Chiến sự Syria mới nhất hôm nay ngày 13/1/2017

authorHòa Dương 06:45 13/01/2017

(VietQ.vn) - Chiến sự Syria mới nhất hôm nay 13/1/2017 gồm: "Nga bác bỏ mọi cáo buộc đe dọa máy bay chiến đấu của Mỹ ở Syria"; "Chính phủ Syria đạt thêm thỏa thuận “hòa giải” với phe đối lập";...

Sự kiện: Cập nhật tình hình Syria mới nhất

Chính phủ Syria đạt thêm thỏa thuận “hòa giải” với phe đối lập

Theo tin tức chiến sự Syria mới nhất hôm nay trên báo VOV, Chính phủ Syria vừa thông báo đạt được thỏa thuận tái kiểm soát một khu vực do quân đối lập chiếm giữ gần thủ đô Damascus và khôi phục đường ống cấp nước chính cho thủ đô. Trong khi đó, Chính phủ Nga cùng ngày xác nhận, các cuộc đàm phán hòa bình giữa chính phủ Syria và các nhóm vũ trang tại nước này sẽ vẫn diễn ra theo đúng kế hoạch vào ngày 23/1 tới tại Kazakhstan.

Những thông tin tích cực này đã làm gia tăng kỳ vọng về một giải pháp cho cuộc xung đột kéo dài gần 6 năm qua và cướp đi sinh mạng của hơn 310.000 người tại Syria.

Trong một thông báo, chính quyền Syria cho biết, thỏa thuận đạt được liên quan tới thung lũng Baradi, nơi đặt các đường ống cấp nước quan trọng cho Damascus và cách thủ đô chỉ khoảng 15km về phía Tây Bắc.

Ông Ahmad Houmam Haidar, một quan chức địa phương cho biết: “Các đại diện chính phủ và phe đối lập đã gặp nhau để thảo luận về một thỏa thuận hòa giải và chúng tôi đã đạt được. Thỏa thuận bao gồm việc quân đội Syria sẽ kiểm soát khu vực này và khôi phục hệ thống cấp nước chính cho thủ đô. Sau đó các thỏa thuận hòa giải sẽ bắt đầu có hiệu lực đối với tất cả các vấn đề khác như xã hội hay chính trị”.

Theo thỏa thuận đạt được, các nhân viên bảo trì của chính phủ sẽ được phép vào thung lũng này để tiến hành sửa chữa những đoạn đường ống bị nứt. Thỏa thuận cũng bao gồm việc hòa giải với một số nhóm đối lập theo đó các tay súng nổi dậy sẽ phải giao nộp vũ khí hạng nặng cho quân đội Syria, trong khi các binh sĩ chính phủ sẽ vào khu vực này để tháo dỡ bom mìn và các thiết bị nổ còn sót lại. Ngoài ra khoảng 600 dân thường và các tay súng cũng được phép rời khỏi khu vực.

Thung lũng Baradi cung cấp phần lớn nước sạch cho thủ đô Damascus. Tuy nhiên, do xung đột, rất nhiều đường ống cấp nước đã bị phá hủy, khiến hàng triệu người dân rơi vào cảnh không có nước sạch, thậm chí đã có những trường hợp ngộ độc nước do nguồn nước không hợp vệ sinh.

Chiến sự Syria mới nhất hôm nay đề cập đến vấn đề Chính phủ Syria đạt thêm thỏa thuận “hòa giải” với phe đối lập

 Chiến sự Syria mới nhất hôm nay đề cập đến vấn đề Chính phủ Syria đạt thêm thỏa thuận “hòa giải” với phe đối lập

Việc giành lại vị trí chiến lược này có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh những ý định trước đó nhằm đạt thỏa thuận ngừng bắn tại Baradi đều thất bại, khiến chính phủ Syria phải mở một chiến dịch quân sự quy mô lớn tại thung lũng này.

Tổng thống Syria Bashar Al-Assad cũng nhiều lần khẳng định quyết tâm giành lại thung lũng Baradi và đảm bảo nguồn cung cấp nước sạch cho người dân. Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Syria dù không khẳng định thỏa thuận này, song cũng xác nhận, những người dân muốn rời thung lũng Baradi đều được đảm bảo an toàn.

Trong những tháng vừa qua, Chính phủ Syria đã ký nhiều thỏa thuận hòa giải tại những khu vực do quân đội lập kiểm soát, tạo điều kiện cho hoạt động sơ tán dân thường và quân đối lập.

Một nguồn tin ngoại giao Nga cùng ngày cũng khẳng định, những cuộc đàm phán do Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ bảo trợ sẽ vẫn diễn ra theo đúng kế hoạch vào ngày 23/1 tại thủ đô Astana, Kazakhstan, đồng thời khẳng định các nhà tổ chức đang lên danh sách những phái đoàn tham dự.

Các cuộc đàm phán tại Astana được xem là cuộc họp trù bị cho các cuộc đàm phán tại Geneva, Thụy Sĩ ngày 8/2 tới dưới sự chủ trì của Liên Hợp Quốc. Theo các nhà phân tích, chưa lúc nào Syria đứng trước cơ hội hòa bình lớn như lúc này, trong bối cảnh tất cả các cuộc đàm phán trước đó đều không thể đi tới một giải pháp cho cuộc xung đột đã tàn phá nặng nề quốc gia Trung Đông này và khiến hàng triệu người phải đi sơ tán.

Nga bác bỏ mọi cáo buộc đe dọa máy bay chiến đấu của Mỹ ở Syria

Theo tin tức chiến sự Syria mới nhất hôm nay trên báo An ninh thủ đô, Bộ Quốc phòng Nga vừa ra tuyên bố bác bỏ mọi cáo buộc của phía Mỹ, khi cho rằng phi công Nga cố tình gây nguy hiểm cho máy bay chiến đấu của liên quân chống khủng bố do Mỹ dẫn đầu ở Syria.

Trước đó, lãnh đạo Không quân Mỹ đã tố cáo các phi công quân sự Nga được đào tạo để có những "hành vi bay" gây nguy hiểm cho chiến đấu cơ của liên quân quốc tế hoạt động chống khủng bố tại Syria.

 Không quân Nga đã có những chiến dịch rất thành công tại chiến sự Syria

 Không quân Nga đã có những chiến dịch rất thành công tại chiến sự Syria

Các phi công này bị cho là không phát đi tín hiệu nhận dạng, gây hiểu nhầm và vi phạm các thỏa thuận quốc tế.

Tuy nhiên, phía Nga đã ra tuyên bố đáp trả khi cho rằng các chiến đấu cơ của Mỹ và đồng minh cố tình hoạt động "âm thầm" khi mở chiến dịch tại Syria, không thông báo cho phía Nga như thỏa thuận đã có.

Theo Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov, chính sự bất nhất đó đã gây ra các hiểu lầm tại chiến trường Syria, và Nga bác bỏ mọi cáo buộc cho rằng họ cố tình gây ra sự đe dọa.

Tổng thống Assad chỉ giành được một Syria tan tành

Theo tin tức chiến sự Syria mới nhất hôm nay trên báo Infonet, theo tờ New York Times (NYT), tình hình hiện tại ở Syria cho thấy, chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad có nhiều khả năng sẽ giành chiến thắng. Dù vậy, những gì còn lại ở Syria sau 6 năm nội chiến là một thách thức không hề nhỏ.

Trong cuộc phỏng vấn với truyền thông Pháp được công bố tuần trước, ông Assad cho hay, chiến thắng ở Aleppo là dấu hiệu của “một điểm tới hạn trong cuộc nội chiến" và rằng chính phủ "đang trên đà chiến thắng". Nhưng NYT cho rằng, chiến thắng này diễn ra quá muộn bởi Syria đã bị tàn phá nghiêm trọng.

Những con số thống kê từ năm 2016 về Syria thực sự rất khủng khiếp. Hơn 80 % người Syria sống dưới mức nghèo khổ, trong đó có gần 70 % người Syria sống trong nghèo đói cùng cực, có nghĩa là họ không thể đảm bảo được cả những nhu cầu cơ bản. Tính đến thời điểm hiện tại, những con số trên có thể còn tệ hơn. Tỷ lệ thất nghiệp lên tới 58 %. Nhiều người trong số những người không bị thất nghiệp lại đang làm những công việc trái pháp luật như buôn lậu.

 Tổng thống Syria Bashar al-Assad

 Tổng thống Syria Bashar al-Assad

Tuổi thọ trung bình đã giảm tới 20 tuổi kể từ khi cuộc nội chiến bắt đầu năm 2011. Khoảng một nửa trẻ em bị thất học. Thực tế đó sẽ gây ảnh hưởng lâu dài bởi nó phá hỏng cả một thế hệ ở Syria. Lĩnh vực y tế cũng rơi vào khủng hoảng. Những căn bệnh trước đây có thể kiểm soát được như thương hàn, bệnh lao, viêm gan A và bệnh tả, nguy hiểm nhất là bệnh bại liệt, đã quay lại trở thành một mối lo ngại lớn.

500.000 người đã bị chết trong cuộc giao tranh. Nhiều người Syria khác bị thiệt mạng do những ảnh hưởng gián tiếp của cuộc nội chiến như không có thuốc men, bệnh viện. Hơn 2 triệu người bị thương. Tóm lại, đã có tới 11,5% dân số trước chiến tranh bị thương vong trong gần 6 năm nội chiến. Hơn nữa, còn gần một nửa dân số Syria không còn nhà cửa hoặc đã trở thành những người tị nạn ở các quốc gia khác. Một cuộc khảo sát năm 2015 của Cơ quan về người tị nạn Liên Hiệp Quốc cho thấy, phần lớn những người trưởng thành, chiếm khoảng 86 phần trăm người tị nạn Syria ở Hy Lạp, đã tốt nghiệp trung học hoặc đại học. Hầu hết trong số họ dưới 35 tuổi. Nếu đúng như vậy, Syria đã mất đi những con người rất cần thiết trong công cuộc tái thiết đất nước.

Trong khi đó, chi phí tái thiết đất nước cũng rất khủng khiếp. Một nghiên cứu được tiến hành hồi tháng 3/2016 cho thấy, tổng thiệt hại kinh tế do hậu quả của nội chiến là 275 tỷ USD. Nhiều lĩnh vực kinh tế bị tàn phá. Bên cạnh đó, Quỹ Tiền Tệ Quốc tế ước tính, riêng chi phí sửa chữa những cơ sở hạ tầng thiết yếu đã lên tới từ 180 tỷ USD đến 200 tỷ USD.

Syria bị phá tan tành sau gần 6 năm nội chiến.

Syria bị phá tan tành sau gần 6 năm nội chiến.

Hơn thế nữa, theo NYT, dù có giành chiến thắng trong cuộc nội chiến, chính quyền Syria vẫn phải dựa vào các lực lượng Nga và Iran.

Cuối cùng, NYT cho rằng, cả chính phủ của ông Assad cũng như các nhóm phiến quân mà ông đang đối đầu đều không đạt được mục tiêu của mình. Phe đối lập không thể lật đổ chính phủ. Trong khi đó, ông Assad sẽ phải đối mặt với cái mà Đặc phái viên của Liên Hợp Quốc và Liên đoàn Arập về Syria Lakhdar Brahimi đã cảnh báo từ năm 2012. Đó là Syria có thể trở thành một Somalia khác. Có nghĩa là nhà nước sẽ sụp đổ trong khi các thủ lĩnh phiến quân sẽ nổi lên. Cả quốc gia chìm trong giao tranh giữa các thủ lĩnh phiến quân. Nếu Syria bị Somalia hóa, ông Assad sẽ lãnh đạo một chính phủ. Chính phủ này sẽ nắm quyền nhưng không phải trên toàn lãnh thổ Syria. Thay vào đó, sẽ có nhiều lực lượng, bao gồm chính phủ, các lực lượng dân quân đối lập, lực lượng dân quân người Kurd, các nhóm tổ chức Nhà nước Hồi giáo cực đoan, cùng kiểm soát Syria theo từng khu vực nhất định.

Lộ diện thủ phạm đánh bom làm 110 người thương vong ở Syria(VietQ.vn) - Vụ đánh bom xe xảy ra ở thành phố Azaz ở miền Bắc Syria đã làm ít nhất 110 người thương vong và thủ phạm gây tội ác cũng đã nhận trách nhiệm.

Dù Syria có thoát khỏi nguy cơ bị Somalia hóa, ông Assad cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn to lớn khi lãnh đạo Syria. Các mạng lưới chính quyền đã bị phá vỡ và bị thay thế bởi các lãnh chúa bán độc lập, các nhóm dân quân hoặc các cơ quan quản lý địa phương. Trong thời gian diễn ra nội chiến, người dân Syria đã tự sống sót và tự quản lý trong tình hỗn loạn. Do vậy, việc xây dựng lại hệ thống chính quyền như trước khi nội chiến xảy ra thật sự không hề đơn giản.

Chính phủ Syria có thể có đại diện ở Liên Hợp Quốc, có đại sứ quán ở một số nước, có cơ quan cấp hộ chiếu, có tiền in, nhưng khó có thể xây dựng lại được một nhà nước hoàn chỉnh. Sự kiểm soát hay quyền lực của ông Assad đã bị giới hạn đáng kể. Ông sẽ phải phụ thuộc vào sự hỗ trợ quy mô lớn từ bên ngoài nếu muốn khôi phục lại ngay cả những phần Syria ít bị tổn thương nhất.

Hòa Dương (T/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang