Chế nước canh bằng axit chanh không nguồn gốc

author 07:11 07/04/2013

(VietQ.vn) - Bột axit chanh được dùng trong công nghiệp tẩy trắng vải, quần áo... nay được cửa hàng cơm cho vào nước rau luộc để tạo độ chua.

Nước rau ngon nhờ… axit

11 giờ trưa, tại các quán cơm gần trường ĐH Sư Phạm tấp nập khách. Bà chủ quán tay thoăn thoắt bán hàng, luôn miệng nói với khách: “Nước mắm trong bát nhựa to, canh rau luộc trong nồi. 2 món này là miễn phí nên các em tự phục vụ. Còn muốn ăn canh rau nấu thì phải mất tiền, 2000 đồng/bát nhé..”.

Sau khi đã “yên vị” với phần ăn của mình, PV cầm bát đi lấy 2 món “miễn phí, tự phục vụ”. Nếm thử qua món nước rau nuộc miễn phí, PV không khỏi tấm tắc vì vị nước canh chua chua, ăn rất vừa miệng. Giữa tiết trời bỗng dưng oi nồng của Hà Nội, được thưởng thức món nước canh nuộc chua chua với mấy quả cà muối  không gì ngon miệng bằng.

Điều khiến PV Chất lượng Việt Nam thắc mắc là, cái vị chua của nước canh không phải do dùng chanh quả bởi không hề có mùi đặc chưng của chanh, nồi nước canh trong vắt không thấy xuất hiện xác của quả me hay quả sấu nào.

Vậy cái vị chua này là từ đâu mà ra? Đem thắc mắc này hỏi chủ quán thì nhận được câu trả lời: “Thế em ăn có thấy ngon không?- ngon đúng không?- chỉ cần biết ăn ngon, lại là đồ miễn phí là được. Những thứ khác em quan tâm làm gì. Canh rau luộc ngon là “bí quyết” nhà chị, sao có thể tiết lộ lung tung”.

Một thực khách đứng cạnh huých tay nói với PV: “Họ dùng axit chanh để tạo độ chua đấy bạn. Mấy lần đi ăn cơm sớm tớ nhìn thấy chị chủ lấy từ trong nhà bếp ra một gói bột màu trắng để cho vào nước rau. Cả nồi nước rau to đùng thế kia mà dùng chanh hay me thì có cả cân mới đủ độ chua. Nhưng chỉ cần 2 thìa nhỏ axit chanh là được nồi canh miễn phí nhưng “chất lượng cực ngon”. Bạn đi tất cả các quán cơm sẽ thấy, nước rau luộc miễn phí của quán nào cũng đều “ngon” như vậy hết….”.

Mục sở thị cả dãy quán cơm gần trường ĐH Sư Phạm thì đúng như lời thực khách kia vừa nói. Cái “bí quyết gia truyền” để có món nước canh luộc chua chua ngon ngon của tất cả các quán đều như nhau. Không hề thấy bóng dáng của các loại quả làm chua.

Người bán cứ điềm nhiên chế biến bằng những gia vị lạ, thực khách vẫn vô tư thưởng thức theo kiểu “khuất mắt trông coi”. Có thực khách uống liền một lúc 2-3 bát canh rau luộc “chua chua”.

“Ôi giời, ngon là được. Chứ để ý gì đến việc họ dùng thứ gì để cho món ăn hấp dẫn. Ở đây, quán nào chả như quán nào. Kĩ tính thì chỉ có nước tự nấu lấy mà ăn…”, một thực khách điềm nhiên nói.

axit chanh để tẩy quần áo nay được dùng chế... nước canh rau
Axit chanh để tẩy quần áo nay được dùng chế... nước canh rau

"Thủ phủ” của axit chanh

Tại chợ Đồng Xuân, không khó để có thể mua được các loại hóa chất (dù là hóa chất cấm). Dù không được bày bán công khai, nhưng hễ có người hỏi mua là sẽ được người bán đáp ứng ngay tức thì.

Tại kiot số 1 khi PV hỏi mua a xít chanh, chị bán hàng nhanh nhẩu: "Em mua nhiều không? Nếu mua nhiều chị bán giá hữu nghị 65.000 đồng/kg , mua ít thì 70.000 đồng/kg. Nhưng ở đây chị không bán theo lạng, chỉ bán theo cân”.

Thấy chúng tôi chê đắt, chị giải thích : “Những năm trước, ít người sử dụng, chỉ có các cửa hàng kinh doanh vải may quần áo hoặc người dân mua về tẩy trắng quần áo nên giá chỉ khoảng 20-30 nghìn đồng/kg. Vài năm trở lại đây, axit chanh được nhiều cửa hàng cơm mua về chế biến vào nước canh để tạo độ chua, những người muối dưa cà cũng dùng để muối cho dưa cà mau chín nên mặt hàng này bán cực chạy và đắt bởi nó được dùng thông dụng trong chế biến thực phẩm. Em cứ đi hỏi hết cả khu chợ Đồng Xuân này thì nhà ai cũng bán với giá như nhà chị”.

PV bằng lòng lấy 1kg axit chanh, người bán hàng lôi ra một túi nilon màu trắng trông như đường trong thùng cacton ghi “axit”.

Theo quan sát, loại hóa chất này được đựng trong túi bóng kính màu trắng, ngoài chữ “axit” do người bán tự ghi thì hoàn toàn không có nhãn mác, không hạn sử dụng, không nguồn gốc xuất xứ, màu trắng, có mùi rất khó ngửi. Nhìn bằng mắt thường khó có thể phân biệt được nó là chất gì.

Thấy PV nhăn mặt vì mùi của hóa chất,chị bán hàng nói thêm “Ngửi trực tiếp thì như vậy nhưng khi cho vào thực phẩm thì không có mùi gì đâu. Dùng cái này cho vào nước rau muống luộc thì sẽ lập tức nước rau sẽ có màu đẹp mắt như mình dùng me, sấu, khách có mà “mê tít” ấy chứ”….

Độc hại

Theo TS. Nguyễn Xuân Lãng, Trưởng Phòng Thí nghiệm trọng điểm, Viện Hóa học Công nghiệp Việt Nam: Axit chanh còn có tên là Axít citric, là một chất bảo quản và cũng được sử dụng để bổ sung vị chua cho thực phẩm.

Tuy nhiên, TS Lãng vẫn nhấn mạnh, cùng chất đó nhưng chỉ được dùng trong thực phẩm khi trên bao bì chỉ định rõ, nếu không sẽ gây hại cho người vì Axít citric vốn chỉ dùng trong công nghiệp tẩy rửa. Nếu dùng axit chanh quá lượng quy định có thể tổn hại đến men răng. Khi tiếp xúc gần mắt, có thể gây bỏng và làm mất thị giác. Ngoài ra còn làm tổn hại và bạc màu tóc.

Thanh Nguyên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang