểm tra, thử nghiệm, quản lý và chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật xe đạp điện.

Theo đó, xe đạp điện có công suất động cơ lớn nhất không lớn hơn 250 W, có vận tốc thiết kế lớn nhất không lớn hơn 25 km/h và có khối lượng bản thân (bao gồm cả ắc quy) không lớn hơn 40 kg.

Như vậy, nếu đối chiếu với quy chuẩn nêu trên, có thể thấy tình trạng độ, chế xe đạp điện hiện nay đã phá vỡ tiêu chuẩn chất lượng của xe đạp điện. Thêm vào đó, việc tự ý “nâng đời”, thay đổi kết cấu, vận tốc của xe đang làm ảnh hưởng đến chất lượng, độ an toàn của phương tiện và thậm chí sẽ biến những chiếc xe đạp điện tưởng chừng như rất thân thiện với môi trường và có tính an toàn cao có nguy cơ trở thành những chiếc “xe điên” trên đường phố.

Xe đạp điện độ, chế ngoài nguy cơ gây tai nạn còn tiềm ẩn nguy cơ chập cháy rất cao

Theo các chuyên gia,  để tăng tốc độ cho xe có thể phải gỡ bỏ một số bộ phận không cần thiết trên xe thậm chí thay thế nguồn cung cấp điện cho xe từ ắc quy lên pin Lithium để giảm bớt trọng lượng cho xe. Hành động này rất có thể sẽ làm tăng nguy cơ cháy nổ, chập điện khi chiếc xe không còn ở quy chuẩn ban đầu do cơ quan chức năng quy định và những thiết kế cố định đảm bảo an toàn của nhà sản xuất.

Tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn nguy hiểm

Chế, độ xe đạp điện hiện không chỉ là nỗi lo riêng của các cơ quan quản lý chất lượng hay những người làm công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông mà còn là nỗi sợ hãi thường trực đối với các gia đình có thành viên sử dụng xe đạp điện.

Chị Hà (Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: "Con trai tôi năm nay học lớp 10 và gia đình có sắm cho cháu một xe đạp điện giá 10 triệu đồng để tiện đi học đường xa. Sau khi mua xe mới, con trai tôi đã từng nhiều lần đề nghị được độ xe để trông bắt mắt hơn giống bạn bè đã làm. Tuy nhiên, tôi và gia đình đã kiên quyết phản đối vì biết rằng việc làm này tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn và tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào". Cũng theo chị Hà, các vị phụ huynh khác cũng nên quản lý chặt con mình và không nên ủng hộ việc các cháu có ý định chế, độ xe đạp điện.

Thanh Tùng ( học sinh lớp 11 Trường phổ thông Quốc tế Newton, Hà Nội) cũng cho biết, việc chế, độ xe hiện đang rất phổ biến và được nhiều học sinh "nâng cấp" cho phương tiện của mình. " Nhiều bạn độ vận tốc xe nên phóng rất nhanh, đôi khi không xử lý kịp và ngã là chuyện bình thường", Tùng cho biết.

Trao đổi về vấn đề này trên báo Lao Động, thượng tá Nguyễn Văn Quỹ (nguyên cán bộ xử lý vi phạm giao thông Đội CSGT số 1 - Công an Hà Nội) cho hay, trong trường hợp, nếu người sử dụng độ hay chế để tăng vận tốc của chiếc xe thì sẽ rất nguy hiểm cho bản thân người sử dụng và những người xung quanh.

Theo thượng tá Quỹ, các nhà sản xuất đã căn cứ vào chuyển động và biện pháp an toàn đảm bảo cho tốc độ 25km/h. Như vậy, khi chúng ta vượt quá vận tốc cho phép thì chắc chắn phá vỡ mức độ an toàn của chiếc xe. Cũng theo thượng tá Quỹ, để xử lý hành vi độ, chế xe, ngoài công tác tuần tra thường xuyên, các đơn vị cũng tổ chức cho những cơ sở sửa chữa xe ký cam kết không độ, chế phương tiện. Ngoài ra, để giải quyết vấn đề này, các trường học và chính quyền cơ sở cần vào cuộc, phối hợp với lực lượng công an rà soát các đối tượng, phát hiện và xử lý những phương tiện độ, chế để giảm thiểu tai nạn giao thông.

Một cán bộ Đội CSGT số 6 - Công an Hà Nội cho hay, hiện đội chưa bắt và xử lý trường hợp nào về việc độ xe điện. Còn một cán bộ Đội CSGT số 4 (Công an Hà Nội) cho rằng, hiện nay xe đạp điện là một phần gây ra tai nạn giao thông. Bởi lẽ, xe đạp điện di chuyển với tốc độ cũng tương đối cao, không có tiếng nổ như xe máy, chính vì vậy khi đi ở trong ngõ ngách, trường hợp bất ngờ không thể xoay trở kịp.

Doanh nghiệp kiến nghị tăng cường quản lý chất lượng xe đạp điện

Trước thềm cuộc gặp gỡ giữa Thủ tướng và các doanh nghiệp diễn ra vào ngày 17/5 vừa qua, Nhóm Công tác Công nghiệp ôtô - xe máy (VBF) đã gửi kiến nghị đáng lưu ý về việc thực thi pháp luật về các vấn đề an toàn giao thông.

Nội dung kiến nghị nêu rõ hiện nay, mật độ của việc sử dụng xe đạp điện và xe máy có xu hướng tăng với kiểm soát không chặt chẽ dẫn tới rủi ro lớn cho người sử dụng và xã hội. Hầu hết các xe đạp điện, xe máy điện tại Việt Nam không được kiểm tra, kiểm soát về chất lượng.

Theo đó, VBF đã kiến nghị các cơ quan Chính phủ có liên quan tăng cường kiểm tra, xử lý người sử dụng xe điện, xe đạp điện vi phạm TTATGT. Đồng thời quản lý tốt chất lượng các loại xe này và nghiêm cấm tình trạng “độ” xe. 

 

Nguy cơ mất an toàn từ xe đạp điện nhái thương hiệu, kém chất lượng(VietQ.vn) - Xe đạp điện trở thành phương tiện phổ biến nhất hiện nay, tuy nhiên mặt hàng này cũng đang được làm nhái khiến người dùng hoang mang.

Bảo Bình

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang