Kinh nghiệm bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Mỹ

author 13:23 25/12/2015

(VietQ.vn) - Việc tham khảo kinh nghiệm bảo hộ chỉ dẫn địa lý của các nước phát triển sẽ góp phần quan trọng trong việc triển khai bảo hộ, quản lý và khai thác các chỉ dẫn địa lý của Việt Nam.

Sự kiện: Chỉ dẫn địa lý: Bảo vệ thương hiệu Việt

Chỉ dẫn địa lý là “những chỉ dẫn về hàng hóa bắt nguồn từ lãnh thổ của một thành viên hoặc từ một khu vực hay địa phương thuộc lãnh thổ đó, có chất lượng, uy tín hoặc đặc tính nhất định chủ yếu do xuất xứ địa lý quyết định”. Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam coi chỉ dẫn địa lý là “dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể” với các tiêu chí đặc thù về chất lượng, uy tín hoặc đặc tính riêng của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý.

Học hỏi kinh nghiệm bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại các nước phát triển một cách có chọn lọc là việc làm cần thiết

Học hỏi kinh nghiệm bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại các nước phát triển một cách có chọn lọc là việc làm cần thiết

Thời gian qua, việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý thông qua những vụ việc cụ thể như việc chỉ dẫn địa lý ‘Nước mắm Phú Quốc’ được bảo hộ tại Liên minh Châu Âu (EU) hay Việt Nam đấu tranh giành lại chỉ dẫn địa lý ‘Cà phê Buôn Mê Thuột’ ở Trung Quốc. Nhiều vấn đề pháp lý được đặt ra, trong đó  vấn đề cơ chế và định hướng bảo hộ đối tượng sở hữu trí tuệ đặc thù này một cách hợp lý đang là câu hỏi và thách thức.

Trên thực tế, mặc dù Việt Nam có rất nhiều đặc sản đặc trưng cho mỗi vùng miền, song các sản vật được gắn chỉ dẫn địa lý vẫn chưa được đánh giá, bảo hộ, quản lý và khai thác đúng với những giá trị của nó. Do đó, việc tham khảo kinh nghiệm của các nước đi trước, như Mỹ, Pháp… sẽ góp phần quan trọng trong việc triển khai bảo hộ, quản lý và khai thác các chỉ dẫn địa lý của Việt Nam, đặc biệt là trong bối cảnh nước ta đã kết thúc đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) với những điều khoản liên quan đến bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, trong đó có chỉ dẫn địa lý.

Nội dung dưới đây sẽ tập trung vào những kinh nghiệm bảo hộ chỉ dẫn địa lý ở Mỹ dựa theo bài viết “Kinh nghiệm bảo hộ chỉ dẫn địa lý trên thế giới” của tác giả Vũ Tuấn Hưng, Báo Kinh tế và Dự báo, số 23 tháng 12/2014.

Mỹ không cho phép đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý với tên địa danh đã trở thành tên chung của hàng hóa và dịch vụ

Mỹ không cho phép đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý với tên địa danh đã trở thành tên chung của hàng hóa và dịch vụ

Theo đó, hệ thống bảo hộ chỉ dẫn địa lý của Mỹ sử dụng cấu trúc bảo hộ nhãn hiệu đã có sẵn trước đó và cho phép bất kỳ ai cũng có thể phản đối hoặc hủy bỏ một chỉ dẫn địa lý đã đăng ký nếu cho rằng họ sẽ bị thiệt hại do việc đăng ký và bảo hộ chỉ dẫn đia lý đó. Cục Patent và Nhãn hiệu Mỹ (USPTO) là cơ quan tiếp nhận và xử lý đơn đăng ký cả nhãn hiệu lẫn chỉ dẫn địa lý.

Luật của Mỹ không bảo hộ các tên địa danh hoặc dấu hiệu chỉ địa danh đã trở thành tên chung của hàng hóa và dịch vụ. Một tên địa danh hoặc dấu hiệu chỉ địa danh được coi là tên chung nếu nó đã được sử dụng rộng rãi đến mức người tiêu dùng xem nó như chỉ về một chủng loại hàng hóa hoặc dịch vụ hơn là chỉ về nguồn gốc địa lý. Ví dụ, “Danish pastry” (bột bánh Đan Mạch) hoặc “Thai massage” (mát-xa Thái). Nhiều nước khác cũng không bảo hộ các chỉ dẫn mang nghĩa chung vì cho rằng, chúng không có khả năng phân biệt nguồn gốc kinh doanh cụ thể.

 Luật Nhãn hiệu của Mỹ phân thành hai dạng: nhãn hiệu chứng nhận và nhãn hiệu tập thể. Nhãn hiệu chứng nhận được sử dụng để chỉ: (1) nguồn gốc của vùng địa lý hay nguồn gốc khác; (2) nguyên liệu, cách thức sản xuất, chất lượng, độ chính xác hoặc các đặc tính khác của sản phẩm, dịch vụ; và (3) việc thực hiện sản phẩm, dịch vụ được tiến hành bởi một thành viên của một hiệp hội hoặc một tổ chức khác.

Tại Mỹ, một chỉ dẫn địa lý cũng có thể được bảo hộ như một nhãn hiệu thông thường

Tại Mỹ, một chỉ dẫn địa lý cũng có thể được bảo hộ như một nhãn hiệu thông thường

Trong khi đó, nhãn hiệu tập thể bao gồm: (1) nhãn hiệu hàng hóa tập thể và nhãn hiệu dịch vụ tập thể; và (2) nhãn hiệu thành viên tập thể. Nhãn hiệu hàng hóa tập thể và nhãn hiệu dịch vụ tập thể chỉ nguồn gốc thương mại của hàng hóa hoặc dịch vụ như chính các nhãn hiệu “thông thường” thưc hiện, nhưng vì là nhãn hiệu tập thể, nên chúng chỉ nguồn gốc của một tập thể hơn là nguồn gốc của một thành viên riêng biệt.

Như vậy, tất cả các thành viên của tập thể này đều sử dụng nhãn hiệu nên không một thành viên nào có thể sở hữu riêng nhãn hiệu, chỉ có tổ chức tập thể được giữ quyền quản lý nhãn hiệu nhằm phục vụ lợi ích chúng của tất cả các thành viên. Một tập thể của những người bán sản phẩm nông nghiệp là một ví dụ của một tổ chức tập thể, tổ chức này không bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ của riêng mình, nhưng lại xúc tiến việc bán hàng hóa và cung cấp dịch vụ của các thành viên.

Ngoài ra, theo hệ thống Luật của Mỹ, một chỉ dẫn địa lý cũng có thể được bảo hộ như một nhãn hiệu thông thường. Luật Nhãn hiệu Mỹ quy định, một tên địa danh hay một dấu hiệu mang tính địa lý thì không được chấp nhận bảo hộ làm nhãn hiệu nếu chúng mang tính mô tả về vùng địa lý hoặc làm hiểu sai lệch về xuất xứ của sản phẩm hoặc dịch vụ.

Tuyết Trinh

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang