Chi cho khoa học công nghệ: Doanh nghiệp đã mạnh tay hơn

author 10:38 18/03/2018

(VietQ.vn) - Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh đã có báo cáo cung cấp thông tin phục vụ đại biểu Quốc hội...

Sự kiện: Hoạt động Khoa học & Công nghệ

 Trong các doanh nghiệp quan tâm nhiều hơn tới khoa học công nghệ có Viettel

Trước phiên trả lời chất vấn tại phiên họp chiều 19/3 tới của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh đã có báo cáo cung cấp thông tin phục vụ đại biểu Quốc hội.

Nhóm vấn đề được chọn để chất vấn Bộ trưởng Chu Ngọc Anh là hiệu quả ứng dụng kết quả các đề tài nghiên cứu khoa học trong thực tế đời sống xã hội. Công tác kiểm soát nhập khẩu công nghệ trong sản xuất kinh doanh, dịch vụ; ứng dụng khoa học-công nghệ thúc đẩy tăng năng suất lao động; ứng dụng công nghệ cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Bộ trưởng khẳng định, trong thời gian qua, Bộ Khoa học và Công nghệ đã nỗ lực tổ chức thực hiện các nhóm giải pháp tiếp tục đổi mới cơ bản, toàn diện hoạt động khoa học và công nghệ. Trong đó đặc biệt chú trọng vấn đề hiệu quả của hoạt động khoa học và công nghệ, đẩy mạnh ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong thực tiễn đời sống kinh tế - xã hội.

Năm 2017, xếp hạng chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của Việt Nam đã tăng 12 bậc, từ vị trí 59/128 lên vị trí 47/127 nước và nền kinh tế, dẫn đầu nhóm các quốc gia có thu nhập trung bình thấp.

Kinh phí ngoài ngân sách liên tục tăng

Theo báo cáo, trong giai đoạn 2011-2015, tổng chi ngân sách nhà nước cho khoa học và công nghệ được Quốc hội thông qua là 69.592 tỷ đồng, trong đó kinh phí đầu tư phát triển là 30.799 tỷ đồng (chiếm 44%) và kinh phí sự nghiệp là 38.793 tỷ đồng (chiếm 56%).

Bố trí ngân sách nhà nước cho khoa học và công nghệ trong giai đoạn này (tính cả chi khoa học và công nghệ trong an ninh, quốc phòng) đã cơ bản đảm bảo được quy định của Luật Khoa học và công nghệ, các Nghị quyết của Quốc hội, đạt mức 2% tổng chi ngân sách nhà nước (tương đương 0,5%-0,6% GDP).

Tuy nhiên, nếu không tính phần dành cho an ninh, quốc phòng và dự phòng thì chi cho khoa học và công nghệ chỉ đạt từ 1,36% đến 1,52% tổng chi ngân sách nhà nước, báo cáo nêu rõ.
Đến giai đoạn 2016-2018, Bộ trưởng cho biết, chi ngân sách nhà nước cho khoa học và công nghệ được đảm bảo ở mức 2% tổng chi ngân sách nhà nước. Cơ cấu kinh phí đầu tư phát triển/kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ tiếp tục được đảm bảo theo tỷ lệ 40/60.

Theo Bộ trưởng thì nguồn kinh phí ngoài ngân sách nhà nước cho riêng cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đã liên tục gia tăng. Năm 2016, tổng kinh phí dành cho hoạt động khoa học và công nghệ đạt 33.905 tỷ đồng, bao gồm ngân sách nhà nước 17.730 tỷ đồng, tổng kinh phí từ doanh nghiệp chi cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ là 16.175 tỷ đồng.

Như vậy, về cơ cấu chi cho khoa học và công nghệ, ngân sách nhà nước chiếm 52%, nguồn từ doanh nghiệp đã tăng lên 48%. Sự chuyển biến tích cực này có được nhờ doanh nghiệp đã quan tâm nhiều hơn tới khoa học công nghệ và sự đầu tư trọng điểm của một số doanh nghiệp lớn như: Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel, Tập đoàn Dầu khí quốc gia. Đây là dấu hiệu cho thấy hiệu quả trong tăng cường xã hội hóa trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, Bộ trưởng đánh giá.

Trên 300 doanh nghiệp được chứng nhận

Về bức tranh chung, Bộ trưởng cho biết tính đến 31/12/2017, có 640 tổ chức khoa học và công nghệ là đơn vị sự nghiệp trong lĩnh vực này. Về cơ bản, các tổ chức đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đề án thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Nhiều tổ chức đã thực hiện thành công cơ chế tự chủ với doanh thu hằng trăm tỷ mỗi năm và thu nhập của cán bộ gấp nhiều lần lương ngạch bậc. Như: Viện Nghiên cứu cơ khí, Viện Dầu khí Việt Nam, Viện Cơ khí Năng lượng và Mỏ - VINACOMIN, Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ - Luyện kim, Viện Kinh tế Kỹ thuật Thuốc.

Cả nước có 3.590 tổ chức đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ, trong đó có 1.629 tổ chức công lập và 1.961 tổ chức ngoài công.

Báo cáo cũng cho biết, cả nước hiện có 303 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ, 43 tổ chức được cấp giấy chứng nhận hoạt động công nghệ cao. Ngoài ra, có khoảng 2.000 doanh nghiệp đạt điều kiện doanh nghiệp khoa học và công nghệ trong các lĩnh vực: công nghệ thông tin, sản xuất phần mềm, doanh nghiệp trong các khu công nghệ cao, doanh nghiệp sở hữu sáng chế, giải pháp hữu ích chưa tiến hành đăng ký để cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ.

Theo báo cáo, tổng doanh thu năm 2016 của các doanh nghiệp khoa học và công nghệ đạt 14.402 tỷ đồng, tăng 16,32% so với năm 2015. Tổng lợi nhuận sau thuế năm 2016 của các doanh nghiệp này đạt 1.290 tỷ đồng, tăng 2,35% so với năm 2015, trong đó, 32 doanh nghiệp có doanh thu trên 100 tỷ đồng. Doanh nghiệp khoa học và công nghệ trong năm 2016 đã giải quyết được hơn 16.600 việc làm.

Công ty nào được chứng nhận Doanh nghiệp khoa học và công nghệ?(VietQ.vn) - Mới đây, ngày 8/11, Doanh nghiệp khoa học và công nghệ cho Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) đã được Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Ngãi cấp giấy chứng nhận, ở sản phẩm nhiên liệu JET A-1K và DO L-62 trang bị trong quân sự.

 Theo Nguyên Lê (VNEconomy)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang