Chính phủ quyết định thí điểm thành lập Ban Quản lý An toàn thực phẩm tại Đà Nẵng

author 07:37 29/08/2017

(VietQ.vn) - Thủ tướng Chính phủ quyết định thí điểm thành lập Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố Đà Nẵng.

Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định thí điểm thành lập Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố Đà Nẵng. Theo quyết định, Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố Đà Nẵng là cơ quan thuộc UBND thành phố Đà Nẵng.

Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố thực hiện chức năng giúp UBND thành phố tổ chức thực thi pháp luật và thực hiện chức năng, thẩm quyền của thanh tra chuyên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Ban Quản lý có Trưởng ban và không quá 03 Phó Trưởng ban. Cơ cấu tổ chức của Ban Quản lý gồm: 3 phòng chuyên môn; 5 Đội nghiệp vụ và 1 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc là Trung tâm Kiểm nghiệm thực phẩm. Thời gian thực hiện thí điểm thành lập Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP Đà Nẵng 3 năm kể từ ngày 25/8/2017.

Thời gian qua, mặc dù được các ngành chức năng vào cuộc rất quyết liệt, tăng cường thanh tra, kiểm tra, tuyên truyền về an toàn thực phẩm cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống và người tiêu dùng, tuy nhiên thực tế tình hình vệ sinh an toàn thực phẩm tại Đà Nẵng vẫn diễn ra hết sức phức tạp và có xu hướng gia tăng về số lượng cũng như quy mô.

Theo thống kê của Sở Y tế TP. Đà  Nẵng, trong năm 2016 và quý I/2017, địa phương chỉ xảy ra một vụ ngộ độc thực phẩm với 5 người mắc. Đó là vụ việc 17 du khách đến từ 2 đoàn Hà Nội và Vũng Tàu phải nhập viện điều trị vì ngộ độc thực phẩm do ăn phải thực phẩm có chứa vi khuẩn E.coli vượt mức cho phép vào ngày 14/5, tại địa chỉ quán ăn 253 Hồ Nghinh, quận Sơn Trà (Đà Nẵng). Tuy nhiên, việc kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm vẫn đang là vấn đề khó khăn và nhiều thách thức đối với địa phương.

Đoàn thanh tra Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Đà Nẵng kiểm tra một bếp ăn tập thể Ảnh: Thanh Niên 

Việc làm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong trồng trọt, sử dụng chất cấm, chất bảo quản, phụ gia có thành phần không cho phép trong sản xuất, chế biến thực phẩm, trong chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản làm tăng nguy cơ thực phẩm bị nhiễm bẩn ngày càng tăng. Quy trình sản xuất, chế biến, giết mổ không đảm bảo vệ sinh, không tuân thủ theo đúng quy định. Nhiều loại thịt gia súc, gia cầm bán trên thị trường không qua kiểm duyệt của cơ quan Thú y.

Chưa kể, ngày càng có nhiều thực phẩm ở nước ngoài nhập về thành phố với nhiều chủng loại, đa dạng về mẫu mã; việc kiểm soát chất lượng, nguồn gốc thực phẩm tươi sống như: rau, quả, củ, thịt, gia súc, gia cầm ở các tỉnh, thành khác nhập vào TP. Đà Nẵng ngày càng nhiều khiến cho công tác quản lý, kiểm soát gặp nhiều khó khăn, bất cập dù cơ quan chức năng đã rất quyết tâm vào cuộc.

Theo Sở Công thương TP. Đà Nẵng, địa phương hiện đang có 70 chợ truyền thống với hơn 7.600 hộ chế biến, kinh doanh thực phẩm trong các chợ. Mỗi năm, TP. Đà Nẵng tiêu thụ khoảng 140.000 tấn rau, củ, quả; 45.912 tấn thịt gia súc, gia cầm; sản lượng thủy sản nước ngọt nuôi trồng tại địa phương khoảng 1.000 tấn, lượng thủy sản đánh bắt nhập vào cảng cá khoảng 80.000 tấn. Đồng thời, với một lượng lớn thực phẩm được đóng bao, gói sẵn đi vào Đà Nẵng bằng nhiều con đường khác nhau với nhiều chủng loại, mẫu mã đa dạng, phong phú.

Trong số này, phần lớn được đưa đến tiêu thụ tại 70 chợ truyền thống, bên cạnh các trung tâm thương mại, siêu thị lớn, nhỏ phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân và du khách tham quan mua sắm...

Phó Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Đình Phúc cho rằng, một trong những vấn đề cần phải làm để góp phần kiểm soát tốt ATVSTP chính là xây dựng chợ văn minh, thương mại, bảo đảm các tiêu chí về ATVSTP.

Ông Đặng Việt Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy đề nghị các quận, huyện trong thời gian tới cần tập trung thực hiện tốt hơn nữa những nhiệm vụ về ATVSTP, đẩy mạnh triển khai Quyết định 35 của UBND nghiêm túc, hiệu quả. Sớm bổ sung kinh phí xây dựng chợ ATVSTP, đồng thời chỉ đạo quyết liệt hơn nữa đối với tuyến dưới trong việc thực hiện nhiệm vụ quan trọng này.

Lãnh đạo thành phố cũng yêu cầu các cấp, ngành đẩy mạnh công tác thanh kiểm tra, ngăn chặn kịp thời các vi phạm pháp luật về ATVSTP. Tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc - gia cầm, kiểm tra vệ sinh thú y tại các cơ sở giết mổ trên địa bàn thành phố, giám sát dán tem vệ sinh thú y sản phẩm động vật lạnh nhập khẩu vào thành phố...

 Phong Lâm (T/h)

Vi phạm quy định về giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP phạt mức nào?(VietQ.vn) - Các cơ sở kinh doanh sản xuất liên quan đến thực phẩm đều phải xin cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang