Chiến lược quốc gia về Sở hữu trí tuệ: Cần một cú huých!

authorThanh Uyên 11:35 10/03/2016

(VietQ.vn) - Một chiến lược quốc gia về sở hữu trí tuệ không rõ ràng sẽ không thể thúc đẩy kinh tế một cách hiệu quả.

Sở hữu trí tuệ là một lĩnh vực quan trọng. Tuy nhiên, với những yêu cầu phát triển KH-XH của đất nước cùng xu thế hội nhập một cách tích cực và sâu rộng thì SHTT vẫn chưa đáp ứng với yêu cầu và nhiệm vụ của mình. 

Vậy làm thế nào để Việt Nam có một chiến lược SHTT phù hợp, sử dụng những cách thức nào để xây dựng chiến lược quốc gia thích hợp cho Việt Nam trong lĩnh vực này đang là một bài toán cần lời giải.

Chiến lược sở hữu trí tuệ: Cần một cú huýchThứ trưởng Bộ KH&CN Trần Việt Thanh tại buổi Tọa đàm Xây dựng chiến lược Quốc gia về SHTT

Thách thức hội nhập

Tại buổi tọa đàm “Xây dựng chiến lược quốc gia về Sở hữu trí tuệ” được Tổ chức SHTT Thế giới (WIPO) và Cục SHTT Việt Nam tổ chức ngày 8/3 cho thấy, mặc dù lĩnh vực SHTT ở Việt Nam đã có hơn 30 năm xây dựng và phát triển và đã trở thành một lĩnh vực rất quan trọng trong việc phát triển KH&CN nói riêng cũng như phát triển KT-XH nói chung.

Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Trần Việt Thanh, Thứ trưởng Bộ KH&CN, kiêm Cục trưởng Cục SHTT có thể thấy rằng, với những yêu cầu phát triển KH-XH của đất nước với xu thế hội nhập một cách tích cực và sâu rộng  thì SHTT vẫn chưa đáp ứng với yêu cầu và nhiệm vụ của mình. 

Theo ông Thanh, SHTT chưa thực sự trở thành một động lực để phát triển KT-XH và lĩnh vực SHTT chưa trở thành 1 ngành kinh tế để đóng góp vào sự phát  triển của đất nước. 

“Điều đó đặt ra một nhiệm vụ hết sức quan trọng đối với Bộ KH&CN là làm thế nào để khắc phục sự tồn tại trong giai đoạn vừa qua, để thực sự trở thành một động lực của doanh nghiệp, của nền kinh tế. Đòi hỏi VIệt Nam phải có định hướng xây dựng chiến lược phát triển SHTT trong giai đoạn tới để phù hợp với vai trò và vị trí của nó”, Thứ trưởng Trần Việt Thanh cho biết.

Theo kế hoạch, mục tiêu đặt ra cho lĩnh vực SHTT đến năm 2030, đó là xây dựng được một hệ thống SHTT với phương châm: “Hành động kịp thời, thực thi hiệu quả, thúc đẩy sáng tạo, gia tăng giá trị”. Hệ thống SHTT phải khuyến khích, thúc đẩy hoạt động sáng tạo, đổi mới, phát triển công nghệ, giúp cho doanh nghiệp phát triển bền vững, đảm bảo khả năng cạnh tranh lành mạnh, góp phần thúc đẩy sự phát triển của KH&CN và KH-XH của đất nước.

Chiến lưowcj quốc gia về sở hữu trí tuệ: Cần một cú huých

Gắn kết SHTT với chính sách phát triển quốc gia 

Theo kế hoạch dự thảo xây dựng chiến lược quốc gia về SHTT tại Việt Nam, lĩnh vực được ưu tiên tập trung vào các hoạt động sáng tạo, nâng cao hiệu quả của hệ thống xác lập, bảo vệ quyền…Tuy nhiên, khi đề cập đến vấn đề này, ông Ye Min Than, chuyên gia Vụ Châu Á – Thái Bình Dương của WIPO lại cho rằng chưa đầy đủ. Theo ông Ye Min Than, chiến lược SHTT ở mỗi quốc gia là các biện pháp mang tính chính sách, tạo ra khung pháp lý toàn diện để các bên phối hợp với mục tiêu cuối cùng là nâng cao hiệu quả kinh tế và năng suất lao động.

Ông Ye Min Than cũng cho rằng, không có chiến lược rõ ràng thì không thể thúc đẩy kinh tế một cách hiệu quả và việc xây dựng và áp dụng chiến lược SHTT phù hợp với điều kiện, năng lực của từng quốc gia là rất quan trọng. 

“Bản thân SHTT không phải là mục đích mà là một công cụ để thực hiện các mục tiêu chính sách công và các mục tiêu phát triển. SHTT có sự liên kết với các ngành khác nhằm đạt được mục tiêu kinh tế và mức độ bao phủ của SHTT phụ thuộc vào sự gắn kết với mục tiêu phát triển tổng thể của quốc gia đó”, ông Ye Min Than chia sẻ.

Do vậy, sự gắn kết chặt chẽ SHTT với chính sách phát triển của quốc gia là điều cần thiết và để phát triển, chiến lược SHTT quốc gia phải giúp đạt được mục tiêu đó.

Thứ trưởng Trần Việt Thanh ghi nhận thực tế tại Việt Nam trong những năm qua chỉ mới tập trung vào thực thi quyền SHTT chứ chưa gắn kết được SHTT với các mục tiêu phát triển kinh tế và chưa có sự kết nối đối với các ngành khác như nông nghiệp, văn hóa, giáo dục, y tế…

“Đây sẽ là điểm mà Việt Nam cần phải lưu ý trong việc xây dựng chiến lược SHTT trong giai đoạn tới. Làm thế nào để có một chiến lược SHTT linh hoạt, giải quyết được mâu thuẫn giữa hệ thống luật pháp về SHTT với các chính sách và mục tiêu phát triển”, Thứ trưởng Thanh cho biết.

Vậy, Việt Nam cần phải có những bước chuẩn bị gì cho một chiến lược dài hơi trong lĩnh vực SHTT trong thời gian tới, theo ông Mart Leesti - Chuyên gia tư vấn quản lý SHTT Canada cho biết, một “cú huých” cần thiết và đủ mạnh bắt đầu từ việc xây dựng chiến lược SHTT quốc gia với các mục tiêu được vạch rõ và thống nhất với những ưu tiên phát triển. Đặc biệt, thiết lập cơ chế phối hợp cấp quốc gia một cách nhuần nhuyễn sẽ là một thuận lợi để các mục tiêu cán đích.

Thanh Uyên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang