Chi 344 tỷ đồng dự phòng, lợi nhuận Saigonbank bị 'bào mòn' 87%

author 06:12 27/04/2019

(VietQ.vn) - Lợi nhuận Saigonbank từ hoạt động kinh doanh năm 2018 đạt 396 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2017. Tuy nhiên, chi phí trích lập phòng rủi ro của nhà băng này lên tới 344 tỷ, “bào mòn" 87% lợi nhuận của năm 2018.

Sự kiện: Doanh nghiệp

Theo ông Nguyễn Ngọc Lũy, PGD Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigonbank, SGB), năm 2018 là năm đầu tiên ngân hàng thực hiện cơ cấu lại phương án kinh doanh gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020.

"Saigonbank tập trung rà soát xử lý nợ xấu, nợ tiềm ẩn; cơ cấu tín dụng tiếp tục theo hướng tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh và tài trợ cho các dự án hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội cùng các dự án thuộc chương trình kích cầu của Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh”, ông Lũy thông tin.

Theo BCTC năm 2018, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh đạt 396 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2017, tuy nhiên chi phí dự phòng rủi ro tín dụng là 344 tỷ đồng ảnh hưởng đến lợi nhuận trước thuế, điều này tương đương chi phí dự phòng đã "bào mòn" 87% lợi nhuận năm 2018.

Đại hội cổ đông Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương năm 2019.

Tính đến 31/12/2018, tổng tài sản của Saigonbank đạt 20.374 tỷ đồng, giảm nhẹ 4% so với đầu năm và chỉ đạt gần 87% kế hoạch. Vốn điều lệ là 3.080 tỷ đồng. Huy động vốn đạt gần 16.635 tỷ đồng, giảm gần 6% so với đầu năm và cũng chỉ đạt 83% kế hoạch.

Dư nợ cho vay ghi nhận 13.771 tỷ đồng, giảm gần 3% so với đầu năm và đạt 87%. Trong đó nợ xấu chiếm 2,19% tổng dư nợ. Bên cạnh đó, doanh số thanh toán đối ngoại năm 2018 của Ngân hàng đạt hơn 355 triệu USD, tăng 15% so với năm 2017, vượt 15% kế hoạch năm.

Cũng trong năm 2018, Saigonbank đã góp vốn gần 126 tỷ đồng vào Ngân hàng TMCP Bản Việt, CTCP Du lịch Khách sạn Sài Gòn Hạ Long, CTCP Thanh toán Quốc gia Việt Nam, quỹ bảo lãnh tín dụng của doanh nghiệp vừa và nhỏ, CTCP Chứng khoán Saigonbank – Berjaya. Do đó, Ngân hàng ghi nhận lợi nhuận thu được từ hoạt động góp vốn liên doanh gần 2 tỷ đồng.

Ngoài ra, ngân hàng sẽ trình cổ đông trích lập các quỹ pháp định bao gồm 5% quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ và 10% quỹ dự phòng tài chính. Do vậy, lợi nhuận còn lại chưa phân phối trong năm 2018 là 17,1 tỷ đồng.

Hàng loạt 'ông lớn' ngân hàng rút vốn khỏi Ngân hàng Saigonbank: Lý do vì sao?(VietQ.vn) - Không chỉ Vietcombank, VietinBank cũng bán 15,12 triệu cổ phiếu tại Ngân hàng Saigonbank, đem về hơn 305,51 tỷ đồng. Động thái này khiến hoạt động kinh doanh của nhà băng này có dấu hiệu suy giảm.

Chính việc nợ quá hạn cao làm tăng chi phí dự phòng, cùng nguồn vốn cổ phần thấp, thu nhâp chỉ phụ thuộc vào tín dụng… Saigonbank đã đề ra kế hoạch kinh doanh “dè dặt” trong năm 2019. Cụ thể, tổng tài sản 22.440 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2018, vốn huy động đạt 18.940 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu dưới 3% tổng dư nợ.

Tuy nhiên, điều này khó khả thi khi mà kết quả quý I/2019 của Saigonbank giảm 40% so với cùng kỳ 2018. Cụ thể, trong quý I/2019, thu nhập từ lãi thuần của Saigonbank tương đương cùng kỳ, đạt gần 160 tỷ đồng, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng 13%, nhưng cũng chỉ hơn 10 tỷ đồng.

Đáng chú ý, hoạt động khác chỉ mang về cho Saigonbank gần 7 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước đạt gần 35 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí hoạt động trong 3 tháng đầu năm tăng 19%, ở mức hơn 112 tỷ đồng. Kết quả lãi ròng Saigonbank trong quý đầu năm 2019 đạt hơn 67 tỷ đồng, giảm 40% so với cùng kỳ năm trước.

 Thảo Nguyên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang