Chi trả trợ cấp cho lao động thôi việc như thế nào?

authorLan Ninh 07:24 18/10/2016

(VietQ.vn) - Do không có lương 4 tháng, phải tự đóng BHXH nên tôi làm đơn xin nghỉ việc, trường hợp của tôi có được lĩnh tiền trợ cấp cho lao động thôi việc không?

Sự kiện: Tư vấn pháp luật vietq

Độc giả Vũ Minh Tâm (Bình Dương): Công ty tôi là Chi nhánh phía Nam của Công ty Cổ phần 52% vốn nhà nước. Do suy thoái kinh tế, năm 2015 Chi nhánh đã cho thôi việc gần hết nhân viên trực tiếp làm việc tất cả các phòng, chỉ giữ lại trưởng, phó phòng và ban giám đốc.Tiền lương chi trả lấy từ quỹ dự phòng và tiền cho thuê mặt bằng chia cho những người ở lại được 2.000.000đ/tháng, tới tháng 4/2016 quỹ này cũng hết. Giám đốc thông báo bằng miệng là ai muốn ở lại thì tự đóng BHXH, ai muốn nghỉ thì xin thôi việc đi tìm việc mới, việc làm này của Giám đốc có đúng hay không? Đến đầu tháng 8/2016, Giám đốc ra công văn thông báo đến hết tháng 9/2016 nếu không kiếm được Hợp đồng sẽ buộc thôi việc hết. Vậy cho tôi xin hỏi: do bức xúc việc không có lương 4 tháng và phải tự đóng BHXH tôi làm đơn xin nghỉ vào ngày 14/9/2016 để tìm công việc khác. Chi nhánh khi chi trả trợ cấp chỉ tính cho tôi mỗi năm 1/2 tháng lương, trường hợp của tôi có được lĩnh tiền trợ cấp mất việc làm và được thanh toán mỗi năm 1 tháng lương hay không?

Chi trả trợ cấp cho lao động thôi việc như thế nào?

Chi trả trợ cấp cho lao động thôi việc. Ảnh minh họa 

Luật sư trả lời:

Thứ nhất, theo thông tin mà bạn cung cấp, cho đến thời điểm tháng 4/2016, nhân viên của công ty bạn đã thôi việc gần hết, số còn lại là lao động đã làm việc trong thời gian dài tại công ty và vẫn đang được đóng BHXH. Đây là đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật BHXH 2014. Theo quy định tại khoản 2 Điều 21 Luật BHXH, người sử dụng lao động có trách nhiệm "Đóng bảo hiểm xã hội theo quy định tại Điều 86 và hằng tháng trích từ tiền lương của ng­ười lao động theo quy định tại khoản 1 Điều 85 của Luật này để đóng cùng một lúc vào quỹ bảo hiểm xã hội". Do đó, công ty bạn phải có trách nhiệm đóng BHXH cho người lao động làm việc tại công ty mình. Một trong những hành vi bị Luật BHXH nghiêm cấm là trốn đóng BHXH quy định tại Điều 17. Việc Giám đốc thông báo người lao động phải tự đóng BHXH là sai theo quy định của pháp luật hiện hành. 

Trình tự hủy giấy chứng nhận kinh doanh hộ gia đình(VietQ.vn) - Thủ tục hồ sơ và trình tự hủy giấy chứng nhận kinh doanh và thuế kinh doanh cá thể

Thứ hai, bạn hỏi về tiền trợ cấp mà bạn được hưởng khi thôi việc. Theo thông tin mà bạn cung cấp thì đơn thôi việc của bạn được công ty bạn chấp thuận, do đó đây là trường hợp chấm dứt hợp đồng do hai bên thỏa thuận theo quy định tại khoản 3 Điều 36 BLLĐ. Theo quy định tại khoản 1 Điều 48 BLLĐ:

"Điều 48. Trợ cấp thôi việc

1. Khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 5, 6, 7, 9 và 10 Điều 36 của Bộ luật này thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương."

Căn cứ theo quy định trên thì bạn là đối tượng được chi trả trợ cấp thôi việc với mức: mỗi năm làm việc được trợ cấp 1/2 tháng lương. 

Về vấn đề trợ cấp mất việc làm, khoản 1 Điều 49 BLLĐ quy định:

"Điều 49. Trợ cấp mất việc làm

1. Người sử dụng lao động trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động đã làm việc thường xuyên cho mình từ 12 tháng trở lên mà bị mất việc làm theo quy định tại Điều 44 và Điều 45 của Bộ luật này, mỗi năm làm việc trả 01 tháng tiền lương nhưng ít nhất phải bằng 02 tháng tiền lương."

Ở đây, bạn cần lưu ý, bạn chấm dứt hợp đồng lao động là do thỏa thuận của hai bên như đã nói ở trên chứ không thuộc trường hợp mất việc làm do công ty thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế (Điều 44) hay khi  sáp nhập, hợp nhất, chia, tách doanh nghiệp (Điều 45). Do đó, bạn không đủ điều kiện hưởng trợ cấp mất việc làm.

Như vậy, việc giải quyết quyền lợi của công ty về vấn đề trợ cấp cho bạn khi thôi việc là đúng theo quy định của pháp luật lao động.

Luật sư Trịnh Anh Dũng

Văn phòng Luật sư Trịnh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang