Chìa khóa vàng cho tăng tốc phát triển

author 07:37 29/08/2013

(VietQ.vn) - Trung tâm Năng suất Việt Nam cho biết, sáng nay (29/8) tại Hà Nội sẽ diễn ra Hội thảo “Cải tiến liên tục và nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức thông qua áp dụng KPI”.

Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ triển khai Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hoá của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020” và Dự án của Tổ chức Năng suất Châu Á - APO về “Xây dựng và áp dụng Chỉ số hoạt động chính - KPI tại doanh nghiệp Việt Nam”.

Theo Trung tâm Năng suất Việt Nam, KPI được coi là công cụ giúp theo dõi và giám sát việc đạt được các mục tiêu đã đề ra, đặc biệt là đối với các mục tiêu chiến lược của tổ chức.

Liên tục có những hội nghị, diễn đàn về năng suất, chất lượng được tổ chức. Ảnh: N. Nam
Liên tục có những hội nghị, diễn đàn về năng suất, chất lượng được tổ chức. Ảnh: N. Nam

Việc áp dụng KPI giúp lãnh đạo tổ chức luôn sẵn có những thông tin quan trọng nhất về kết quả hoạt động của tổ chức, để đánh giá mức độ thành công tổng thể của tổ chức hoặc sự thành công đối với một hoạt động cụ thể được thực hiện.

Trên thực tế, KPI là một công cụ quản lý, được sử dụng để đo lường, phân tích khả năng đạt được mục tiêu của tổ chức. Khi một tổ chức đã thiết lập sứ mệnh, tầm nhìn và các mục tiêu thì phải theo dõi, đo lường được mức độ thực hiện các mục tiêu đã đề ra. KPI sẽ giúp giám sát và theo dõi thực thi chiến lược kinh doanh của tổ chức. KPI cần đảm bảo phản ánh được về các yếu tố thành công trọng yếu của tổ chức.

KPI có thể là tỷ lệ khuyết tật sản phẩm, tỷ lệ khách hàng nhận được trả lời đúng hạn, tỷ lệ khách hàng được thỏa mãn; phần trăm doanh thu do các khách hàng cũ mang lại; tỉ lệ tốt nghiệp của học sinh đối với dịch vụ đào tạo; tỉ lệ các cuộc gọi của khách hàng được đáp ứng ngay phút đầu tiên.

Việc lựa chọn đúng KPI cần thiết phụ thuộc vào việc hiểu được chính xác điều gì là quan trọng đối với tổ chức để đảm bảo thiết lập các KPI phù hợp và nhất quán với định hướng phát triển của chính tổ chức đó.

Hai yêu cầu quan trọng đối với việc xác định và thiết lập KPI là phản ánh mục tiêu của tổ chức và lượng hóa được (có thể đo lường được). Khi tổ chức đặt mục tiêu “trở thành doanh nghiệp có hiệu suất lợi nhuận cao nhất trong ngành”, các chỉ số KPI sẽ xoay quanh lợi nhuận và các chỉ số tài chính. “Lợi nhuận trước thuế” và “Vốn/tài sản cổ đông” là những chỉ số chính.

Chỉ số KPI chỉ có giá trị khi được xác định và đo lường một cách chính xác. Nếu đặt các chỉ tiêu theo dạng “Thu hút càng nhiều khách hàng cũ, mua hàng nhiều lần” thì không phải là một chỉ số KPI có giá trị nếu không phân biệt rõ ràng giữa khách hàng mới và khách hàng cũ. “Trở thành doanh nghiệp nổi tiếng nhất” không phải là một chỉ số KPI do không có cách nào đo sự nổi tiếng của doanh nghiệp hay so sánh với các doanh nghiệp khác.

Việc xác định rõ các chỉ số KPI và bám sát các chỉ số này rất quan trọng. Đối với KPI “gia tăng doanh số”, cần làm rõ các vấn đề như đo lường theo đơn vị sản phẩm hay giá trị. Sản phẩm trả lại sẽ bị khấu trừ trong tháng sản phẩm được bán ra hay trong tháng sản phẩm được trả lại? Doanh thu sẽ được tính theo giá niêm yết hay giá bán thực tế?

Tại Việt Nam đã có nhiều tổ chức và doanh nghiệp áp dụng KPI vào hoạt động của mình. Mới đây nhất là Công ty Cổ phần Portserco (tại Đà Nẵng) triển khai áp dụng KPIs trong hoạt động của doanh nghiệp.

Áp dụng KPI, giúp đẩy mạnh cải cách và nâng cao hiệu quả hoạt động doanh nghiệp. Ảnh: N. Nam
Áp dụng KPI, giúp đẩy mạnh cải cách và nâng cao hiệu quả hoạt động doanh nghiệp. Ảnh: N. Nam

Ông Nguyễn Lê Minh – Giám đốc Công ty Portserco cho biết, Portserco là doanh nghiệp hoạt động kinh doanh vận tải, phân phối dầu nhờn công nghiệp, xăng dầu và vật tư cho các phương tiện vận tải thủy và bộ; sửa chữa cơ khí – công trình thủy/bộ; dịch vụ hàng hải, dịch vụ cho thuê kho bãi với hệ thống kho hiện đại, chất lượng cao. Việc triển khai dự án ‘‘Xây dựng Hệ thống chỉ số hoạt động chính - KPIs’’ là cần thiết, qua đó cung cấp cho khách hàng, đối tác và cổ đông những thông tin quan trọng nhất về kết quả hoạt động, đánh giá mức độ thành công tổng thể gắn với mục tiêu chiến lược của công ty và để đánh giá được những hoạt động chính tạo nên sự thành công.

Với sự hỗ trợ của các chuyên gia thuộc Trung tâm Năng suất Việt Nam, ngày 25/6/2013, Portserco đã tổ chức Lễ khởi động dự án ‘‘Triển khai Hệ thống chỉ số đánh giá hoạt động chính - KPIs’’ với sự tham gia của Ban giám đốc, Nhóm Dự án KPIs và toàn thể cán bộ chủ chốt đến từ các phòng ban, chi nhánh, xí nghiệp trực thuộc công ty.

Được biết, tại hội thảo hôm nay lần này, các chuyên gia đại diện Tổ chức Năng suất Châu Á - APO và chuyên gia KPI của APO; Chuyên gia cải tiến năng suất của Trung tâm Năng suất Việt Nam; Lãnh đạo doanh nghiệp đã triển khai thành công dự án cải tiến năng suất… sẽ thuyết trình về phương pháp tiếp cận KPI, các KPI quan trọng và các bước triển khai KPI tại tổ chức, doanh nghiệp; Một số kinh nghiệm triển khai KPI tại Malaysia.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng đem tới hội thảo những kinh nghiệm và những yêu cầu khi lựa chọn triển khai áp dụng KPI; Thảo luận về phương pháp áp dụng KPI trong cải tiến và nâng cao hiệu quả hoạt động doanh nghiệp tại Việt Nam. Đồng thời, giới thiệu các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng trong khuôn khổ Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hoá của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020”.

Mô hình 12 bước xây dựng và áp dụng KPIs:

- Cam kết của Ban quản trị cấp cao

- Thành lập nhóm dự án thực thi KPIs có tính thuyết phục

- Xây dựng quy trình và văn hóa chuyển suy nghĩ thành hành động

- Xây dựng chiến lược phát triển KPIs toàn diện

- Giới thiệu hệ thống KPIs tới toàn thể nhân viên

- Xác định yếu tố thành công then chốt của tổ chức

- Lưu các chỉ số hiệu quả (Pis) trong một cơ sở dữ liệu

- Lựa chọn chỉ số hiệu quả (Pis) ở cấp nhóm  

- Lựa chọn các KPI

- Xây dựng khung báo cáo cho tất cả các cấp

- Tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng các KPI

- Điều chỉnh các KPI cho phù hợp với tổ chức

 Nguyễn Nam

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang