Chiến lược phát triển bền vững ngành dệt may Việt Nam

author 16:59 18/02/2021

(VietQ.vn) - Để phát triển bền vững, ngành dệt may cần chú trọng các tiêu chí, chứng nhận xuất xứ và chứng nhận về đảm bảo môi trường, vấn đề tiết kiệm năng lượng, tái tạo và đặc biệt là an toàn sản phẩm.

Theo Báo cáo tình hình sản xuất công nghiệp và thương mại của Bộ Công Thương trong tháng 1/2021, một số ngành xuất khẩu như dệt may đã giữ được đà tăng trưởng và duy trì nhịp độ sản xuất ngay từ tháng đầu năm. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, thậm chí, tác động tiêu cực sẽ có thể kéo dài. Dự báo, năm 2021, ngành dệt may vẫn tiếp tục gặp khó khăn, doanh nghiệp sẽ phải thích ứng và chuyển đổi nhanh.

Với kịch bản dịch bệnh được kiểm soát tốt, xuất khẩu dệt may có thể đạt khoảng 39 tỷ USD trong năm nay. Bên cạnh đó, các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) đã có hiệu lực từ tháng 8/2020 và Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) (được ký kết vào giữa tháng 11 năm ngoái) cũng kỳ vọng tạo ra nhiều cơ hội cho ngành dệt may Việt Nam. Đây cũng là yếu tố hỗ trợ tích cực cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Sản xuất hàng may mặc tại Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex). 

Để thực hiện giải pháp vượt qua thách thức của dịch Covid-19, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho rằng, cần xây dựng liên kết chuỗi của ngành công nghiệp dệt may trong khu vực, đặc biệt là liên kết chuỗi với các nước trong khối cộng đồng những hiệp định thương mại mà nước ta mới ký với các nước; liên kết chuỗi nội khối trong Việt Nam và nội khối các nước ASEAN... Đây là vấn đề sống còn cho mục tiêu phát triển bền vững.

Đặc biệt, ngành dệt may Việt Nam cần đưa ra chiến lược phát triển bền vững. Đặc biệt, mô hình của các doanh nghiệp phải thay đổi, đáp ứng nhu cầu của nhãn hàng và người tiêu dùng toàn cầu. Doanh nghiệp dệt may phải chú trọng các tiêu chí, chứng nhận xuất xứ và chứng nhận về đảm bảo môi trường, vấn đề tiết kiệm năng lượng, tái tạo và đặc biệt là an toàn sản phẩm.

Nhằm thực hiện kế hoạch phát triển ổn định cho ngành dệt may trong giai đoạn tới, VITAS tiếp tục kiến nghị Bộ Công Thương, Chính phủ sớm ban hành chiến lược dệt may 2030 - 2040 để từ chiến lược này, định hướng được các khu công nghiệp lớn kêu gọi đầu tư vào nguồn cung thiếu hụt. Để chủ động nguồn cung, cộng đồng doanh nghiệp cần tiếp tục xây dựng giải pháp liên kết trong nội khối của ngành dệt may Việt Nam, đặc biệt chia sẻ thông tin, đơn hàng.

“Giải pháp quyết định đến thành công của ngành dệt may Việt Nam là cơ chế, chính sách phải thực sự thông thoáng, đặc biệt là ngành hải quan, vận tải logistics. Các chính sách phát triển của Chính phủ định hướng để ngành dệt may có đóng góp ổn định cho nền kinh tế, giải quyết việc làm cho người lao động với mục tiêu đặt ra, ngành dệt may sẽ xuất khẩu 38 - 39 tỷ USD vào năm 2021”, ông Vũ Đức Giang nhấn mạnh.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) kiến nghị Chính phủ tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, tỷ giá, lãi suất…; có chính sách cụ thể cho công nghiệp hỗ trợ dệt may, kể cả không gian và các điều kiện kích thích phát triển. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do thông qua hướng dẫn quy trình đáp ứng quy tắc xuất xứ… 

Ông Trường cũng đề nghị các địa phương ủng hộ dệt may phát triển trên nguyên tắc bền vững, sản xuất sạch mà dệt may phải tuân thủ theo các quy ước toàn cầu của chuỗi cung ứng.

Indonesia áp thuế chống phá giá một số hàng dệt may Trung Quốc(VietQ.vn) - Một số mặt hàng dệt may nhập khẩu từ Trung Quốc, trong đó có mặt hàng thảm trải sàn chính thức bị áp thuế chống bán phá giá tại Indonesia.

Mai Phương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang