Chính phủ giao hàng loạt nhiệm vụ cho các bộ, ngành nhằm thúc đẩy tăng trưởng 2018

authorThái Đạt 06:00 31/03/2018

(VietQ.vn) - Tăng trưởng GDP của quý I đạt 7,38%, tăng 5,15% so với cùng kỳ 2017. Tuy nhiên, vẫn còn những mặt tồn tại, hạn chế, những “điểm nghẽn” cần phải khắc phục nhằm duy trì đà tăng trưởng của từng quý và cả năm 2018.

Sự kiện: Thời sự

Chủ trì và phát biểu tại Hội nghị về thúc đẩy sản xuất và tăng trưởng năm 2018, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nêu rõ, năm 2018 là năm bản lề, do đó việc bảo đảm thực hiện các mục tiêu tăng trưởng có ý nghĩa quyết định đến việc thực hiện thành công các Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020.

Theo Phó Thủ tướng, với những nỗ lực vượt bậc, kết quả phát triển kinh tế quý I/2018 là hết sức khả quan cùng những điểm sáng tăng trưởng trong công nghiệp, du lịch, dịch vụ, xuất khẩu,... Khu vực công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn được đánh giá là động lực tăng trưởng quan trọng, có khả năng dẫn dắt trong các lĩnh vực mũi nhọn.

Tăng trưởng GDP của quý I đạt 7,38% (cùng kỳ 2017 tăng 5,15%), trong đó cả 3 khu vực kinh tế lớn đều có sự tăng trưởng và đóng góp vào mức tăng trưởng chung. “Qua báo cáo kết quả của các ngành, lĩnh vực trọng điểm của nền kinh tế, có thể nói chúng ta đang có những bước đi đúng hướng, đi vào những giá trị cốt lõi và bền vững của phát triển”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Chính phủ giao hàng loạt nhiệm vụ cho các bộ, ngành nhằm thúc đẩy tăng trưởng

Lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo được đánh giá là động lực tăng trưởng quan trọng. Ảnh minh họa 

Tuy nhiên, vẫn còn những mặt tồn tại, hạn chế, những “điểm nghẽn” cần phải khắc phục. Trong đó, đáng chú ý là những khó khăn về cơ chế, chính sách, môi trường đầu tư kinh doanh; năng suất lao động còn thấp; năng lực cạnh tranh còn thấp. Rủi ro thị trường, chi phí đầu vào tăng cao, các rào cản thuế quan, thương mại, hàng rào kỹ thuật ngày càng khó khăn… Do đó, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quý II cũng như các tháng còn lại trong năm 2018, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã nêu hàng loạt nhiệm vụ đối với các bộ, ngành, địa phương. Theo đó:

Bộ Công Thương được giao chỉ tiêu phấn đấu tốc độ tăng GDP trong công nghiệp năm 2018 đạt 7,3-7,65%; chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2018 (IIP) đạt mức 9-10,8%, trong đó, IIP ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 12,5-14,5%, sản xuất và phân phối điện bảo đảm cung ứng đủ điện cho sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của nhân dân.

Chỉ tiêu tăng GDP ngành dịch vụ năm 2018 đạt mức 7,4%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng trên 10%.

Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt khoảng 475,5 tỷ USD, tăng 11,8% so với năm 2017, trong đó: Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 235,5 tỷ USD, tăng 10%; tổng kim ngạch nhập khẩu đạt khoảng 240 tỷ USD, tăng 13,7%. Nhập siêu khoảng 4,5 tỷ USD, bằng khoảng 1,9% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Với Bộ NN&PTNT, phấn đấu năm 2018, có ít nhất 52 huyện và 37% xã đạt chuẩn nông thôn mới; tốc độ tăng trưởng GDP của khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt khoảng 3,05%, kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 40 tỷ USD.

Bộ Xây dựng được giao phấn đấu tăng GDP xây dựng năm 2018 đạt mức 9,21%.

Bộ Giao thông Vận tải phải đẩy nhanh tiến độ xây dựng và sớm đưa vào hoạt động một số dự án giao thông trọng điểm và bảo đảm chất lượng đặc biệt; tăng cường kiểm tra hoạt động kinh doanh vận tải, kiểm soát và xử lý nghiêm vi phạm tải trọng phương tiện, bảo đảm trật tự an toàn giao thông…

Với Bộ VHTT&DL, từng bước phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đạt khoảng 15 triệu lượt khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Chính phủ giao nhiệm vụ tăng trưởng GDP của khu vực dịch vụ đạt từ 7,4% trở lên.

Bộ Khoa học và Công nghệ cần đẩy nhanh hoạt động cấp chứng nhận bảo hộ sở hữu trí tuệ, khuyến khích đổi mới sáng tạo; thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo quốc gia; triển khai các hoạt động phát triển thị trường khoa học công nghệ, trong đó chú trọng xúc tiến chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp trong nước từ các nước tiên tiến trên thế giới.

Bộ TT&TT chủ trì, phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền thông thông tin kịp thời các chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ khuyến khích phát triển doanh nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư, sản xuất kinh doanh.

Các địa phương cần chủ động nắm chắc tình hình sản xuất của doanh nghiệp, thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn trong hoạt động đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh; thực hiện cải cách hành chính mạnh mẽ, đơn giản hóa về điều kiện đầu tư kinh doanh theo quy định của pháp luật và chỉ đạo của Chính phủ.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được giao nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá chủ động hiệu quả và phối hợp đồng bộ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác bảo đảm mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng…

Bộ KH&ĐT phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong quá trình triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật; tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý đấu thầu, có biện pháp cụ thể để khắc phục tình trạng tiêu cực trong đấu thầu. Đẩy mạnh triển khai thực hiện đấu thầu qua mạng.

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang