Chính phủ giao nhiệm vụ ‘đặc biệt quan trọng’ cho ngành than-khoáng sản

author 11:37 11/01/2020

(VietQ.vn) - Ngành than (trong đó Tập đoàn Than-Khoáng sản là đơn vị chủ lực) phải đáp ứng đủ than cho phát triển kinh tế-xã hội

“Đất nước ta đang từng bước đẩy mạnh công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Do đó, yêu cầu phải bảo đảm năng lượng cho sự phát triển của đất nước là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Ngành than (trong đó Tập đoàn Than-Khoáng sản là đơn vị chủ lực) phải đáp ứng đủ than cho phát triển kinh tế-xã hội”.

Đây là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020 của Tập đoàn Than-Khoáng sản (TKV) diễn ra sáng nay (10/1).

Hoàn thành nhiệm vụ ở mức cao nhất

Năm 2019, Tập đoàn Than-Khoáng sản tăng trưởng tốt ở sản phẩm chủ lực là than, đáp ứng nhu cầu sử dụng của các hộ tiêu thụ lớn, đặc biệt là cho sản xuất điện.

Cụ thể, than nguyên khai đạt 40,5 triệu tấn, đạt 101% so với kế hoạch. Than tiêu thụ 44,02 triệu tấn, bằng 105% kế hoạch. Trong đó, tiêu thụ than trong nước đạt 42,95 triệu tấn, bằng 108% thực hiện 2018. Riêng than tiêu thụ cho điện đạt 36,06 triệu tấn, tăng 6,8 triệu tấn so về số tuyệt đối và 24% về số tương đối so với với thực hiện 2018.

 Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Than nhập khẩu 6,5 triệu tấn, đạt 141% so với kế hoạch tăng 5,7 triệu tấn so với cùng kỳ 2018.

Sản xuất alumin vượt công suất thiết kế. Cả 2 nhà máy Tân Rai, Nhân Cơ đều vượt 5% công suất thiết kế. Sản xuất đạt 1,36 triệu tấn, tiêu thụ đạt 1,39 triệu tấn, vượt kế hoạch 7%.

Sản xuất, tiêu thụ các loại khoáng sản khác đạt khá. Sản xuất điện có đóng góp tích cực trong việc đáp ứng đủ điện cho sản xuất và tiêu dùng. Các lĩnh vực sản xuất khác như sản xuất vật liệu nổ công nghiệp; sản xuất cơ khí… và các lĩnh vực thăm dò, khảo sát khoáng sản được bảo đảm.

Tổng doanh thu TKV đạt 131,5 ngàn tỷ đồng, tăng 9% so năm 2018. Nộp Ngân sách nhà nước 18,1 ngàn tỷ đồng, tăng 1,5 ngàn tỷ đồng so với thực hiện năm 2018. Lợi nhuận toàn Tập đoàn đạt trên 4.000 tỷ đồng, tăng 1.000 tỷ đồng so với kế hoạch…

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhìn nhận, các chỉ tiêu tài chính của Tập đoàn trong năm 2019 đều vượt kế hoạch. Công tác tái cơ cấu được triển khai quyết liệt và có hiệu quả rõ rệt, Chính phủ đánh giá là đơn vị thực hiện có hiệu quả nhất trong các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

“Tuy phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với khát vọng và nhiệt huyết, với truyền thống đoàn kết vượt mọi khó khăn, thách thức của người thợ mỏ, tập thể lãnh đạo, chuyên gia, cán bộ, công nhân viên, người lao động Tập đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam đã hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, góp phần quan trọng vào thành tựu phát triển chung của đất nước. TKV và các đơn vị thành viên đã hoàn thành rất tốt các chỉ tiêu đề ra, trong đó đạt cao nhất từ năm 2012 trở lại đây về các chỉ tiêu doanh thu, sản lượng, thu nhập người lao động và nộp ngân sách Nhà nước.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, tôi ghi nhận, đánh rất giá cao và biểu dương tập thể lãnh đạo, đội ngũ cán bộ, chuyên gia, người lao động Tập đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam”, Phó Thủ tướng biểu dương.

Thách thức lớn, nhiệm vụ nặng nề

Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Thủ tướng cũng chỉ ra những hạn chế còn tồn tại của TKV, đặc biệt là trong bối cảnh nhu cầu cầu thị trường tiêu thụ than, khoáng sản trong nước tiếp tục tăng cao, nhất là nhu cầu than cho sản xuất điện. Trong khi đó, năng lực sản xuất than của các mỏ hiện nay đã đến giới hạn; điều kiện khai thác mỏ, nhất là than ngày càng khó khăn hơn do tài nguyên xuống sâu hơn; chất lượng than trong nước chưa đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật của các nhà máy nhiệt điện sử dụng công nghệ mới.

Công tác đầu tư chưa đạt kế hoạch đề ra, một số dự án lớn chưa thực hiện được, việc điều chỉnh một số dự án mỏ còn chậm. Giá thành sản phẩm còn cao do các nguyên nhân chủ quan như: Hạn chế về khoa học công nghệ, quản lý...

Một số chính sách của Nhà nước liên quan đến công tác tái cơ cấu, quản trị doanh nghiệp chưa được điều chỉnh kịp thời... ảnh hưởng đến cơ cấu sản xuất, tiêu thụ và việc làm của người lao động; giá một số sản phẩm kim loại màu giảm mạnh do cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung kéo dài. Công tác an toàn lao động vẫn là thách thức lớn.

“Trong khi đó, dự báo tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Tăng trưởng kinh tế, thương mại quốc tế tiếp tục xu hướng giảm; chiến tranh thương mại, bảo hộ mậu dịch tiếp tục gia tăng; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn và xung đột ở nhiều nơi diễn biến phức tạp; các thách thức an ninh truyền thống, phi truyền thống, nhất là thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, an toàn thông tin, an ninh mạng… ngày càng gia tăng; thiên tai tiếp tục diễn biến phức tạp, khó dự báo, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của Tập đoàn. Tình hình trên cùng với những tồn tại, hạn chế của ngành than đã đặt ra cho Tập đoàn Than-Khoáng sản những nhiệm vụ hết sức nặng nề”, Phó Thủ tướng nhận định.

Nhấn mạnh năm 2020 là năm bản lề với nhiều sự kiện trọng đại của đất nước, Phó Thủ tướng giao 8 nhiệm vụ cho TKV.

Phó Thủ tướng yêu cầu triển khai có hiệu quả toàn bộ các hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn, bảo đảm được kế hoạch năm 2020 đề ra được. Đặc biệt, tập trung sản xuất đáp ứng theo nhu cầu thị trường, nhất là thị trường than, góp phần bảo đảm nhu cầu năng lượng cho phát triển kinh tế.

Nhiệm vụ thứ hai là đẩy mạnh công tác tái cơ cấu doanh nghiệp. Tiếp tục rà soát lại các ngành nghề, sản phẩm của Tập đoàn để tái cơ cấu phù hợp. Tái cơ cấu về đầu tư (trên cơ sở xác định các sản phẩm chính của Tập đoàn gồm: Than, điện, các sản phẩm khoáng sản khác). Tái cơ cấu về quản trị doanh nghiệp. Tái cơ cấu về nhân lực gắn với đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Trên cơ sở đó, xây dựng chiến lược phát triển Tập đoàn giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn 2045.

Ba là, tiếp tục đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh của Tập đoàn. Cần coi khoa học công nghệ là chìa khoá để nâng cao năng suất lao động, tăng hiệu quả của doanh nghiệp và tăng hệ số an toàn trong quá trình lao động sản xuất.

Bốn là, chú trọng đầu tư mở rộng sản xuất. Trong đó, tập trung vốn đầu tư cho các dự án mỏ hầm lò mới; các dự án khai thác, chế biến khoáng sản khác. Cải tạo, nâng cấp các mỏ hiện có để tăng sản lượng than bảo đảm nhu cầu than cho nền kinh tế theo Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (đặc biệt là than cho sản xuất điện). Chế biến sâu các loại khoáng sản, nâng cao năng suất, chất lượng, giá thành sản phẩm khoáng sản, sản phẩm chế biến từ khoáng sản.

Năm là, tập trung nguồn lực để tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm đang chậm tiến độ.

Sáu là, tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ, quyết liệt về công tác an toàn lao động, hạn chế đến mức thấp nhất các vụ tai nạn và sự cố lớn.

“Đây là nhiệm vụ quan trọng, tuyệt đối không được chủ quan, đặc biệt tại các khu vực hầm lò khai thác sâu, công nghệ cũ, lạc hậu, các bãi thải, khai trường lộ thiên, các khu vực thường xảy ra thiên tai…”, Phó Thủ tướng dặn dò.

Bảy là, làm tốt công tác bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất kinh doanh. Trong đó, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu TKV phải là đơn vị đi đầu, ưu tiên nguồn lực, triển khai các biện pháp hiệu quả bảo vệ môi trường.

Cuối cùng, Phó Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo TKV phải chú trọng quan tâm đến đời sống, việc làm của người lao động; thực hiện tốt các chương trình, chính sách an sinh xã hội.

“Trước mắt, trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý, yêu cầu Tập đoàn quan tâm, chăm lo tốt đời sống cán bộ, công nhân viên, đặc biệt là công nhân trực tiếp khai thác hầm lò, bảo đảm người lao động có một cái Tết đầm ấm; thăm hỏi, hỗ trợ người dân địa phương vùng dự án; chú trọng cải thiện điều kiện làm việc, đặc biệt là phát triển nhà ở xã hội. Đề nghị các địa phương tiếp tục quan tâm hơn nữa, hỗ trợ phát triển các công trình hạ tầng thiết yếu, bảo đảm sự phát triển hài hòa trên địa bàn”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia hướng đến xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo vững mạnh(VietQ.vn) - Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) được kỳ vọng là đòn bẩy cho phát triển và kết nối các startup, hướng đến xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo vững mạnh.

Đối với một số kiến nghị của TKV, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; các Bộ: Công Thương, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư và bộ, ngành, địa phương liên quan giải quyết trong thẩm quyền của mình. Những vấn đề vượt thẩm quyền, yêu cầu báo cáo để Thủ tướng Chính phủ xem xét, tạo điều kiện cho Tập đoàn hoàn thành nhiệm vụ năm 2020 và phát triển ổn định, bền vững.

 Theo Báo Chính phủ

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang