Chiếm đoạt tiền lắp đặt đồng hồ đo nước: Tham lam và thiếu hiểu biết

author 15:05 08/05/2018

(VietQ.vn) - Việc nhà đầu tư tìm cách chiếm đoạt chi phí lắp đặt đồng hồ đo nước của người dân đang là vấn đề gây lo ngại tại các dự án nước sạch nông thôn.

Sử dụng nước sạch là khát khao của người dân, đặc biệt là cư dân nông thôn, nơi có điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều hạn chế. Chính vì vậy, việc cung cấp nước sạch cho người dân nông thôn trở thành một trong các tiêu chí quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của nước ta.

Nhiều ưu đãi “khủng”

Để hoàn thành được mục tiêu quan trọng và đầy nhân văn này, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 131/2009/QĐ-TTg ngày 02/11/2009 về một số chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư và quản lý, khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn. Trên cơ sở đó, các địa phương ban hành chính ưu đãi, khuyến khích đầu tư công trình cấp nước sạch phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của từng địa phương.

Dự án đầu tư xây dựng công trình cấp nước sạch nông thôn được xếp vào hạng dự án được đặc biệt khuyến khích, ưu đãi đầu tư. Nhà đầu tư được hưởng nhiều ưu đãi đặc biệt nhằm đảm bảo góp phần cùng Nhà nước thực hiện được mục tiêu cung cấp và sử dụng nước sạch tại nông thôn.

Căn cứ theo Quyết định 131/2009/QĐ-TTg ngày 02/11/2009, nhà đầu tư khi đầu tư xây dựng, quản lý, khai thác công trình cấp nước sạch ở nông thôn sẽ được hưởng các ưu đãi đặc biệt. Thứ nhất là ưu đãi về đất đai: Nhà đầu tư xây dựng công trình cấp nước sạch ở nông thôn được nhà nước giao đất miễn tiền sử dụng đất.

Thứ hai là ưu đãi về thuế: Theo quy định của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp được áp dụng chung cho các hoạt động sản xuất kinh doanh là 20% tổng thu nhập chịu thuế. Tuy nhiên, đối với doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh công trình cấp nước sạch tại nông thôn sẽ được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp với mức thuế suất 10% được áp dụng trong suốt thời gian hoạt động. Đối với các doanh nghiệp mới thành lập sẽ được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm đầu hoạt động và được giảm 50% thuế thu nhập trong 5 năm tiếp theo.

Thứ ba là được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước: Doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh công trình cấp nước sạch ở nông thôn được hỗ trợ từ nguồn vốn ngân sách với mức từ 45% đến 90% tổng mức dự toán của dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt tùy thuộc vào từng địa bàn khác nhau. Ngoài ra, doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh công trình cấp nước sạch ở nông thôn còn được vay vốn tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng phát triển hoặc được ưu tiên vay lại nguồn vốn của các tổ chức quốc tế cho Chính phủ Việt Nam vay ưu đãi đề đầu tư xây dựng, kinh doanh công trình cấp nước sạch ở nông thôn.

Các dự án đưa nước sạch về nông thôn được hưởng nhiều ưu đãi. Ảnh: báo Bình Định 

Thứ tư là được hỗ trợ bù giá nước sạch: Trường hợp giá bán nước sạch do UBND tỉnh/thành phố quyết định thấp hơn giá thành nước sạch được cấp trên địa bàn thì hàng năm, doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh công trình cấp nước sạch sẽ được UBND tỉnh, thành phố xem xét cấp bù từ ngân sách địa phương đối với phần chênh lệch này để đảm bảo quyền và lợi ích của doanh nghiệp.

Nhìn lại các ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt trên đối với các dự án đầu tư xây dựng, kinh doanh công trình cấp nước sạch ở nông thôn, có thể nói rằng nhà đầu tư chỉ việc làm đúng, làm tốt chức năng vai trò cấp nước sạch cho cư dân nông thôn, quyền và lợi ích đã có Nhà nước đảm bảo.

Việc chiếm đoạt chi phí lắp đặt đồng hồ

Được hưởng những ưu đãi đặc biệt như vậy nhằm góp phần thực hiện tốt mục tiêu quốc gia cung cấp nước sạch cho cư dân nông thôn, nhưng nhiều nhà đầu tư xây dựng, kinh doanh công trình cấp nước sạch ở nhiều địa phương không “cam tâm” hưởng các ưu đãi này mà còn tìm cách móc thêm các khoản đóng góp của các hộ dân nông thôn nhằm chiếm đoạt cho riêng mình.

Một trong các khoản đóng góp mà các đơn vị kinh doanh nước sạch ở nông thôn "sáng tạo" ra là chi phí lắp đặt đồng hồ đo nước. Tùy từng địa phương, các hộ dân có nhu cầu sử dụng nước sạch bị yêu cầu đóng từ vài trăm nghìn đến hàng triệu đồng cho mỗi đồng hồ đo nước.

Sự tham lam của các nhà đầu tư này đã tạo ra một rào cản vô cùng lớn cho việc tiếp cận sử dụng nước sạch của các hộ dân nông thôn và là nguyên nhân dẫn tới chương trình, mục tiêu quốc gia nước sạch ở nông thôn đầy nhân văn có nguy cơ không được triển khai kịp thời ở nhiều địa phương. Điều đáng nói ở chỗ đây là đòi hỏi vô lý và hoàn toàn trái quy định của pháp luật hiện hành.

Theo quy định tại khoản 3, Điều 42 Nghị định số 117/2007/NĐ-CP ngày 11/7/2007 của Chính phủ về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch thì: “Đơn vị cấp nước có trách nhiệm đầu tư đồng bộ đến điểm đấu nối với các khách hàng sử dụng nước bao gồm cả đồng hồ đo nước. Trường hợp đồng hồ đo nước được lắp đặt sau điểm đấu nối đã được xác định thì chi phí vật tư, lắp đặt từ điểm đấu nối đến điểm lắp đặt đồng hồ do khách hàng sử dụng nước chi trả sau khi đã có thoả thuận với đơn vị cấp nước”.

Thông tư số 01/2008/TT-BXD ngày 02/1/2008 của Bộ xây dựng hướng dẫn Nghị định số 117/2007/NĐ-CP quy định tại Mục V như sau: “Đơn vị cấp nước có trách nhiệm đầu tư đồng bộ đến điểm đấu nối tại các hộ tiêu thụ bao gồm cả đồng hồ đo nước trong vùng phục vụ đã được xác định, chi phí đấu nối được tính vào chi phí đầu tư mạng lưới và được phân bổ vào giá nước sạch do Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt”. Như vậy, pháp luật đã quy định rõ ràng, cụ thể trách nhiệm đầu tư đồng bộ mạng lưới  cấp nước, bao gồm cả đồng hồ đo nước lắp đặt tại các hộ tiêu thụ thuộc về đơn vị cấp nước.

Nhưng chính sự nhập nhèm kết hợp với sự tham lam của một số nhà đầu tư, sự thiếu hiểu biết pháp luật của người dân tại nhiều địa phương đã dẫn tới việc nhiều đơn vị đầu tư, kinh doanh nước sạch tại nhiều địa phương chiếm đoạt được tiền của người dân có nhu cầu sử dụng nước sạch.

Tiền mất là đáng tiếc. Nhưng xót xa hơn khi nhiều hộ dân vì điều kiện, hoàn cảnh kinh tế còn rất khó khăn, không đủ khả năng đóng góp theo sáng kiến có tính chiếm đoạt của đơn vị cấp nước sẽ còn đợi rất lâu mới được tiếp cận và sử dụng nước sạch theo chương trình đầy ý nghĩa của Chính phủ.

Làm gì để đảm bảo quyền lợi của người dân?

Thực tế, tại các địa phương, khi chính quyền sâu sát, hiểu biết pháp luật thậm chí sẵn sàng tham vấn ý kiến pháp lý của các luật sư thì âm mưu chiếm đoạt tiền của người dân địa phương qua việc thu phí lắp đặt đồng hồ sẽ được chặn đứng.

Tại đó, chính quyền kiên quyết yêu cầu đưa vào thỏa thuận cấp nước ký kết giữa UBND xã/phường/thị trấn với đơn vị cấp nước nội dung: đơn vị cấp nước có trách nhiệm đầu tư, lắp đặt đồng bộ mạng lưới đường ống, đồng hồ đo nước đến điểm đấu nối tại các hộ tiêu thụ nước tại địa phương theo đúng quy định của pháp luật. Đây là điều kiện quan trọng để đảm bảo người dân không bị các đơn vị cấp nước thực hiện hành vi chiếm đoạt tiền lắp đặt đồng hồ đo nước.

Bên cạnh đó, người dân có nhu cầu sử dụng nước sạch ở nông thôn cũng cần tiếp cận thông tin, tăng cường hiểu biết về quyền lợi mà họ được hưởng từ chủ trương, chính sách, pháp luật của nhà nước trong việc khuyến khích đầu tư, kinh doanh, cấp nước sạch tại nông thôn để cùng giám sát, ủng hộ chính quyền tại địa phương mình trong việc yêu cầu đơn vị cấp nước thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật liên quan.

Luật sư Đỗ Bá Dương

Dân 'tố' thu vượt hơn 100.000 m3 nước: Tháo đồng hồ tổng để kiểm định(VietQ.vn) - Liên quan đến vụ dân 'tố' thu vượt hơn 100.000 m3 nước ở chung cư 143 Trần Phú, Hà Đông, hôm nay, Công ty TNHH MTV nước sạch Hà Đông tiến hành tháo đồng hồ tổng mang đi kiểm định.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang