Chỉ đạo, điều hành mới nhất của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong ngày

author 07:09 21/01/2015

(VietQ.vn) - Thông tin mới nhất về chỉ đạo, điều hành và các quyết định của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trong ngày.

Thủ tướng bổ nhiệm và phê chuẩn một số cán bộ lãnh đạo 

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng vừa ký các quyết định bổ nhiệm, phê chuẩn và miễn nhiệm một số cán bộ lãnh đạo thuộc Bộ Công an và tỉnh Thanh Hóa.

Cụ thể, tại Quyết định số 86/QĐ-TTg, Thủ tướng quyết định bổ nhiệm Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Bằng, quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp (Tổng cục VIII), Bộ Công an giữ chức Tổng cục trưởng Tổng cục VIII, Bộ Công an.Đồng thời, tại Quyết định số 89/QĐ-TTg, Thủ tướng phê chuẩn việc bầu chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa nhiệm kỳ 2011-2016 đối với ông Nguyễn Đình Xứng, Phó Bí thư Tỉnh ủy.Thủ tướng cũng đã có các Quyết định số 87/QĐ-TTg phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa nhiệm kỳ 2011-2016 đối với ông Trịnh Văn Chiến, để nhận nhiệm vụ mới và Quyết định số 88/QĐ-TTg phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa nhiệm kỳ 2011-2016 đối với ông Vương Văn Việt, để nghỉ hưu theo chế độ. 

Thành lập BCĐ biên soạn và xuất bản Lịch sử Chính phủ Việt Nam

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng vừa ký quyết định thành lập Ban Chỉ đạo biên soạn và xuất bản Lịch sử Chính phủ Việt Nam (1945 - 2015) do Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc làm Trưởng Ban Chỉ đạo.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình làm Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo.Các Ủy viên Ban Chỉ đạo gồm: Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn (kiêm Tổng thư ký); 1 Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; 1 Thứ trưởng Bộ Tài chính; 1 Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; 1 Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; 1 lãnh đạo Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam.

Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ phê duyệt đề cương, chỉ đạo việc tổ chức nghiên cứu, biên soạn, thẩm định và xuất bản Lịch sử Chính phủ Việt Nam (1945 - 2015); các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm cung cấp tư liệu, tài liệu và thông tin về tổ chức và hoạt động của Chính phủ khi Ban Chỉ đạo có yêu cầu; chỉ đạo Bộ Nội vụ tổ chức biên soạn và xuất bản Lịch sử Chính phủ Việt Nam (1945 - 2015).Bộ Nội vụ là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo có trách nhiệm giúp Ban Chỉ đạo tổ chức, triển khai việc biên soạn và xuất bản Lịch sử Chính phủ Việt Nam (1945 - 2015).Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nội vụ chủ trì biên soạn và xuất bản Lịch sử Chính phủ Việt Nam (1945 - 2015). Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý và bố trí kinh phí từ nguồn chi sự nghiệp nghiên cứu khoa học theo quy định để thực hiện Đề án theo đúng kế hoạch biên soạn và xuất bản do Ban Chỉ đạo phê duyệt. 

Nâng cấp Cảng hàng không Vinh thành Cảng hàng không quốc tế 

Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương điều chỉnh quy hoạch Cảng hàng không Vinh thành Cảng hàng không quốc tế.Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông vận tải tiếp thu ý kiến các Bộ, ngành liên quan phê duyệt điều chỉnh quy hoạch Cảng hàng không Vinh thành Cảng hàng không quốc tế giai đoạn đến năm 2030 và định hướng sau năm 2030 theo đúng quy định pháp luật.

Đồng thời xem xét, bổ sung Cảng hàng không Vinh vào quy hoạch mạng Cảng hàng không quốc tế trong hệ thống sân bay toàn quốc.Quy hoạch tổng thể Cảng hàng không Vinh đã được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt năm 2006 và điều chỉnh một số hạng mục năm 2011, theo đó dự báo đến năm 2025 đạt 2,5 triệu hành khách/năm và có 7 vị trí đỗ tàu bay.Năm 2014, Cảng hàng không Vinh đã đón 1,25 triệu hành khách/năm, tốc độ tăng trưởng bình quân trong 13 năm qua đạt 43,89% và là cảng hàng không có tốc độ tăng trưởng cao nhất cả nước.

Dự kiến đến năm 2020, Cảng hàng không Vinh sẽ đạt 2,5 triệu hành khách/năm, đến năm 2030, đạt 7 triệu hành khách/năm.Việc sân bay Vinh được phê duyệt là sân bay quốc tế không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế - xã hội đối với tỉnh Nghệ An mà còn thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung của cả khu vực Bắc Trung Bộ.

Điều chỉnh Đề án ổn định, phát triển KTXH vùng chuyển dân sông Đà

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt điều chỉnh Đề án ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội vùng chuyển dân sông Đà, tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2009 - 2015.

Theo Quyết định số 1588/QĐ-TTg ngày 9/10/2009 của Thủ tướng Chính phủ, Đề án ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội vùng chuyển dân sông Đà, tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2009 - 2015 được thực hiện tại 36 xã, phường thuộc 5 huyện (Đà Bắc, Mai Châu, Tân Lạc, Cao Phong, Kim Bôi) và thành phố Hoà Bình, trong đó: 26 xã, phường nằm trong vùng hồ sông Đà; 10 xã ngoài vùng hồ sông Đà trực tiếp đón nhận và bố trí tái định cư hộ dân vùng hồ sông Đà.Quyết định vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành đã điều chỉnh phạm vi, mục đích, thời gian thực hiện Đề án trên.

Theo Quyết định mới, Đề án ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội vùng chuyển dân sông Đà, tỉnh Hòa Bình sẽ được thực hiện trong giai đoạn 2009 - 2020 thay vì chỉ đến năm 2015.Phạm vi Đề án cũng được mở rộng hơn, áp dụng cho 40 xã, bao gồm: 36 xã, phường thuộc Đề án cũ và 4 xã bổ sung, gồm: Yên Nghiệp (huyện Lạc Sơn), Bảo Hiệu (huyện Yên Thủy), Đồng Tâm (huyện Lạc Thủy), Mỹ Hòa (huyện Kim Bôi). Đảm bảo ổn định nơi ở của nhân dânMục tiêu chung của Đề án là đảm bảo ổn định nơi ở của nhân dân, nâng cao đời sống và thu nhập cho nhân dân, đảm bảo không còn hộ có nguy cơ tái đói, giảm tỷ lệ hộ nghèo bằng mức bình quân chung của tỉnh; chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng giảm dần tỷ lệ lao động trực tiếp sản xuất nông nghiệp, tăng tỷ lệ lao động được đào tạo nghề ở nông thôn; đầu tư xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trong vùng theo tiêu chí nông thôn mới; nâng tỷ lệ độ che phủ rừng, đảm bảo chức năng phòng hộ cho hồ thủy điện Hòa Bình, bảo vệ môi trường sinh thái; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2020 là hoàn thành công tác di dân ra các điểm khu tái định cư tập trung (khoảng 300 hộ) và ổn định dân cư xen ghép tại các xóm, bản thuộc các xã vùng hồ (khoảng 1.200 hộ); phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, thay đổi cách thức tổ chức sản xuất theo hướng tập trung, đẩy mạnh công nghiệp hóa và áp dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao nhằm tăng năng suất, chất lượng giảm giá thành sản phẩm.Đề án phấn đấu tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ đạt từ 20 - 25% trong cơ cấu kinh tế các xã vùng hồ; tạo điều kiện để người dân tiếp cận được các dịch vụ sản xuất và thị trường tiêu thụ sản phẩm; giảm tỷ lệ lao động nông nghiệp xuống còn 60% trong lao động xã hội, tăng tỷ lệ lao động được đào tạo nghề lên 40% trong nông thôn; xây dựng đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm phát triển bền vững cho nhân dân vùng hồ theo tiêu chí nông thôn mới..

Để đạt được các mục tiêu trên, Đề án sẽ tập trung thực hiện một số giải pháp về di dân, tái định cư; đầu tư phát triển sản xuất; xây dựng cơ sở hạ tầng... Trong đó, Đề án sẽ tập trung di chuyển các hộ dân trong vùng Đề án có nguy cơ bị sạt lở, lũ quét đến khu tái định cư tập trung và tạo điều kiện cho các hộ có đất ở, đất sản xuất đảm bảo đời sống lâu dài, bền vững; di giãn các hộ dân từ nơi đông dân cư, nơi có nguy cơ bị sạt lở, lũ quét đến xen ghép với các điểm thưa dân có đủ đất ở, sản xuất và hệ thống cơ sở hạ tầng vững chắc, ổn định.

Bên cạnh đó, sẽ tập trung huy động các nguồn vốn để phát triển sinh kế bền vững như: Trồng rừng sản xuất, chăn nuôi gia súc, gia cầm, phát triển nghề nuôi cá lồng trên sông và trên hồ theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa...Tổng nhu cầu vốn đầu tư của Đề án điều chỉnh là 4.053,256 tỷ đồng.

Đầu tư xây dựng cầu Rạch Chiếc

Thủ tướng Chính phủ đồng ý UBND thành phố Hồ Chí Minh triển khai thực hiện dự án xây dựng cầu Rạch Chiếc trên đường vành đai phía Đông theo hình thức đấu thầu để lựa chọn nhà thầu xây lắp ứng vốn thi công gói thầu xây lắp chính.Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND Thành phố Hồ Chí Minh báo cáo Hội đồng nhân dân Thành phố thông qua để đảm bảo cân đối đủ nguồn vốn ngân sách địa phương bố trí cho dự án; đồng thời quyết định các vấn đề có liên quan, đảm bảo hiệu quả đầu tư./.

Đình Bình

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang