"Chỉ có 20% DNNN làm ăn bị lỗ"

author 16:12 06/08/2012

(VietQ.vn) – Hàng loạt vấn đề 'nóng' người dân đang hết sức quan tâm như: Khó khăn của nền kinh tế, doanh nghiệp nhà nước làm ăn không hiệu quả, nợ xấu của ngân hàng, đời sống người dân khó khăn do giá điện, gas, xăng dầu, dịch vụ khám chữa bệnh tăng… được Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Vũ Đức Đam trả lời một cách thuyết phục.

Ngày 5/8, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, TS Vũ Đức Đam đã “đăng đàn” trong chương trình “Dân hỏi – Bộ trưởng trả lời”, phát sóng trên kênh VTV1 của Đài truyền hình Việt Nam.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam từng học ngành công nghệ thông tin tại Bỉ.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam từng học ngành công nghệ thông tin tại Bỉ.

Đa số doanh nghiệp nhà nước làm ăn có lãi

“Tập đoàn, tổng công ty nhà nước dù được ưu đãi về đất đai, vốn, tài nguyên…nhưng hiệu quả rất là kém, là ghánh nặng của nền kinh tế. Các tập đoàn này toàn thua lỗ, phá sản. Chính phủ nhìn nhận thế nào về vai trò các tập đoàn, tổng công ty nhà nước và có biện pháp gì để kiểm soát chặt chẽ hơn, quy rõ trách nhiệm cho từng cấp?” – nhà báo Lê Bình đọc câu hỏi của độc giả gửi đến Bộ trưởng Vũ Đức Đam.

Người đứng đầu Văn phòng Chính phủ đã mỉm cười, nhẹ nhàng đặt lại câu hỏi rằng, nhà báo đã theo dõi kinh tế nhiều năm, có nắm được bao nhiêu doanh nghiệp, tỷ lệ bao nhiêu là thua lỗ?

Nhà báo Lê Bình dẫn số liệu kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước vừa được công bố tháng 7 năm nay cho thấy, có tới 19/21 doanh nghiệp nhà nước là có lãi, có 2 doanh nghiệp là lỗ.

Bộ trưởng cho rằng, các phương tiện thông tin truyền thông nếu biết thông tin đó, cần nói cho người dân biết. Vì nước nào cũng có doanh nghiệp nhà nước và nhiều thời kỳ, với cả các nước phương Tây, doanh nghiệp nhà nước đều đóng vai trò quan trọng.

Đến nay, chúng ta có khoảng 1.300 doanh nghiệp nhà nước, trong đó có 10 tập đoàn, 10 tổng công ty 91, 80 tổng công ty 90. Trong số này, số làm ăn không có lãi chỉ còn khoảng 20% (trước đây là 60%).

“Không phải tất cả các tập đoàn, tổng công ty đều là lỗ, đều là gánh nặng cả” – Bộ trưởng khẳng định và lấy ví dụ về Tập đoàn Viettel, không những thành công trên thị trường nội địa mà còn vươn xa ra các nước châu Phi, châu Mỹ và thậm chí là cả các nước phát triển như Hà Lan.

Không dùng tiền của dân để cứu doanh nghiệp

Trả lời về việc giải cứu các doanh nghiệp, người đứng đầu Văn phòng Chính phủ cho hay, để giải quyết nợ xấu có nhiều cách, không phải chỉ là thành lập công ty mua bán nợ (mà đến nay chưa được thành lập) nhưng nợ xấu đang từng bước được giải quyết.

“Ví dụ số nợ cần giải quyết là 100 đồng thì không nhất quyết số vốn của công ty đấy là 100 đồng…Nếu làm khéo thì số vốn chỉ cần nhỏ, cũng có thể giải quyết được số nợ lớn hơn…Số vốn nhỏ ấy cũng không nhất thiết phải nhà nước bỏ ra hết. Nhà nước có thể chỉ tham gia một phần rất nhỏ, còn lại các thành phần kinh tế khác tham gia vào. Tôi có thể khẳng định rằng, sẽ không có chuyện, nhà nước lấy tiền ngân sách ra để cứu các doanh nghiệp. Nghĩa là nhà nước không dùng tiền thuế của dân để lo cho một số doanh nghiệp, như một số dư luận băn khoăn” – Bộ trưởng Vũ Đức Đam khẳng định.

Vì sao giá điện, giá xăng tăng?

“Tại sao nhà nước kiểm soát giá điện mà giá điện cứ tiếp tục tăng?” – biên tập viên Lê Bình dẫn lời khán giả chất vấn.

Là lãnh đạo, đồng thời cũng là chuyên gia kinh tế, Bộ trưởng Vũ Đức Đam khẳng định, giá điện của chúng ta thấp hơn giá thành. Chi phí sản xuất điện của Việt Nam cũng tương đương với các nước, chứ không thấp hơn.

“Giá bán điện của chúng ta so với thế giới là thấp hơn. Ngay với các nước lân cận của chúng ta là thấp hơn hầu hết. Ví dụ hết thảy các nước ASEAN, giá điện đều cao hơn, Trung Quốc cũng cao hơn, riêng Lào thấp hơn” – Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết.

Do đó, việc tăng giá điện là bình thường. Và việc kiểm toán ra lỗ của tập đoàn điện lực có nguyên nhân chính là do bán giá điện dưới giá thành, khó hấp dẫn các nhà đầu tư.

Ông Đam cũng khẳng định: “Việc phát triển của ngành điện hiện nay vẫn còn nhiều điểm mà Chính phủ chưa hài lòng về quán lý nhà nước và quản trị doanh nghiệp nhưng về cơ bản trên mặt bằng thì cũng không đến mức mà như nhà báo nói bằng lời và cũng thể hiện qua cử chỉ và ánh mắt mà tôi thấy là không hài lòng”.

Đồng thời, những vụ thua lỗ của EVN như trong việc đầu tư ra lĩnh vực viễn thông cũng không được dùng tiền của người dân để xử lý.

“Tại sao giá xăng cứ tăng không ngừng?” – BTV Lê Bình tiếp tục đặt câu hỏi.

Cũng tương tự giá điện, giá xăng dầu của chúng ta bán thấp hơn so với thế giới. Để minh họa, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho hay, ở các nước châu Âu, giá xăng dầu của họ thường đắt gấp đôi chúng ta hiện nay. Các nước xung quanh cũng vậy, nên mới có hiện tượng xuất lậu xăng dầu từ Việt Nam sang các nước lân cận.

Nhà báo Lê Bình dẫn ý kiến người dân băn khoăn về Nghị định 84 có thể “thả” cho doanh nghiệp xăng dầu tăng giá.

Bộ trưởng Vũ Đức Đam khẳng định, xăng dầu được điều hành bởi Nghị định của Chính phủ, nên được tự chủ trong một số điều kiện nhất định, chứ không phải muốn tăng lúc nào thì tăng, muốn giảm lúc nào thì giảm. Việc tăng giảm đều được đặt dưới sự giám sát của nhà nước.

Chính phủ ngày càng minh bạch

Không chỉ dừng lại ở việc trả lời, người đứng đầu Văn phòng Chính phủ cũng đặt câu hỏi lại rằng, nhà báo đánh giá thế nào về Chính phủ sau hơn 1 năm hoạt động.

BTV Lê Bình cho biết, điểm nổi bật của Chính phủ nhiệm kỳ này là ngày càng cởi mở, minh bạch hơn. Các bộ trưởng đã trả lời dân rất nhiều, các cuộc trả lời trực tuyến được tổ chức liên tục.

“Cá nhân tôi thực sự bị thuyết phục bởi phần trả lời của Bộ trưởng. Tôi tin rằng, hàng triệu người dân đang xem chương trình này cũng đồng tình với tôi” – BTV Lê Bình nhận định.

Hoàng Lan

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang