Chiêu trò lách luật áp trần giá sữa của các doanh nghiệp

author 06:18 01/07/2014

(VietQ.vn) – Người tiêu dùng chưa hưởng lợi, Bộ Tài Chính gặp nhiều khó khăn trong quá trình bình ổn thị trường sữa vì những chiêu trò lách luật tinh vi của các doanh nghiệp sữa.

Sự kiện: Giá sữa, Thông tin giá sữa trên thị trường

Áp trần giá sữa: Người mua chưa lợi

Theo thông tin mới nhất trên báo Pháp luật TP HCM, các sản phẩm sữa tới người tiêu dùng không được giảm giá nhiều vì nhập nhằng ở khâu phân phối.

Mặc dù 5 doanh nghiệp (DN) trong diện áp giá trần đã đăng ký giá bán lẻ tối đa lên cơ quan chức năng và thông báo đến cửa hàng bán lẻ, song trên thực tế người tiêu dùng (NTD) vẫn bị mua sữa giá cao hơn giá bán lẻ tối đa.

 

Giá sữa đã giảm nhưng NTD vẫn cân nhắc khi chọn sản phẩm sữa vì nhiều DN sữa có các chiêu trò lách luật

Giá sữa đã giảm nhưng NTD vẫn cân nhắc khi chọn sản phẩm sữa vì nhiều DN sữa có các chiêu trò lách luật (Ảnh minh họa)

Hiện nay giá bán lẻ tối đa được xác định không cao quá 15% giá bán buôn và tùy sản phẩm, giá bán lẻ so với giá bán buôn tối đa chỉ chênh lệch 10% thì nhà phân phối đã cộng ít nhất 4%-9% vào giá khi bán cho cửa hàng. Do đó cửa hàng tự tính toán, bán ra cho NTD giá thấp hơn giá trần chỉ vài ngàn đồng. Chẳng hạn, sữa Friso Gold số 3 (của Cô Gái Hà Lan) loại 1,5 kg giá 600.000 đồng/hộp, thấp hơn giá khuyến nghị 3.000 đồng. Sữa Optimum số 3 loại 900 g (của Vinamilk) trước đây cửa hàng bán 350.000 đồng thì khi áp giá trần cửa hàng cũng bán ra với giá không đổi.

Mối lo mới từ thị trường sữa

Báo Đại đoàn kết cũng cho hay, những lo lắng về thị trường sữa tiếp tục trở lại, các hãng sữa nhanh chóng thay đổi công thức mới và đổi tên thành sản phẩm dinh dưỡng công thức.  Bên cạnh đó một số sản phẩm trong tình trạng "tạm hết hàng”. Điều này đặt ra nghi vấn: các hãng sẽ hạn chế nguồn cung, thị trường sốt hàng, sữa sẽ lại tăng giá?

Hãng sữa Mead Johnson  tung thêm các dòng sữa mới  Enfamil A+ 3600 Brain Plus, Enfa Grow A+ 3600 Brain Plus với giá bán lẻ cao hơn dòng sữa cũ. Cụ thể, Enfamil A+360 brain plus 400g có giá 253.000 đồng/lon, lon 900g có giá 525.000 đồng/lon hàng sẵn có. Hay Enfagrow A+3 vanilla 360* brain plus lon 900 gr có giá 442.000 đồng trong khi đó sản phẩm cũ SPDD Enfagrow  A+3  hộp thiếc có giá 346.000 trong tình trạng "Tạm hết hàng”. Các sản phẩm mới này hoàn toàn không có tên trong danh sách của 25 tên hàng áp giá trần.

Trở lại với diễn biến ngoài thị trường, các hãng sữa hiện nay trước mắt tuân thủ nghiêm việc áp trần nhưng nhiều sản phẩm ở một số nơi được thông báo hết hàng. Chẳng hạn tại địa chỉ web Beyeu.com chuyên cung cấp các sản phẩm sữa đã trưng ngay biển "tạm hết hàng” với sản phẩm dinh dưỡng công thức Enfagrow A+ 3 vị vanilla 360* Brain Plus dành cho trẻ từ 1-3 tuổi, sữa bột dinh dưỡng Enfalac A+ Lactofree.

Điều này đặt ra nghi vấn: các hãng sẽ hạn chế nguồn cung, để tạo ra cơn sốt ảo tăng giá. Như vậy người tiêu dùng bị thiệt trong khi đó chỉ có các hãng bán lẻ được lợi.

Sữa giở “chiêu trò” mới đối phó giá trần

Cũng theo báo Giao thông vận tải, thực hiện quy định áp giá trần bán lẻ, nhiều mặt hàng sữa đã giảm giá song có nhãn hàng chỉ giảm vài nghìn đồng/hộp. Các hãng sữa cũng lách luật, đối phó bằng cách thay mẫu mã, hoặc giảm giá nhưng cắt bỏ hết chương trình khuyến mãi, khiến người tiêu dùng vẫn chưa được hưởng lợi như mong đợi.

Mặc dù một số sản phẩm sữa nằm trong danh sách áp trần đã giảm giá song hầu hết các loại sữa nằm ngoài danh mục áp giá trần thì vẫn giữ nguyên giá bán lẻ, hoặc giảm không đáng kể. Như các sản phẩm Dutch Lady của FrieslandCampina mang tên Tò mò, Khám phá, Sáng tạo... được các siêu thị, cửa hàng giữ nguyên giá bán hoặc chỉ giảm vài nghìn đồng/hộp.

Tương tự, Vinamilk cũng chỉ giảm giá bán buôn vài nghìn đồng/hộp sữa, như Optimum giảm khoảng 5.000 đồng/hộp.

Vì sữa giảm giá không đồng đều, nên dẫn đến hiện tượng bất hợp lý về giá. Như Nutifood - dòng sản phẩm được coi là bình dân, một hộp sữa Nuti IQ loại 900gr số 3 có giá 260.000 đồng, trong khi một hộp sữa Abbott Grow số 3 loại 900gr của Abbott - thương hiệu nổi tiếng hơn được bán với giá 265.000 - 267.000 đồng/hộp.

Hay theo thông lệ, cùng một dòng sản phẩm, thì sữa dành cho trẻ lớn sẽ luôn rẻ hơn sữa dành cho trẻ nhỏ. Thế nhưng, cùng là sản phẩm của Abbott, một hộp Grow thường số 4 loại 900gr giá 300.000 - 310.000 đồng/hộp, nhưng Grow thường số 3 nhờ nằm trong danh mục áp giá trần chỉ còn từ 265.000 - 270.000 đồng/hộp...

 

Nhiều DN sữa thực hiện chiêu trò lách luật – cắt hết ưu đãi cho đại lý và khuyến mãi nên thực chất NTD không được hưởng lợi

Nhiều DN sữa thực hiện chiêu trò lách luật – cắt hết ưu đãi cho đại lý và khuyến mãi nên thực chất NTD không được hưởng lợi (Ảnh minh họa)

Có hay không DN “lách luật” giá sữa?

Báo Hải quan cũng cho hay, trước đó, có thông tin cho rằng, sữa Enfamil A+2 (900g) của Công ty TNHH MeadJohnson có mức giá trước đây là 488.000 đồng/hộp, nay đã giảm còn 417.000 đồng/hộp. Sau ngày áp giá trần sữa, hãng MeadJohnson đã góp mặt thêm 1 sản phẩm mới là Enfamil A+2 – 3600 Brain Plus, có giá đã giảm là 510.000 đồng.

Hai sản phẩm có giá bán chênh lệch nhau hơn 100.000 đồng/hộp, nhưng nếu quan sát kỹ thì 100% thành phần dinh dưỡng và định lượng giữa sản phẩm cũ và mới không có gì thay đổi. Và thậm chí ở sản phẩm mới còn không thể hiện nguồn gốc xuất xứ nguyên liệu.

Có ý kiến cho rằng, bằng chiêu lách luật và tinh vi qua mắt người tiêu dùng, Pediasure loại hộp 900g của Abbott trước đây đã được thay bằng loại hộp 850g, giá bán là 565.000 đồng, với cái giá này người tiêu dùng đang bị lầm tưởng là được rẻ hơn 5.000 đồng/hộp so với giá 570.000 đồng/hộp trước đó…

Mặt khác, theo kết quả thanh tra năm 2013 và 2 tháng đầu năm 2014, qua trao đổi với Công ty và khảo sát thị trường của Cục Quản lý giá ngày 21 và 22-6-2014, sản phẩm Enfamil A+2 (900g) hiện vẫn còn đang được tiêu thụ trên thị trường cùng với sản phẩm Enfamil A+ 2 - 3600 Brain Plus (900g) với các mức giá khác nhau.

Với tất cả các lý do nêu trên, Cục Quản lý giá nhận định, sản phẩm Enfamil A+2 - 3600 Brain Plus (900g) này không phải là sản phẩm mới sau khi Bộ Tài chính áp giá tối đa như phản ánh của báo chí về việc lách luật thay đổi nhãn mác nhưng giá không đổi.

Đối với sản phẩm Pediasure của Công ty TNHH Dinh Dưỡng 3A (Abbott), Cục Quản lý giá cho biết, tại Công văn số 1121/ATTP-SP ngày 19-5-2014 của Cục An toàn thực phẩm trả lời Công văn số 117/CQLG-NLTS ngày 12-5-2014 của Cục Quản lý giá về việc cung cấp thông tin đăng ký mẫu mã, chất lượng sản phẩm sữa; ngày 20-9-2013 Cục An toàn thực phẩm đã cho phép Văn phòng đại diện của Công ty Abbott bổ sung quy cách đóng gói mới đối với thực phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng cho trẻ em từ 1 đến 10 tuổi Pediasure Better Absorption (quy cách đã đăng ký: hộp 1.700g, 900g, 400g, gói 49g; quy cách đăng ký bổ sung: hộp 1.600g, hộp 850g).

Tuy nhiên, Cục An toàn thực phẩm khẳng định sản phẩm Pediasure là các sản phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng, có thể dùng qua ống xông cho bệnh nhân, thành phần không chứa sữa và không phải là sản phẩm dinh dưỡng công thức theo các quy chuẩn do Bộ Y tế ban hành nên không thuộc danh mục sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi phải bình ổn giá theo Thông tư số 30/2013/TT-BYT ngày 4-10-2013 của Bộ Y tế.

Nguyễn Dung (T/h)


 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang