Chỉ dẫn địa lý giúp bảo tồn gen quý của quýt Bắc Kạn

author 08:42 28/12/2015

(VietQ.vn) - Sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý, quýt Bắc Kạn được nhiều người biết đến với những đặc tính ít hạt, sơ bã tan, có mùi thơm khác biệt so với các loại quýt khác.

Sự kiện: SỞ HỮU TRÍ TUỆ - PHÁT TRIỂN TÀI SẢN TRÍ TUỆ

Dự án bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho Sản phẩm quýt Bắc Kạn được Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh phối hợp với Viện nghiên cứu Rau quả Việt Nam triển khai. Theo kết quả nghiên cứu, quýt Bắc Kạn có vỏ quả màu vàng tươi, ít hạt, sơ bã tan, đặc biệt có mùi thơm hấp dẫn khác biệt hẳn với các loại quýt khác.

Giống quýt Bắc Kạn đã từng được đem trồng thử ở nhiều nơi nhưng không đâu có chất lượng bằng trồng ở Bắc Kạn. Trên cơ sở này, Văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm quýt Bắc Kạn chính thức được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp.

Sản phẩm quả quýt tươi được trồng và thu hái trong vùng bản đồ Chỉ dẫn địa lý đã đăng ký với Cục Sở hữu trí tuệ gồm: Xã Mỹ Phương, Chu Hương, Yến Dương, Địa Linh, Cao Trĩ, Thượng Giáo (huyện Ba Bể), xã Quang Thuận, Dương Phong, Đôn Phong (huyện Bạch Thông), xã Phương Viên, Đông Viên, Rã Bản ( huyện Chợ Đồn). Khi nằm trong vùng Chỉ dẫn địa lý, sản phẩm quýt được công nhận là đảm bảo chất lượng và tiêu chuẩn của thương hiệu quýt Bắc Kạn trên thị trường.

Chỉ dẫn địa lý giúp bảo tồn gen quý của quýt Bắc KạnChỉ dẫn địa lý giúp bảo tồn gen quý của quýt Bắc Kạn

Quýt Bắc Kạn mang nguồn gen quý, là đặc sản của địa phương. Quả quýt tròn dẹt, đường kính từ 7 đến 9 cm, cao từ 4 đến 5 cm, vỏ nhẵn, màu vàng tươi, dễ bóc tách, múi to đều mọng nước, tép quả màu vàng rơm, không nát, có vị chua dịu, không the đắng, mùi rất thơm. Thành phần chất lượng gồm: đường chiếm 9%, nước chiếm 73%, còn lại là axit, vitamin C.

Hiện nay Bắc Kạn có khoảng 1.300 ha quýt, được trồng tập trung ở các huyện Bạch Thông, Ba Bể và Chợ Đồn trên đất feralit đỏ vàng trên đá biến chất, đất feralit vàng đỏ trên phiến thạch sét, đất feralit vàng trên đá mắcma axit.

Việc quýt Bắc Kạn được cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý, không những công nhận về chất lượng, bảo hộ danh tiếng sản phẩm, mà còn góp phần tích cực quảng bá thương hiệu, nâng cao nhận thức của chính quyền địa phương. Thông qua đó, người dân có ý thức hơn trong việc tuân thủ quy trình trồng, chăm sóc cây quýt, kết quả là quýt Bắc Kạn được mở rộng diện tích, không ngừng nâng cao chất lượng quả. Cây quýt nơi đây đã góp phần tích cực giảm nghèo, tiến tới làm giàu cho người dân, trong đó chủ yếu là người dân tộc thiểu số.

Ông Phạm Phi Anh - Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN), cho biết thời gian qua, ngoài việc mở rộng diện tích, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tỉnh Bắc Kạn cũng hết sức chú trọng tạo dựng và phát triển thương hiệu quýt Bắc Kạn thông qua Dự án "Xây dựng hồ sơ đăng ký chỉ dẫn địa lý Bắc Kạn cho sản phẩm quýt".

Để khai thác tối đa hiệu quả chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm quýt, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho rằng, tỉnh Bắc Kạn cần đổi mới mạnh mẽ tư duy trong việc xây dựng thị trường tiêu thụ, xây dựng chuỗi sản phẩm giá trị, kết hợp hài hòa lợi ích của doanh nghiệp với đời sống kinh tế của người dân. Bên cạnh đó, cần có sự tham gia tích cực của các nhà khoa học trong việc bảo tồn, nhân giống và phát triển các sản phẩm quýt đảm bảo chất lượng. 

Theo ông Hoàng Ngọc Đường - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn, quýt Bắc Kạn được cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý là cơ hội lớn cho đồng bào các dân tộc Bắc Kạn trong việc phát triển cây trồng đặc sản của địa phương. Đồng thời cũng đặt ra thách thức đối với tỉnh Bắc Kạn trong việc bảo tồn và phát triển thương hiệu quýt Bắc Kạn.

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang