Chiến lược gia tăng xuất khẩu gỗ sang thị trường Hoa Kỳ

author 16:16 05/02/2021

(VietQ.vn) - Để gia tăng xuất khẩu gỗ sang thị trường Hoa Kỳ, doanh nghiệp cần nhận thức lại vấn đề thị trường, chiến lược sản phẩm, tạo ra khả năng cạnh tranh để tham gia vào chuỗi cung ứng.

Theo dự báo mới đây từ Hiệp hội Ngân hàng Thế chấp (MBA) Hoa Kỳ, năm 2021 thị trường nhà ở gia đình tại Hoa Kỳ đạt khoảng 1,134 triệu ngôi nhà, trong năm 2022 đạt 1,165 triệu ngôi nhà; năm 2023 đạt 1,210 triệu ngôi nhà. Thị trường nhà ở Hoa Kỳ tăng trưởng mạnh, kéo theo nhu cầu về đồ nội thất gia đình tăng trong năm 2021 và những năm tới. Đây là cơ hội lớn cho các thị trường cung cấp đồ nội thất bằng gỗ, trong đó có Việt Nam.

Chia sẻ về câu chuyện xuất khẩu đồ gỗ sang Hoa Kỳ, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam phân tích, sản phẩm chiến lược cho sự bứt phá của ngành gỗ trong thời gian tới tại thị trường Hoa Kỳ sẽ là tủ bếp, tủ nhà tắm… Để gia tăng xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, doanh nghiệp cần nhận thức lại vấn đề thị trường, chiến lược sản phẩm, tạo ra khả năng cạnh tranh để tham gia vào chuỗi cung ứng. 

“Thay vì trước đây các doanh nghiệp tập trung đầu tư vào làm nhiều mặt hàng thì nay nên tập trung vào một số sản phẩm. Các doanh nghiệp vẫn có thể sử dụng 70% thiết bị đang có để sản xuất tìm giải pháp xử lý bề mặt và xử lý khâu hoàn thiện, khâu sơn sản phẩm”, ông Lập nêu ý kiến.

Sản phẩm chiến lược cho sự bứt phá của ngành gỗ trong thời gian tới tại thị trường Hoa Kỳ sẽ là tủ bếp, tủ nhà tắm… Ảnh minh họa.

Tuy nhiên, cơ hội bao giờ cũng đi liền với thách thức. Một số chuyên gia cho biết, ngành gỗ cần lưu ý tới các doanh nghiệp xuất khẩu, nguy cơ đặt ra không hề nhỏ nếu không làm ăn đàng hoàng, đặc biệt đối với các vấn đề về lẩn tránh thuế, gian lận thương mại… Cụ thể, về rào cản kỹ thuật, do gỗ là sản phẩm có nguyên liệu từ rừng. Mặc dù hầu hết là từ rừng trồng nhưng các quốc gia cũng đều đặt ra những yêu cầu rất khắt khe để đảm bảo toàn bộ gỗ đưa vào chế biến, tiêu thụ trong nước và xuất khẩu phải là gỗ từ nguồn cung ứng hợp pháp. 

Bên cạnh đó, mặc dù đã ký kết các hiệp định thương mại tự do nhưng nhiều quốc gia thường dựng lên các hàng rào bảo hộ mậu dịch, đặc biệt là áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp sản xuất. Dù doanh nghiệp đã xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ nhiều lần, tuy nhiên, chỉ 1 lần kiểm tra mà có vấn đề không rõ ràng phía Hoa Kỳ rất có thể sẽ “cấm cửa” doanh nghiệp khá lâu.

Trước thách thức nêu trên, nhằm đưa ra giải pháp giúp nâng cao khả năng nhận diện của sản phẩm Việt Nam hiện nay, mặt khác giúp tránh khỏi tranh chấp thương mại trên thị trường thế giới, ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết: "Về mặt vĩ mô, theo tôi Chính phủ cần đàm phán với các quốc gia tiêu thụ nhiều sản phẩm gỗ của Việt Nam cũng như các quốc gia xuất khẩu nhiều nguyên liệu gỗ vào Việt Nam làm sao cả hai bên có thể minh bạch các khung thể chế pháp lý, giúp tránh được những rủi ro đưa gỗ bất hợp pháp vào chuỗi cung ứng".

Đối với các doanh nghiệp, cần nâng cao năng lực giải trình, trách nhiệm giải trình, cẩn trọng trong việc nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài, đảm bảo làm sao để gỗ đưa vào sản xuất và chế biến, xuất khẩu phải đến từ nguồn cung ứng hợp pháp. Ngoài ra, mỗi một doanh nghiệp cũng cần nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng nhiều, gay gắt hơn.

Hiệp hội cũng cần làm tốt hơn chức năng tập hợp, liên kết tất cả các bên liên quan trong chuỗi chế biến và cung ứng sản phẩm, từ người nông dân trồng rừng cho đến doanh nghiệp đầu cuối, làm sao để nâng sức cạnh tranh, uy tín của thương hiệu gỗ Việt trên thị trường thế giới.

Hoa Kỳ khẳng định lốp xe ô tô xuất khẩu của Việt Nam không bán phá giá(VietQ.vn) - Bộ Thương mại Hoa Kỳ xác nhận các nhà xuất khẩu của Việt Nam không bán phá giá lốp xe ô tô vào Hoa Kỳ.

Mai Phương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang