'Chém lợn dã man chẳng ảnh hưởng gì đến nhân cách sau này của trẻ'

authorViết Cường 17:03 03/07/2015

(VietQ.vn) - Chém lợn ở làng Ném Thượng (Bắc Ninh) không liên quan gì đến đạo đức…

Tại hội nghị tổng kết công tác quản lý, tổ chức lễ hội sáu tháng đầu năm 2015 diễn ra ngày 2/7 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Hoàng Tuấn Anh, cho rằng nghi thức hiến sinh dã man động vật trong một số lễ hội như: lễ hội chém lợn giữa sân đình tại Bắc Ninh, giết trâu tại Phú Thọ dứt khoát phải chấm dứt và loại bỏ.

Người đứng đầu ngành văn hóa tỏ ra rất quyết tâm khi “truy” đến cùng một số địa phương còn tồn tại những bất cập trong việc quản lý, tổ chức lễ hội.

lễ chém lợn ở bắc ninh

“Ông ỉn” được đưa ra giữa sân đình để khai đao tại lễ hội chém lợn ở Bắc Ninh

Nhìn nhận về một số hoạt động được cho là phản cảm trong các lễ hội, ông Trần Quốc Chiêm - Phó giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Nội đánh giá: “Lễ hội đền Gióng ở Sóc Sơn cũng phải lưu ý, lễ hội mà thanh niên cởi trần trùng trục tranh cướp lộc rất phản cảm. Lộc phải đến bằng lao động chứ không thể cướp mà được”.

Có ý kiến còn cho rằng, nguy cơ chết người từ các lễ hội này là rất cao bởi các nghi thức tranh cướp dễ dẫn đến chen lấn, xô đẩy, đánh nhau để giành lộc.

Qua những dẫn chứng trên có thể khẳng định, ngành văn hóa du lịch đang quyết liệt chấn chỉnh công tác quản lý, tổ chức lễ hội. Tuy nhiên, theo ý kiến của một số nhà nghiên cứu văn hóa thì lễ chém lợn ở Bắc Ninh hay cướp lộc ở đền Gióng không ảnh hưởng tiêu cực đến suy nghĩ, nhân cách của lớp trẻ như nhiều người lo lắng.

“Chém lợn không liên quan gì đến đạo đức. Nếu các vị lo lắng rằng người lớn dẫn trẻ em đến xem cảnh máu me này sẽ tác động không tốt tới tâm sinh lý của chúng và góp phần gia tăng cướp - giết - hiếp ở nước ta thì các vị có thể góp tiền để một tổ chức uy tín nào đó điều tra tỉ lệ tội phạm ở làng Ném Thượng nói riêng và tỉnh Bắc Ninh nói chung - những người tiếp xúc với lễ hội này trước và lâu dài hơn chúng ta rất nhiều lần. Nếu tỉ lệ tội phạm cao một cách bất thường thì nên có phương án ngay, kể cả là cấm vĩnh viễn lễ hội”, nhà nghiên cứu Nguyễn Chung nhìn nhận.

Tuy nhiên, qua khảo sát, tình hình an ninh trật tự tại quanh khu vực làng Ném Thượng từ bao năm qua vẫn rất tốt. Trong khi đó có nhiều vùng miền, địa phương khác không có các lễ hội "dã man" nhưng tỉ lệ cướp giết hiếp vẫn xảy ra liên tục.

Còn về vụ lộn xộn ở lễ hội đền Gióng - Sóc Sơn. Sự việc được đẩy lên cao qua phát ngôn “cướp lộc ở đền Gióng là cướp có văn hóa” của ông Phan Đăng Long – Phó Ban tuyên giáo Thành ủy Hà Nội.

Ông Long lí giải, trong lễ hội có tục cướp lộc, cướp giỏ hoa tre, cướp trầu cau. Đây là tục có từ xưa, quan niệm của dân làng là nếu ai cướp được lộc thì sẽ may mắn cả năm, sinh sôi nảy nở. Nhưng cũng cần lưu ý, chữ “cướp” ở đây không phải là “cướp giật” mà “cướp” có văn hóa, “cướp” theo tục lệ giống như tục cướp vợ của người Mông...”.

Vị Phó Ban tuyên giáo Thành ủy, cho rằng hành vi “cướp” lộc thể hiện người dân muốn có được “lộc thánh” thì phải có sự nỗ lực, vất vả của cá nhân, chứ không có chuyện tự nhiên “lộc thánh” đến với mình. 

Do đó, ông Long nhấn mạnh, việc nhiều người phê phán tục “cướp” này, hiểu nó theo nghĩa đen là “cướp giật” không phù hợp.

Phát ngôn của ông Long đã bị dư luận, đặc biệt là trên các diễn đàn, mạng xã hội chỉ trích, cho rằng ông Long phát biểu thế là bảo thủ, kém hiểu biết.

Về việc này, trao đổi với phóng viên, nhà nghiên cứu về văn hóa Hoàng Nguyên nhận xét rằng ông Long nói thế không có gì là sai cả. Nhà nghiên cứu cho rằng đã là văn hóa thì ranh giới giữa cái sai và đúng vô cùng mong manh.

“Ở một số nước phương Tây họ có những khu vực, bãi biển mà ai đến đó đều không mặc gì cả. Họ coi như thế là bình thường, có khi còn cho rằng thế mới là đẹp. Nhưng nếu đem việc đó về Việt Nam thì chắc chắn chúng ta không chấp nhận, cho rằng tục tĩu. Hay đơn cử như ở Nhật, họ có rất nhiều trò chơi mang tính sex, còn phát cả trên truyền hình. Dĩ nhiên ở Việt Nam, thực hiện điều đó là điều không thể”, nhà nghiên cứu Hoàng Nguyên phân tích.

Cụ thể hơn về câu nói của ông Long, “cướp lộc ở đền Gióng là cướp có văn hóa”, nhà nghiên cứu nhìn nhận: “Cùng là hành vi đánh nhau nhưng đánh nhau ở ngoài đường, ngoài chợ là hành vi thiếu văn hóa. Còn việc hai võ sĩ quyền anh thi thố trên võ đài của một giải đấu nào đó lại được cho là hành vi có văn hóa. Đánh nhau ở ngoài đường, ngoài chợ do mẫu thuẫn là hành vi tự phát của hai bên, không có sự giám sát. Còn thi đấu trên võ đài của một giải đấu thì có tổ chức, có sự  giám sát của nhiều người. Cũng là chảy máu, cũng nguy hiểm đến tính mạng nhưng họ được người ta tôn vinh. Khác với những người đánh nhau tự phát bị mọi người sợ hãi, lên án”.

Nhà nghiên cứu nói thêm, tục cướp lộc ở đền Gióng đã có từ lâu đời, mang tính văn hóa đặc trưng vùng miền, địa phương. Các thanh niên trong làng đến cướp lộc một cách tự nguyện, thích thú, có sự giám sát của gia đình, dân làng, các bô lão và hội đồng. Dĩ nhiên đã tranh nhau thì chuyện thi thoảng có xô xát cũng là bình thường. Ngoài đời thanh niên nhìn đểu nhau thôi cũng xảy ra đánh đấm, cớ gì do cướp lộc ở lễ hội.

“Như ông Long nói, hành vi “cướp” lộc thể hiện rằng người dân muốn có được “lộc thánh” thì phải có sự nỗ lực, vất vả của cá nhân, chứ không có chuyện tự nhiên “lộc thánh” đến với mình. Đây là ý nghĩa, hoạt động rất tốt đẹp, không có gì phải ngăn cấm cả”, nhà nghiên cứu nêu quan điểm.  

Viết Cường

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang