Chen lấn, xô đẩy để mua bánh trung thu cổ truyền

author 08:54 27/09/2012

(VietQ.vn) - Trái ngược với cảnh vắng tanh như “chùa Bà Đanh” ở các quầy hàng bánh trung thu có thương hiệu lớn mọc lên như nấm dọc theo các tuyến phố của Hà Nội, bánh trung thu cổ truyền lại sản xuất không kịp bán, người mua phải xếp hàng, thậm chí còn giới hạn số lượng/lượt xếp hàng được mua.

Sự kiện: Bệnh ung thư và cách phòng tránh

Viễn cảnh nói trên tưởng đùa nhưng lại đang diễn ra hơn 1 tuần nay tại 3 cửa hàng bánh trung thu cổ truyền, có tiếng hàng chục năm ở Hà Nội là bánh trung thu Bảo Phương, Tuấn Anh, Đức Hiền. Cả ba cửa hàng này nằm sát cạnh nhau ở trên phố Thụy Khuê – Hà Nội. Điều đặc biệt, tuy là ba cửa hàng khác hẳn nhau cả về địa chỉ lẫn tên gọi, nhưng đây là những hiệu bánh từ chính một “cụ tổ” nghề tạo ra và truyền lại cho 3 người con của mình.

Chắc chẳng cần phải quảng bá nhiều, là người Hà Nội hoặc người “tứ xứ” đã từng một lần dùng các loại bánh trung thu của ba cửa hàng nói trên sẽ đều cảm nhận thấy có những hương vị, mùi vị và cảm giác đặc biệt, không giống với bất cứ một loại bánh trung thu nào. Chính vì thế, bánh trung thu của ba cửa hàng nói trên đã trở thành đặc sản và là “quà quý” được giành mang biếu nhau. Một điều cũng rất đặc biệt về các loại bánh trung thu cổ truyền nói trên là hình thức tuy không bắt mát, tuy không “mượt” như nhiều loại bánh khác, không được gọi với những cái tên “mỹ miều” như kim cương, ngọc ngà nào đó hoặc cũng không được bán kèm cùng rượu, trà hảo hạng… nhưng các công đoạn chế biến, tẩm ướp gia vị, trộn nhân… được lựa chọn khắt khe, công phu.

Ông Nguyễn Đức Hiền – Chủ cơ sở Bánh trung thu Đức Hiền và cũng là “anh cả” trong gia đình có các anh em làm bánh trung thu cổ truyền nói trên cho biết, chưa bao giờ cả ba anh em cùng bán bánh lại đặt mục tiêu bán được bao nhiêu cái bánh trong một ngày hoặc tranh giành khách của nhau. Điều mà cả ba anh em ông cảm thấy có lỗi nhất là mỗi lần vào vụ bánh trung thu, cửa hàng làm không kịp để bán và là nguồn cơn gây tắc đường lúc đông khách.

“Có khi, dưới trời nắng chang chang hoặc mưa rầm, người mua phải xếp hàng chờ đợi hoặc quay ra chen lấn, giành chỗ của nhau để được mua bánh trước kẻo hết. Hoặc là vào những ngày khách đổ xô mua, làm tắc cả đoạn đường, cán bộ phường, rồi công an nhắc nhở cửa hàng nhưng cũng không biết làm thế nào để “giãn khách”. Nhất là càng vào những ngày gần ngày trung thu nhất, nhân viên làm bánh từ mờ sáng đến tận đêm khuya mà hàng vẫn thiếu”, ông Hiền nói.

Cũng theo ông Hiền, Bảo Phương đã phải thông báo mỗi lượt xếp hàng, người mua chỉ được mua 8 chiếc bánh, tương đương với 2 hộp, mỗi hộp 4 chiếc. Rồi người mua đứng ngoài cửa chờ từ lúc chưa dọn hàng. Bản thân ai làm kinh doanh cũng mong muốn có nhiều khách thế nhưng để khách phải chờ, phải xếp hàng, cảm thấy chưa thanh thản, ái ngại vô cùng.

Tham gia xếp hàng, mua bánh trung thu ở cửa hàng bánh trung thu Bảo Phương, chị Nguyễn Hồng Vân ở phố Bạch Mai – quận Hai Bà Trưng đi đoạn đường gần 7 km để đến cửa hàng mua bánh nói rằng, trưa rồi, dù phải đợi mình cũng phải mua được 2 hộp bánh để giành “phá cỗ” đêm rằm.

“Cuộc sống bây giờ không phải thiếu thốn như ngày xưa, không phải ăn lấy no mà chỉ là thưởng thức. Có mất công tí nhưng được ăn bánh ngon, đảm bảo thì chờ cũng không sao”, chị Vân nói.

Theo quan sát của PV Chất lượng Việt Nam, vào lúc 12 giờ 35 ngày 26/9/2012, tại 3 cửa hàng bánh trung thu nói trên, số lượng người xếp hàng đến cả trăm người. Dưới trười nắng, oi bức, những người bán hàng ở ba cửa hàng nói trên mồ hôi nhễ ngại, quá giờ ăn trưa vẫn không được nghỉ, còn người mua đứng xếp hàng chỉ ngóng đến lượt mình để được mua. Có nhiều người chen lấn nhau, hoặc “rẽ ngang” để lên trước bị người phía sau và nhân viên cửa hàng “cáu”, yêu cầu xếp theo thứ tự.

Trái ngược với cảnh xếp hàng, chờ được mua bánh như kể trên, các cửa hàng, quầy hàng của các doanh nghiệp bánh kẹo lớn như Hữu Nghị, Kinh Đô, Đồng Khánh, Tràng An, Bảo Minh, Bảo Ngọc, Thu Hương, Long Đình… ở trên các tuyến phố vắng tanh như “chùa Bà Đanh”. Thậm chí, nhiều loại bánh trung thu của các doanh nghiệp như Tràng An, Đồng Khánh, Kinh Đô…treo biển giảm giá mà người mua vẫn vắng.

Chất lượng Việt Nam  xin giới thiệu một số hình ảnh về nghịch lý nơi bán bánh trung thu vắng khách, nơi khác lại phải xếp hàng, chờ mua.

Khách mua bánh trung thu ở cửa hàng Đức Hiền - phố Thụy Khuê (Hà Nội) phải chờ lâu vì bánh sản xuất không kịp để bán. Ảnh: N. Nam
Khách mua bánh trung thu ở cửa hàng Đức Hiền - phố Thụy Khuê (Hà Nội) phải chờ lâu vì bánh sản xuất không kịp để bán. Ảnh: N. Nam
Ở cửa hàng Bảo Phương lúc 12 giờ 30 ngày 26/9, khách xếp hàng chờ đến lượt mua bánh đến cả trăm người. Ảnh: N. Nam
Ở cửa hàng Bảo Phương lúc 12 giờ 30 ngày 26/9, khách xếp hàng chờ đến lượt mua bánh đến cả trăm người. Ảnh: N. Nam
Số người mua tập trung đông khiến cả người bán và người mua đều bực bội. Ảnh: N. Nam
Số người mua tập trung đông khiến cả người bán và người mua đều bực bội. Ảnh: N. Nam
Và đây là cách từ chối khéo của chủ cửa hàng Bảo Phương khi không có đủ bánh để bán. Ảnh: N. Nam
Và đây là cách từ chối khéo của chủ cửa hàng Bảo Phương, mỗi người xếp hàng và đến lượt mua bánh, chỉ được mua tối đa 8 chiếc, tương tương với 2 hộp, 4 chiếc bánh. Ảnh: N. Nam
Bánh hết, giờ hẹn bán kéo dài tới tận 20 giờ 30 phút tối . Ảnh: N. Nam <br>
Bánh hết, giờ hẹn bán kéo dài tới tận 20 giờ 30 phút tối . Ảnh: N. Nam

Và đây là các quầy hàng bánh trung thu hàng hiệu của nhiều doanh nghiệp nổi tiếng, tràn ra vỉa hè nhưng lại vắng tanh như "chùa Bà Đanh".

Mua rồi  tặng thêm mà khách vẫn vắng tanh. Ảnh. N. Nam<br>
Ở thị trường phía Nam, doanh nghiệp này khuyến mãi mua rồi tặng thêm mà khách vẫn vắng tanh. Ảnh. N. Nam
Từ Bibica...
đến Tràng An...
Kinh Đô...
Hữu Nghị...
rồi Hải Hà... các quầy đều có điểm 'rất' chung: Vắng khách Ảnh: N. Nam

Hồng Anh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang