Chiêu lừa bán iPhone "rởm"

author 07:36 03/02/2013

(VietQ.vn) - Đánh trúng tâm lý ham rẻ của nhiều người, các đối tượng lừa đảo “nhập vai” những chị buôn đồng nát thật thà để tiếp cận và tỏ ý muốn bán rẻ chiếc điện thoại iPhone vừa nhặt được. Nhiều người nhẹ dạ cả tin đã vội vã chi tiền và kết quả là nhận được chiếc iPhone… "tàu".

Mua iPhone giá bèo

Những chiếc điện thoại iPhone với mức giá cao chới với luôn là niềm mơ ước của nhiều người. Nắm bắt được điều này, các nhóm lừa đảo nữ đã nhập vai rất “ngọt”, biến hóa thành những người lao động như: chị buôn đồng nát, chị bán tăm… để tiếp cận “con mồi”. Chiêu bài của chúng là giả bộ ngây ngô thông báo cho đối tượng biết rằng mình vừa bắt được chiếc điện thoại nhưng không biết cách sử dụng và cũng không biết mức giá bao nhiêu.

Chúng sẽ nhờ “con mồi” tắt giùm nguồn hoặc định giá hộ chiếc điện thoại để tiện đem ra cửa hàng bán. Sau đó, lấy lý do là muốn bán thật nhanh để người bị mất không gọi điện tới, chúng sẽ ngỏ ý muốn bán rẻ chiếc điện thoại iPhone này cho chính người vừa xem hộ với mức giá từ 1.500.000 đồng trở lên.

Trong bộ dạng của những người lao động “nhà quê ra tỉnh” với quần áo tuềnh toàng, nón lá đội đầu hoặc xuất hiện cùng chiếc xe đạp cũ liểng xiểng đồ đạc, chúng tạo được lòng tin tuyệt đối từ các “con mồi”. Khi đã không nghi ngờ, nhiều “con mồi” sẵn sàng móc hầu bao để “tậu” chiếc điện thoại sang trọng, đắt tiền này mà không hề biết rằng mình đã trở thành nạn nhân của trò lừa đảo.

Thực tế, chiếc iPhone “bắt được” kia chỉ là hàng "tàu", được bán đầy rẫy trên mạng với mức giá chỉ bằng phân nửa hoặc 1/3 số tiền mà họ bỏ ra.

“Sập bẫy” vì ham rẻ

Đang đứng đợi bạn ở đầu ngõ 98 (Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội), Thu (quê Khoái Châu, Hưng Yên) được một chị bán đồng nát hỏi thăm địa chỉ cửa hàng bán điện thoại. Liền đó, chị này vội thông báo về việc mình vừa nhặt được chiếc điện thoại và nhờ Thu xem rồi định giá giúp.

Chiếc điện thoại iPhone 4S màu đen sáng loáng được chị này nhét trong một chiếc bít tất bẩn thỉu và bụi bặm. Vì bạn bè cùng lớp cũng có nhiều người dùng dòng điện thoại này nên Thu không còn xa lạ gì với thương hiệu điện thoại “quả táo cắn dở” rất đắt tiền. Thấy Thu lật ngang lật dọc chiếc điện thoại để xem xét, chị này lại nói nhỏ: “Nó có được 1.500.000 đồng không em. Nếu được chị bán lại luôn cho em đó. Chứ chị mang ra cửa hàng điện thoại họ có nói sai sự thật, trả giá rẻ hơn chị cũng chẳng biết đối đáp thế nào”.

Nạn nhân của trò lừa đảo này tức giận nhớ lại: “Thấy chị ấy có vẻ khổ sở hiền lành nên tôi rất tin tưởng. Chiếc iPhone vốn là niềm mơ ước bấy lâu, nay lại mua được với giá rẻ nên tôi lôi hết tiền ăn cả tháng trong ví trả cho chị ta. Đến khi về xóm trọ, nhờ anh phòng bên vốn am hiểu về công nghệ kiểm tra lại, tôi mới “ngã nhào” khi biết nó chỉ là điện thoại iPhone "tàu", mua mới cứng cũng chỉ vài ba trăm nghìn”.

Những chiếc Iphone Tàu được rao bán rộng rãi trên mạng với giá chỉ 400 – 600.000 đồng.
Những chiếc Iphone Tàu được rao bán rộng rãi trên mạng với giá chỉ 400 – 600.000 đồng

May mắn thoát… lừa

Cũng rơi vào tình huống tương tự nhưng Tuấn (Trường Đại học Dược Hà Nội) lại rất may mắn khi thoát lừa.

Vào một buổi chiều, đang đợi bạn gái ở một ngõ 1 phố Khâm Thiên thì có một người phụ nữ buôn đồng nát, tầm 30 – 35 tuổi lại gần bắt chuyện. Chị này rụt rè cho biết mình tình cờ nhặt được chiếc điện thoại.

Tuấn kể: “Tôi tưởng tượng ra cảnh chị ấy sẽ đề nghị bán cho mình giá rẻ. Nhưng không, chị ấy chỉ nhờ tôi xem hộ điện thoại để chắc chắn rằng nó rất đắt tiền”.

Rồi Tuấn bảo chị này cho xem chiếc điện thoại mà chị nhặt được. Cậu thực sự ngạc nhiên khi đó là một chiếc iPhone 4 còn khá mới. Tuy nhiên, vì vội đi thi nên Tuấn không xem cẩn thận, chỉ lướt qua mặt trước và cạnh bên của máy rồi trả cho chị đồng nát kèm câu khẳng định, điện thoại này chắc phải có giá cao hơn 2.500.000 đồng.

Nếu rảnh rang thời gian, chắc chắn Tuấn sẽ kiếm chỗ để xem điện thoại kỹ hơn, khi ưng ý rất có thể sẽ mua lại. Nhưng vì vội việc thi cử nên Tuấn phải đi luôn. Tiếc rẻ, khi về đến nhà, Tuấn đăng câu chuyện tình huống này lên diễn đàn, chuẩn bị tinh thần nhận “gạch đá” của anh em. “Tôi ngớ người khi nhận được rất nhiều các bình luận “vạch tội” chiêu lừa này, trong đó có không ít người từng là nạn nhân. Ai cũng bảo là số tôi may. Đến lúc ấy, tôi mới biết vừa thoát được một vụ lừa”, Tuấn kể.

Nhiều người đã trở thành nạn nhân của những cô đồng nát giả vờ bắt được Iphone
Nhiều người đã trở thành nạn nhân của những cô đồng nát giả vờ bắt được iPhone

Có thể thấy, trên thị trường hiện nay, hầu hết các đời máy iPhone đều có hàng nhái xuất xứ từ Trung Quốc. Hình thức iPhone "tàu" được làm tinh vi nên với những người ít có cơ hội tiếp cận với loại máy này thì sẽ rất khó để phân biệt thật – giả. Đây cũng là cơ sở để những kẻ lừa đảo chớp thời cơ và ra tay. Chúng nhắm đến nhiều đối tượng, thường là những người đang đứng một mình để dễ bề bắt chuyện rồi thực hiện hành vi lừa đảo.

Ngoài điện thoại iPhone, một số dòng điện thoại cao cấp khác như Nokia N8, N9 cũng được bọn lừa đảo sử dụng làm “mồi nhử”. Vì thế, khi có đối tượng lạ tiếp cận và bày tỏ muốn bán rẻ chiếc điện thoại vừa nhặt được thì mọi người nên nâng cao cảnh giác, kiểm tra thật kỹ thật – giả để không sập bẫy thủ đoạn tinh vi này.

Thanh Thu

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang