Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung leo thang: Thế giới bị ảnh hưởng như thế nào?

author 16:49 12/07/2018

(VietQ.vn) - Việc Mỹ sắp đánh thuế thêm 200 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc cho thấy cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang tiếp tục leo thang. Thế giới bị ảnh hưởng ra sao trước cuộc chiến này?

Văn phòng Thương mại Mỹ (USTR) vừa ra công bố Mỹ quyết định sẽ áp thuế nhập khẩu 10% lên 200 tỷ USD hàng Trung Quốc. Động thái này của chính quyền Tổng thống Donald Trump cho thấy Mỹ đang đẩy cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung lên một nấc thang mới.

Theo quyết định này, USTR cũng công bố kèm theo một danh sách dài các mặt hàng Trung Quốc dự kiến bị đánh thuế. Đáng lưu ý trong đó có một số mặt hàng nằm trong danh sách các lĩnh vực trọng tâm của kế hoạch chiến lược Made in China 2025 nhằm biến Trung Quốc thành cường quốc công nghiệp toàn cầu, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ.

Trước đó 1 tuần, Mỹ cũng đã áp thuế 25% lên 34 tỷ USD hàng Trung Quốc và dự kiến áp mức thuế này lên thêm 16 tỷ USD hàng nữa sau vài tuần. Đáp lại động thái này, Trung Quốc đã lập tức áp thuế tương ứng lên 34 tỷ USD hàng nhập từ Mỹ.

Trước đó, Tổng thống Mỹ - Donald Trump cũng đã đe dọa áp thuế tổng cộng 500 tỷ USD lên hàng Trung Quốc nếu nước này trả đũa. Trong khi đó, Trung Quốc cáo buộc Mỹ "khơi mào chiến tranh thương mại lớn nhất lịch sử”.

Theo Reuters, trong “cuộc chiến thương mại” này, các quốc gia có nền kinh tế mở, dựa nhiều vào thương mại toàn cầu sẽ chịu nhiều thử thách hơn cả.

chien-tranh-thuong-mai-my---trung-leo-thang-the-gioi-bi-anh-huong-nhu-the-nao

 Quan hệ thương mại Mỹ - Trung căng thẳng. Ảnh: Reuters

Tờ báo dẫn ví dụ Australia, nước có đối tác thương mại lớn nhất là Trung Quốc. Báo Tiền Phong dẫn phân tích của Reuters cho thấy, dồng tiền Úc chịu tác động rất lớn từ sự tăng trưởng của thế giới. Nhiều nhà đầu tư coi đây là đồng tiền có khả năng thể hiện sức khỏe của thương mại quốc tế tốt hơn hẳn so với đồng dollar Canada. Trong tháng 6, có thời điểm đồng dollar Australia rớt giá xuống mức thấp nhất trong 13 tháng qua.

Một “ứng cử viên” khác là đồng krona của Thụy Điển do độ mở lớn, phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu của nền kinh tế quốc gia Bắc Âu này. “Tiền tệ của các nước phụ thuộc nhiều vào tăng trưởng toàn cầu sẽ chịu tác động rõ rệt từ bất cứ bước leo thang nào trong chiến tranh thương mại Mỹ-Trung”, James Binny, chuyên gia tiền tệ toàn cầu của hãng tư vấn State Street Global Advisors có trụ sở ở London, Anh, nói.

Các đồng tiền ở Châu Á như won của Hàn Quốc, dollar Singapore, dollar Hong Kong cũng có dấu hiệu yếu đi với lý do tương tự.

Không chỉ lĩnh vực tiền tệ, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung còn tác động mạnh đến các hãng sản xuất máy bay như Boeing hay Airbus, vì họ dựa nhiều vào các nguồn cung cấp nguyên vật liệu ở quy mô toàn cầu.

Boeing là nhà xuất khẩu đơn lẻ lớn nhất của Mỹ tại thị trường Trung Quốc và cổ phiếu của hãng, cũng giống như các đối thủ Châu Âu, cũng chao đảo khi căng thẳng thương mại gia tăng.

Ngoài ra, thép và nhôm cũng là những ngành hàng chịu hậu quả nặng nề trong các tranh chấp thương mại quốc tế. Các khoản thuế của Mỹ đánh vào thép nhập khẩu khiến cổ phiếu của các tập đoàn thép Châu Âu như Thyssenkrupp, Salzgitter và Voestalpine sụt giá.

Các nhà sản xuất Châu Âu nhập khẩu thép cho nhà máy ở Mỹ cũng có khả năng chịu trận.

Nhưng vẫn có những bên được lợi, ví dụ các nhà sản xuất Châu Âu như tập đoàn công nghệ ABB hay Siemens có cơ hội giành được thị phần ở Trung Quốc trước các đối thủ Mỹ như Honeywell.

Nhưng thuế cao hơn có thể tác động tiêu cực đến mọi nền kinh tế và những đối tượng được hưởng lợi kể trên cũng vẫn bị thu hẹp thị trường.

Trả lời trên VOV, TS. Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc - Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, sự trả đũa lan tỏa của các đối tác thương mại lớn với nhau có thể là tương lai ảm đạm đối với các nước yếu hơn. Trong đó, có 2 tổn hại lớn, một là tổn hại đến sự tăng trưởng đang phục hồi của kinh tế toàn cầu, hai là tổn hại đến chuỗi sản xuất.

Với tăng trưởng chung của kinh tế thế giới, sự đảo lộn của môi trường thương mại toàn cầu sẽ tác động trực tiếp đến tăng trưởng kinh tế tất cả các quốc gia. Năm 2017, theo WTO, tăng trưởng thương mại toàn cầu đạt 4,7% nhưng bước sang năm 2018, mức tăng trưởng này có thể sẽ khó dự đoán hơn và biên độ dao động từ 3,1% - 5,5%. Điều này là do sự "bất ổn" trong chính sách thương mại của các nước lớn.

TS Thành cho rằng, nếu những căng thẳng này không được giải quyết, chuỗi sản xuất có thể phải điều chỉnh để thích ứng với các rào cản mới. Điều này sẽ làm nhiều nước mất lợi ích cho dù họ không có tên trong danh sách các nước chịu lệnh áp thuế trừng phạt của Mỹ và Trung Quốc. Tất nhiên, Việt Nam không nằm ngoài "vòng xoáy" này.

Mark Cuban: Cha mẹ nên khuyến khích con khi chúng muốn kinh doanhTrong cuốn sách sắp ra mắt "Kid Start-Up", Mark Cuban cho rằng các bậc cha mẹ có thể giúp con cái của họ bằng cách đưa ra một kế hoạch hành động sát thực tế khi chúng có ý tưởng kinh doanh.

Ông Thành phân tích, tuy bị ảnh hưởng nhưng có thể khẳng định, Việt Nam ít chịu tác động từ căng thẳng này vì các ngành mà Mỹ trừng phạt Trung Quốc đều không phải là ngành mà Việt Nam tham gia xuất khẩu hàng hóa đầu vào nhiều sang Trung Quốc. Việt Nam cũng nằm cuối trong chuỗi sản xuất nên căng thẳng thương mại Mỹ-Trung khó làm thay đổi xuất nhập khẩu của Việt Nam trong ngắn hạn và trung hạn.

Tuy nhiên, về lâu dài, việc các biện pháp trừng phạt được mở rộng sang nhiều ngành hàng khác sẽ có thể có tác động không ngờ tới. Chẳng hạn, dưới thời Tổng thống Trump, thuế chống lẩn tránh đã được đặt ra để lần theo dòng vốn của Trung Quốc đầu tư ra nước ngoài nhằm tránh các trừng phạt của Mỹ. Điều này sẽ đặt các nước thứ ba vào tầm ngắm của lệnh trừng phạt nếu hàng hóa xuất khẩu từ các nước này không chứng minh được xuất xứ "không có liên quan đến Trung Quốc". Trường hợp Mỹ điều tra thép nhập khẩu từ Việt Nam có thể là một cảnh báo cho các hoạt động điều tra dạng này.

Hà Thu (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang