Chỉ giỏi một môn cũng phải coi là Học sinh Giỏi

author 07:27 11/08/2013

(VietQ.vn) - Cần thay đổi lại tiêu chí thế nào là một học sinh giỏi? Đối với các lớp cao, thì chỉ cần giỏi 1 môn cũng phải được coi là giỏi, các môn khác chỉ cần hiểu, đạt trung bình.

Lời Tòa soạn: Đề án Đổi mới Giáo dục do Bộ Giáo dục và Đào tạo đã bị “đánh trượt” nhiều lần, kể cả khi trình ra Trung ương. Chất lượng Việt Nam xin đăng tải ý kiến các chuyên gia về đổi mới Giáo dục, để hoàn thiện Đề án này.

Giờ học tiếng Anh của học sinh Trường Tiểu học Cát Linh. Ảnh: Khánh Nguyên
Giờ học tiếng Anh của học sinh Trường Tiểu học Cát Linh.
Ảnh: Khánh Nguyên

Cách quản lý, kiểm tra, đánh giá học sinh của chúng ta rất xơ cứng, nghèo nàn, không phù hợp với thế giới, với các mục tiêu, cách tiếp cận mới về giáo dục của thế giới”.

Thực ra hiện nay ngành giáo dục cũng đã có rất nhiều đổi mới theo hướng này rồi. Chúng ta đã đưa ra nhiều chương trình, khẩu hiệu như “đổi mới pp giảng dạy”, “nhà trường thân thiện”, “lấy học sinh làm trung tâm”, “học theo nhóm”, “dạy, học theo dự án”, “ứng dụng CNTT trong giảng dạy”.... Tất cả những điều này là đúng, tuy nhiên vẫn rất chậm và không thay đổi thực sự về chất. Tôi có một số đề nghị, suy nghĩ sau về những thay đổi cần thực hiện.

1. Việc đầu tiên là cần thay đổi vai trò của giáo viên  trên lớp, cho phép GIÁO VIÊN tự do tối đa khi giảng dạy. Việc phân phối chương trình như hiện nay là cần thiết nhưng cho phép GIÁO VIÊN được quyền thay đổi khoảng 30% (hoặc hơn nữa) để GIÁO VIÊN chủ động hoàn toàn trên lớp học. Từ trước đến nay chúng ta đã bắt GIÁO VIÊN gần như phải tuân thủ 100% phân phối và lịch trình dạy theo chương trình do Sở / Phòng đưa xuống, rất xơ cứng. Như vậy GIÁO VIÊN được phép nói thêm kiến thức ngoài SGK hoặc bỏ đi một vài ý của SGK miễn là yêu cầu chung về kiến thức và kỹ năng của bài học vẫn đảm bảo.

2. Cần yêu cầu và loại bỏ ngay cách kiểm tra theo lối cũ: hỏi các câu hỏi mà mở sách ra là trả lời được bằng cách đọc lại). Hầu hết các bài kiểm tra bình thường trên lớp (miệng, 15 phút, 30 phút, 1 tiết, ...) đều cho phép HỌC SINH mở sách, tham khảo tài liệu khi làm bài. Phải tìm các câu hỏi, cách kiểm tra sao cho HỌC SINH phải hiểu bài mới làm được (mặc dù mở sách, nhưng không hiểu thì vẫn không làm được bài). Với thay đổi này, HỌC SINH không cần học thuộc lòng một cách máy móc, chỉ cần hiểu bài. Ngay cả việc ra câu hỏi, HỌC SINH mở sách đọc lại cho đúng, diễn đạt lại chính xác cũng là 1 cách kiểm tra tốt.

3. Khuyến khích và tìm ra các kiểu, hình thức học bài, ôn bài mới (như viết tóm tắt, trình bày theo nhóm, sưu tầm trên mạng và viết lại, làm bài luận, viết thu hoạch và trình diễn, thực hành ở nhà, .....). Những kiểu hình thức kiểm tra mới này sẽ làm cho HỌC SINH hứng thú và hiểu ngay bài học trong quá trình làm.

4. Các bài tập của các môn tự nhiên (toán, lý, hóa, ....) khuyến khích đưa ra các bài có tính thực tế, tránh làm các bài tập mẹo, khó (ví dụ môn toán, hiện nay tình trạng ra bài khó, làm mẹo là rất phổ biến).

5. Với các môn xã hội, khuyến khích học sinh tìm tòi, sáng tạo, tìm ra các đáp án khác SGK. Đặc biệt với các môn như Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân... cần bỏ ngay kiểu ra bài kiểm tra và đáp án cứng theo sách (ví dụ câu hỏi này cần nói 3 ý, mỗi ý được 1/3 điểm của câu). Thay thế kiểu đáp án là: chỉ cần nói được 1 ý đúng hoặc sáng tạo cũng được điểm tối đa rồi. Không yêu cầu, thậm chí khuyến khích HỌC SINH trả lời khác với SGK, miễn là đúng và hiểu bài. (Điều này chắc nhiều nhà giáo sẽ nổi giận, nhưng thực tế là vậy. Ví dụ câu hỏi: hãy nêu ý nghĩa của chiến thắng Hạ Hồi Đống Đa, HỌC SINH có thể nói nhiều ý nghĩa khác với sách, có thể bổ sung thêm, rất đáng khen và vẫn đạt điểm cao).

6. Cần phải thay đổi lại cơ bản cách đánh giá, kiểm tra đối với HỌC SINH và cả GIÁO VIÊN. Ví dụ đối với HỌC SINH cần thay đổi lại tiêu chí thế nào là 1 HỌC SINH giỏi? Đối với các lớp cao, thì chỉ cần giỏi 1 môn cũng phải được coi là giỏi (các môn khác chỉ cần hiểu, đạt TB). Ví dụ môn Toán HọC SINH này xuất sắc, nhưng Vật lý bình thường, em này vẫn phải được coi là HỌC SINH giỏi. Cách thay đổi này sẽ khuyến khích các em học tập say mê hơn vào những môn mà mình thấy hứng thú. Với GIÁO VIÊN cũng vậy, tiêu chí GIÁO VIÊN dạy giỏi là phải được chính HỌC SINH thích thú, đam mê học để đánh giá.

Bùi Việt Hà

(Giám đốc Cty Tin học và Nhà trường, nguyên giảng viên Học viện Kỹ thuật quân sự, tham gia viết SGK Tin  học và luyện thi đội tuyển Olympic Tin quốc tế)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang