“Chim lợn”, “Cửu bay” đưa hàng lậu vượt biên

author 07:38 01/10/2013

(VietQ,vn) - Mỗi khi khách buôn từ các nơi về, sẽ có “chim lợn” dẫn qua bên kia biên giới, đến chợ Lũng Vài mua bán thoải mái. Sau đó, chính “chim lợn” sẽ mồi chài, mời mọc những chủ hàng này sử dụng dịch vụ vận chuyển của họ.

Nhận diện “chim lợn”

Sau khi tuồn được hàng từ Lũng Vài vào Việt Nam, hàng loạt những căn nhà chạy dọc theo sườn núi sẽ là trợ thủ đắc lực khi được chưng dụng làm điểm tạm tập kết. Từ đây cánh “cửu bay” (những người hành nghề chở hàng lậu bằng xe máy - PV) sẽ túa ra như ong vỡ tổ chở hàng đi tập kết tại các kho hàng lớn xung quanh thị trấn Đồng Đăng. Sau đó hàng sẽ theo những xe cóc (loại xe ô tô dạng tải nhỏ mui kín  đặc trưng của Lạng Sơn) về thành phố Lạng Sơn. Rồi từ thành phố Lạng Sơn mới được phân phối ra cả nước. “Bất cứ một kẽ hở nào dù nhỏ nhất cũng sẽ bị cánh buôn lậu khai thác triệt để nên lực lượng biên phòng dù có dày như nêm cối cũng khó kiểm soát hết đươc”.

Trước khi chúng tôi lên đây, một người bạn hàng ở Hà Nội bật mí, lên trên này nếu muốn dẫn đường hay lấy hàng nhanh thì phải cần sự giúp đỡ của hoa tiêu, “chim lợn”. Người này còn kể, đội ngũ “chim lợn” ở đây đông đảo và chuyên nghiệp lắm, họ chính là tai mắt của chủ hàng (gọi tắt của chủ hàng thật hoặc những công ty đứng ra nhận vận chuyển hàng lậu từ Trung Quốc về Việt Nam). Vai trò của “chim lợn” rất lớn, thậm chí quyết định sự thắng bại của từng chuyến hàng.

Cảnh tấp nập mua bán thường thấy ở Quảng Châu

Được sự giới thiệu của bạn hàng nọ, chúng tôi gặp một người thanh niên tên Chương (Lạng Giang – Bắc Giang), dưới vỏ bọc là một người sữa chữa xe máy, nhưng thực chất là một “chim lợn” có tiếng ở vùng này.

Công việc chim lợn của Chương là hàng ngày ngồi ở quán sửa xe quan sát mọi di chuyển của lực lượng Hải quan và bộ đội biên phòng rồi thông báo qua bộ đàm liên tục cho các chủ hàng và chim lợn khác. Theo Chương, mỗi chủ hàng thường nuôi 7 - 8 chim lợn, cài cắm khắp nơi. Cai này lại trao đổi thông tin với cai khác để theo dõi sát sao mọi hoạt động của các lực lượng chống buôn lậu. Khuôn mặt, hình dáng, tên tuổi, quê quán, hoàn cảnh gia đình của mỗi cán bộ, các chim lợn đều nắm rõ.

Nếu "chim lợn" làm tốt thì ít khi hàng lậu bị tóm. Người lạ chỉ cần lảng vảng vào khu vực là bị theo dõi và báo động luôn. Khi vận chuyển hàng, hễ thấy bóng (bộ đội biên phòng) xuất hiện, hàng loạt cánh cửa sắt giữa các dãy nhà cấp 4 dưới chân đồi lập tức đóng sập lại. Phá được cửa thì các tay cửu đã ở đầu bên kia biên giới. Nếu bắt được khách, Chương sẽ bàn giao công việc “chim lợn” cho người khác một vài phút để tranh thủ kiếm thêm dăm ba đồng rau cháo.

Uy tín…cửu vạn

Cửu vạn và “chim lợn” đều sinh ra để phục vụ dân buôn lậu, mỗi người có một vai trò, vị trí khác nhau nên thu nhập cũng khác nhau. Hay nói cách khách thì đẳng cấp cũng khác nhau. Nếu như “chim lợn” thường ăn trên ngồi trốc, lượn lờ và tinh mắt để đảm bảo cho chuyến hàng không bị đụng lực lượng chức năng thì cửu vạn đa phần chỉ dựa vào sức khỏe để kiểm sống.

Thế nhưng, không chỉ cần mỗi sức khỏe, để làm ăn tốt, cửu vạn còn phải có... uy tín với các chủ hàng. Một cửu vạn nếu không có người quen giới thiệu thì phải đặt cọc, trong trường hợp để mất hàng sẽ bị mất tiền công và mất luôn khoản đặt cọc này. Bởi vậy, cửu vạn bây giờ chống trả rất quyết liệt mỗi khi bị lực lượng chức năng phát hiện, thu giữ.

1 cửa hàng bày bán túi xách ở Quảng Châu

Đức, một cửu vạn lâu năm quê Cao Lộc (Lạng Sơn) cho biết, nghề cửu vạn tuy không nhàn như “chim lợn” nhưng tiền kiếm được cũng không phải là ít, nhất là những dịp cuối năm, hàng hóa nhiều thì làm ăn càng khấm khá. “Thực ra không chỉ cuối năm mới nhiều hàng, anh qua Lũng Vài rồi thì biết, hàng lúc nào cũng chật kín ở bên kia biên giới, không có tụi này thì có mà về (Việt Nam) bằng mắt à”, Đức tự tin cho biết.  

Theo quan sát của PV, ngay sau khi hàng về Việt Nam, đám cửu vạn nhanh chóng dỡ hàng đưa xuống các kho, chính là những căn nhà ngay tại chân đồi. Từ đây hàng sẽ được buộc vào xe rồi chỉ trong tích tắc, cánh cửa chính tòa nhà sẽ được mở ra để các cửu bay phóng vút đi, hòa vào phi đội vận chuyển đang rồng rắn nhau kéo về phía thị trấn rồi lại đóng vào ngay, như không có gì.

Chương phân tích kỹ hơn về “nghề” “chim lợn” và cửu vạn cho chúng tôi. Mỗi khi khách buôn từ các nơi về đây, sẽ có “chim lợn” dẫn qua bên kia biên giới, đến chợ Lũng Vài mua bán thoải mái. Sau đó, chính “chim lợn” sẽ mồi chài, mời mọc những chủ hàng này sử dụng dịch vụ vận chuyển của họ. Sau khi thỏa thuận xong xuôi, đám cửu vạn mới có việc để làm, nghĩa là lao vào để mang hàng về thị trấn Đồng Đăng rồi cho người chở đi đến các địa điểm mà khách yêu cầu. Theo lời Chương, chỉ trừ tiền giả, thuốc phiện, pháo và người là không vận chuyển, còn bất kể hàng hóa gì đội ngũ này cũng đảm đương được hết. Chương còn đảm bảo, hàng sẽ được giao rất đúng hẹn, vì đằng sau đội ngũ “chim lợn” sẽ có những ông trùm, bà chủ nắm giữ các đường dây, những người này sẽ lo tất cả, kể cả việc “xin” lại hàng nếu bị cơ quan chức năng bắt giữ.

Từ cửa khẩu Tân Thanh về Đồng Đăng, theo quan sát của chúng tôi, hàng toán xe máy chở những kiện hàng lớn được gói gém kỹ lưỡng chạy với tốc độ kinh hoàng. Mặc kệ tiết trời buốt giá cùng con đường mưa ướt trơn trượt, những tài xế cứ mải miết rú ga, lạng lách với tốc độ chóng mặt. Cứ tốp này đến tốp khác, đám cửu bay cứ như mọc từ dưới đất lên, phóng xe bạt mạng để khi lực lượng chống buôn lậu có phát hiện cũng trở tay không kịp.

Theo như tìm hiểu, những tay lái cự phách ấy được gọi là “cửu bay”. “Cửu bay” khác cửu vạn và “chim lợn” nhưng cũng có chung mục đích tiếp tay buôn lâuh. Theo như lời “chim lợn” Chương chia sẻ, thì “cửu bay” ở Đồng Đăng chia làm 2 nhóm, nhóm gồm dân bản xứ và nhóm ngụ cư. Những người bản xứ chủ yếu là người Nùng, Tày ở các bản làng dọc biên giới, nhiều nhất là ở xã Tân Mỹ. Nhóm ngụ cư thường là dân tứ xứ từ các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên kéo đến.

Họ sống trong những ngôi nhà tạm ở ngoài rìa thị trấn, ngày cũng như đêm thay nhau làm việc. Vào những ngày này, số lượng cửu bay tăng lên đáng kể bởi nhu cầu vận chuyển hàng đợt cuối năm trở lên nóng hơn bao giờ hết. Nhóm ngụ cư, mặc dù từ nơi khác đến nhưng cậy đông nên được cho là hung hãn không kém nhóm bản xứ. Chính vì vậy tranh chấp lãnh thổ dẫn đến đổ máu là điều cơm bữa ở nơi biên ải lạnh giá này.

Từ biên giới Lạng Sơn, hàng lậu sẽ được các cửu vạn, “cửu bay” rồng rắn tuồn về Hà Nội và các tỉnh bằng hàng trăm hình thức khác nhau. Đây cũng chính là những công đoạn cuối cùng của một hành trình buôn lậu. Trong bài tiếp theo, chúng tôi sẽ điểm mặt chỉ tên những “Quảng Châu” thu nhỏ ở Việt Nam. (Còn nữa).


Nhóm phóng viên - CTV Pháp luật

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang