Chế tài hành chính xử lý thông tin sai sự thật trên báo chí: Trọng tài nhiều hơn cầu thủ?

author 16:10 05/02/2015

(VietQ.vn) - Bên cạnh những tranh cãi về việc xử phạt báo chí như thế nào khi đưa tin sai sự thật, thì vấn đề về “Quyền xác định “đúng – sai” của cơ quan hành chính với thông tin trên báo chí” cũng là những vấn đề đang được tranh luận sôi nổi.

Sáng nay, ngày 5/2 Trung tâm Truyền thông Giáo dục cộng đồng (MEC) cùng bốn cơ quan báo chí: Báo điện tử VTC News, báo Pháp Luật TPHCM, báo Điện tử Infonet và báo điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức hội thảo về “Ai cũng được phạt  báo chí?” nhằm đóng góp ý kiến cho dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước liên quan đến hành vi đăng, phát, cung cấp, đưa tin, công bố thông tin sai sự thật do Bộ Tư pháp soạn thảo.

Ông Nguyễn Văn Hùng – Vụ báo chí xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại Hội thảo

Ông Nguyễn Văn Hùng – Vụ báo chí xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại Hội thảo

Tại buổi Hội thảo, xung quanh những vấn đề đã từng gây tranh cãi trước đó, phần lớn ý kiến của khách mời tham gia tập trung chủ yếu vào nội dung chính “Quyền xác định đúng – sai của cơ quan hành chính với thông tin trên báo chí”. 

Ông Nguyễn Văn Hùng – Vụ báo chí xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương phân tích: “Trong năm 2014 vừa qua, câu chuyện về các Cơ quan Bộ ngành có ý kiến về việc cần có những Chế tài hành chính xử lý thông tin sai sự thật trên báo chí. Trên thực tế, đã có nhiều Bộ, Ban ngành yêu cầu xử phạt các cơ quan báo chí đưa tin sai sự thật về họ, và ngay sau đó trên các phương tiện truyền thông báo chí đã có rất nhiều thông tin bày tỏ ý kiến của báo chí về vấn đề này. Chúng tôi cho rằng những ý kiến đó đáng được ghi nhận và suy ngẫm. Tất nhiên, khi các bộ ngành có quyền lợi riêng của mình, cũng như Báo chí có quyền lợi riêng chính đáng thì sự va đập đó đem đến những quan điểm, suy nghĩ, lập luận, phản biện khác nhau. Về việc cơ quan Ban ngành nào được quyền xác định đúng, sai với thông tin được đưa ra bởi Báo chí. Tôi nghĩ, không nên để xảy ra tình trạng chồng chéo. Đấy là nguyên tắc. Theo Nghị định số 159/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực báo chí, xuất bản. Đầu mối để có thể xử phạt Báo chí khi có những thông tin không chính xác được giao cho Thanh tra bộ Thông tin và Truyền thông. Tuy nhiên, hiện tại có thêm kiến nghị từ các Bộ ngành và có văn bản tới đây các Bộ ngành cũng có thể xử phạt thì câu chuyện này cũng phải được làm rõ. Bởi vì nếu không, mỗi Bộ ngành sẽ có một chế tài riêng, đồng nghĩa với việc văn bản sau chồng chéo lên văn bản trước và ai cũng có thể tham gia việc xử phạt đó thì sẽ tạo ra một sự nhiễu loạn.”

, ông Mai Phan Lợi - Phó Tổng Thư ký, Trưởng đại diện tại Miền Bắc của Báo Pháp luật TP HCM

Ông Mai Phan Lợi - Phó Tổng Thư ký, Trưởng đại diện tại Miền Bắc của Báo Pháp luật TP HCM

Trong phần phát biểu của mình, ông Mai Phan Lợi - Phó Tổng Thư ký, Trưởng đại diện tại Miền Bắc của Báo Pháp luật TP HCM cũng cho rằng: Mối lo ngại mà báo chí đã phản ánh về việc “nhiều cơ quan, nhiều đầu mối có quyền phạt báo chí” lặp lại. Bởi thực tế báo chí trước nay phản ánh phê phán, phản biện, thậm chí phanh phui nhiều hành vi tiêu cực từ các ngành các lĩnh vực kể trên và các ngành này đều phải thực hiện nghĩa vụ trả lời báo chí quy định tại Điều 3 Nghị đinh 51/2002 và Luật Báo chí. Từ chỗ có nghĩa vụ giải trình thông tin Báo chí nêu, nay các Bộ, Ngành có quyền xác định đúng, sai và xử phạt các thông tin được cho là “sai sự thật” viết về ngành, lĩnh vực mình quản lý là điều bất cập. Lấy ví dụ gần đây nhất, chúng ta đều biết vừa rồi, có chuyện giảm giá xăng, ban đầu căn cứ vào thông tư của Bộ Tài chính hàng loạt báo điện tử đăng giá xăng giảm hơn 1400 đồng/lit. Nhưng sau vài tiếng, tất cả các bản tin này đều bị gỡ hoặc sửa đổi, bởi vì bản thân Bộ Tài chính sau đó ít giờ đã rút lại, ban hành thông tư mới. Lúc đó, giá xăng giảm thực tế là gần 1900 đồng/lít.Trong vòng vài tiếng đồng hồ, cơ quan đầu nguồn tin là Bộ Tài chính còn thay đổi liên tục thông tin thì làm sao nhà báo có thể tránh được việc đưa thông tin không đúng? Hay như vụ quay cóp tập thể ở Hội đồng thi Đồi Ngô (Bắc Giang) cách đây mấy năm, ban đầu báo chí đưa tin theo nguồn tố giác, cơ quan quản lý ngành đã lập tức phủ nhận, sau đó sự thật đúng như báo chí phản ánh. Nếu hồi đó có công cụ “xác định hành vi vi phạm hành chính” chắc có lẽ sau khi phủ nhận là việc tiến hành triệu tập, lập biên bản… rồi?! Việc đưa thông tin sai cả nhà báo và cơ quan báo chí thường không muốn vì nhà báo là người phục vụ bạn đọc. Bạn đọc trả tiền mua báo cũng không muốn đọc những thông tin sai. Tuy nhiên vì lo ngại tin sai mà vẫn cố giữ thẩm quyền cho các ngành là không nên, nhất là còn cho thêm chế tài đối với riêng các ngành thống kê, giá cả thị trường là bất hợp lý lớn.”

Nhà báo Đào Ngọc Tước (Phó TBT Báo Giáo dục Việt nam), nêu quan điểm: "Tôi không đồng tình việc ngành nào xử phạt ngành đấy. Đồng ý rằng sai là phải phạt nhưng đối tượng cung cấp thông tin sai có bị phạt không? Và Quyền xác định đúng sai không nên giao cho cơ quan quản lý nhà nước, mà nên giao cho tòa án.”

luật sư Nguyễn Thế Chuyên – Đoàn Luật sư Hà Nội

Luật sư Nguyễn Thế Truyền – Đoàn Luật sư Hà Nội quan tâm đến vấn đề: liệu Bộ TT&TT có phải là cơ quan "thi hành án" của các bộ ban nghành?

Đồng quan điểm với Nhà báo Mai Phan Lợi và Nhà báo Đào Ngọc Tước, luật sư Nguyễn Thế Truyền – Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng: “ Tôi quan tâm đến vấn đề “Ai là cơ quan tài phán? Có 2 điều cần được quan tâm ở đây. Điều thứ nhất, các cơ quan Bộ ngành khác thẩm quyền ở đâu để ra quyền triệu tập, thu thập văn bản và đề xuất phạt Báo chí? Điều thứ 2, Bộ Thông tin và Truyền Thông (TT&TT)  là người đưa ra quyết định xử phạt, vậy Bộ TT&TT có đủ thẩm quyền để phủ quyết văn bản đó không? Nếu có thì chẳng có gì để lo, nếu không thì Bộ TT&TT phải làm theo, như vậy có sự ngang bằng không? Đây chính là câu chuyện thẩm quyền. Nếu hình thức không đúng, thẩm quyền không đủ thì bản thân điều luật đó đã bị phá sản ngay từ khi được soạn thảo.”

Bên cạnh ý kiến của những khách mời tham dự, Hội thảo cũng nhận được khá nhiều ý kiến từ các Nhà báo, phóng viên, những người chịu ảnh hưởng trực tiếp từ Chế tài xử phạt báo chí trong 8 nghị định. Từ bất cập trên, nhiều bộ, ngành đã soạn thảo các Nghị định xử lý hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý của mình bao gồm xử lý cả thông tin báo chí nêu về ngành với nhiều mức phạt khác nhau, đối với nhiều chủ thể khác nhau. Điều này đã gây ra sự chồng chéo về quản lý nhà nước đối với hoạt động báo chí, tạo ra tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi” có thể hạn chế tính phản biện, phê bình của báo chí đã được quy định tại Luật Báo chí.

Chính vì các lý do trên nhiều phóng viên báo chí cùng đại diện của một số bộ, ngành liên quan đề nghị các Bộ ngành cần xây dựng chế tài xử phạt cho các hành vi chậm cung cấp thông tin, cung cấp thông tin sai, không đầy đủ cho báo chí, và mức xử phạt này phải tương xứng với mức xủ phạt báo chí khi thông tin sai sự thật. Cùng với đó là không bổ sung thêm điều 8a và giao tất cả các việc liên quan tới báo chí về đơn vị chủ quản là Bộ TT-TT tránh tình trạng các cơ quan quản lý được quyền “vừa đá bóng vừa thổi còi”, lấn sân Bộ TT-TT trong quản lý và xử phạt báo chí.

Bảo An

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang