Chìa khóa giúp nông sản Việt ‘rộng đường’ vào thị trường Trung Quốc

author 12:59 02/08/2019

(VietQ.vn) - Việc siết chặt các yêu cầu nhập khẩu trái cây từ phía Trung Quốc buộc người nông dân phải nâng cao chất lượng, quan tâm hơn tới vấn đề sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, canh tác… Làm được như vậy, người tiêu dùng trong nước cũng hưởng lợi.

Thông tin từ Cục Chế biến và Phát triển nông sản cho biết, trong quý I/2019, xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc giảm. Theo đó, dù vẫn đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu rau quả của Việt Nam với 73,1% thị phần, song xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc chỉ đạt gần 428,04 triệu USD, giảm 17,7% so với cùng kỳ năm 2018. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, nguyên nhân chính của việc suy giảm này là do phía Trung Quốc có sự thay đổi về chính sách, ngày càng nâng cao yêu cầu, kiểm soát chất lượng đối với hàng hóa nhập khẩu (NK).

Tiêu chuẩn chất lượng là chìa khóa giúp nông sản Việt "rộng đường" vào thị trường Trung Quốc. Ảnh minh họa. 

Ông Nguyễn Quý Dương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cho biết, từ tháng 5/2018, phía Trung Quốc bắt đầu phát đi thông tin về việc siết chặt quy định, yêu cầu với trái cây Việt Nam xuất khẩu (XK) vào Trung Quốc qua cả kênh chính thức lẫn các kênh khác như thông qua chủ hàng. Theo đó, phía Trung Quốc yêu cầu sản phẩm để truy xuất nguồn gốc phải được cấp mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói.

Đây là 2 yêu cầu XK chính ngạch trái cây sang Trung Quốc. Hiện nay, có 9 loại quả của Việt Nam đã được XK chính  ngạch sang Trung Quốc. Toàn quốc có 1.300 mã số vùng trồng và trên 1.435 mã số cơ sở đóng gói.

Khó khăn xuất hiện chủ yếu ở một số loại trái cây vốn có lượng XK khá lớn sang Trung Quốc, song chưa được cấp phép XK chính ngạch. Ví dụ như sầu riêng, dừa... Hiện, toàn quốc có tới 47.000 ha sầu riêng. Hai năm trở lại đây sầu riêng được xem là loại cây tiền tỷ. Năm 2018, trên diện tích trồng 1ha sầu riêng, có gia đình đã thu được số tiền hơn 1 tỷ đồng khi năng suất trung bình đạt khoảng 20 tấn/ha, với mức giá bán ngay tại vườn lên tới 70.000 đồng/kg. Sầu riêng của Việt Nam hầu như chỉ XK sang Trung Quốc. Năm nay, sầu riêng chưa được vào diện XK chính ngạch nên rất khó khăn.

Ngay tại thị trường nội địa Trung Quốc trước đây, người nông dân cũng sử dụng hóa chất khá tùy tiện, song mấy năm trở lại đây, Trung Quốc bắt đầu quan tâm khá nhiều nên các sản phẩm sản xuất tại Trung Quốc cũng đang nâng cao yêu cầu về an toàn thực phẩm. Vì vậy, với hàng NK, Trung Quốc cũng bắt đầu nâng yêu cầu, kiểm soát chất lượng.

Lãnh đạo Cục Bảo vệ thực vật cho hay, việc siết chặt các yêu cầu NK trái cây từ phía Trung Quốc buộc người nông dân phải nâng cao chất lượng, quan tâm hơn tới vấn đề sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, canh tác… Làm được như vậy, chính người tiêu dùng trong nước cũng hưởng lợi.

Cục Bảo vệ thực vật khuyến cáo các địa phương cần tiếp tục rà soát diện tích đã cấp mã số vùng trồng, đẩy mạnh tiến hành sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, cấp chứng nhận VietGAP. Cùng với đó, cần có những chính sách cho bà con nông dân liên kết thành từng nhóm, tổ, hợp tác xã để sản xuất hàng hóa không chỉ bán cho Trung Quốc mà cho các nước phát triển. Đây là sản xuất hàng hoá, cần có những chính sách thúc đẩy sản xuất.

Ký kết EVFTA và CPTPP: ‘Cửa mở nhưng nông sản Việt qua được hay không mới là câu chuyện’ (VietQ.vn) - Ngành nông sản Việt Nam có lẽ chưa nên mừng vội khi 2 Hiệp định EVFTA và CPTPP được ký kết, bởi thách thức đang lớn hơn cơ hội. Để bước qua cánh cửa này, chìa khóa chính là “tiêu chuẩn chất lượng”.

Thanh Minh

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang