Chính phủ sẽ có báo cáo riêng về tình hình Biển Đông

author 08:47 21/05/2015

Theo ĐBQH Lê Như Tiến, các Đại biểu Quốc hội đã yêu cầu Chính phủ có báo cáo kỹ hơn về vấn đề Biển Đông, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã nhất trí, tiếp thu ý kiến và đưa vào chương trình kỳ họp.

Trước những thắc mắc của phóng viên báo chí xung quanh nội dung báo cáo của Chính phủ về tình hình Biển Đông tại buổi khai mạc Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII, ĐBQH Lê Như Tiến cho biết: “Báo cáo của Chính phủ chưa đậm đà và chưa làm thoả mãn được nguyện vọng của cử tri và đại biểu Quốc hội. Vì vậy các vị đại biểu Quốc hội đã lên tiếng đòi hỏi Chính phủ phải có một báo cáo đầy đặn về Biển Đông trước Quốc hội để đại biểu thấy được tình hình thực tế và thể hiện được ý chí của mình trên diễn đàn Quốc hội. Và thông qua báo cáo đại biểu cũng hiểu được thực tế để báo cáo lại cử tri khi đi tiếp xúc báo cáo lại kết quả kỳ họp. Khi thảo luận ở phiên trù bị, Chủ tịch Quốc hội đã nhất trí tiếp thu ý kiến của các Đại biểu Quốc hội sẽ đưa báo cáo kỹ về vấn đề Biển Đông vào chương trình kỳ họp”.

Bên cạnh đó, đối với vấn đề báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế xã hội cũng được ĐBQH Lê Như Tiến chia sẻ những đánh giá của mình.

Đại biểu QH Lê Như Tiến cho biết: “Báo cáo sáng nay là tóm tắt, là báo cáo bổ sung. Báo cáo chính là cuối năm vừa rồi. Báo cáo bổ sung đánh giá lại những tháng cuối năm 2014 và đầu năm 2015. Báo cáo của Chính phủ cũng đã khá kỹ, nhất là phần kinh tế, các giải pháp về kinh tế nhưng vẫn còn tồn tại lâu nay, phần về xã hội, văn hoá vẫn còn mờ”.

Đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến trả lời báo chí

ĐBQH Lê Như Tiến nhấn mạnh: “Về phòng chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm, cũng như nhiều đại biểu khác tôi thấy chưa thoả mãn. Nói về thực tiễn nhưng phải chỉ rõ được nguyên nhân. Nguyên nhân nào phòng chống tham nhũng vẫn chưa đạt yêu cầu như mong muốn”. 

Ông Tiến nói thêm: “Đã tìm ra nguyên nhân thì hệ thống giải pháp từ nay về sau như thế nào? Trách nhiệm của người đứng đầu. Chúng ta có bộ máy là cơ quan phòng chống tham nhũng từ Trung ương đến địa phương. Chúng ta cũng có bộ máy pháp lý là Luật phòng chống tham nhũng. Nghĩa là căn cứ pháp lý và tổ chức bộ máy không thiếu, cơ quan bảo vệ pháp luật đều vào cuộc nhưng tại sao lại chưa bứt phá lên được?”

Ông chia sẻ: “Có cái gì là nguyên nhân ở đây? Trách nhiệm người đứng đầu, gương mẫu từ trên, cơ quan bảo vệ pháp luật vào cuộc quyết liệt. Những giải pháp ấy lẽ ra phải đậm đà hơn”.

Tổng hợp kết quả thực hiện cả năm, Chính phủ báo cáo Quốc hội bổ sung tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2014. Cụ thể như sau: tính cả năm 2014, trong 14 chỉ tiêu chủ yếu, có 13 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, một chỉ tiêu xấp xỉ đạt kế hoạch (là tỷ lệ lao động qua đào tạo).

Cũng trong năm 2014, tăng trưởng GDP đạt 5,98%, vượt mục tiêu đề ra và cao nhất kể từ năm 2011; chỉ số giá tiêu dùng tăng 1,84%, thấp nhất trong nhiều năm qua. Kim ngạch xuất khẩu tăng 13,7%; cán cân thương mại thặng dư năm thứ ba liên tiếp, xuất siêu 2,1 tỷ USD. An sinh xã hội được bảo đảm, tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,83%, riêng các huyện nghèo giảm 5,61%. Tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí, lần đầu tiên sau nhiều năm số người chết giảm xuống dưới 9.000 người. Quốc phòng, an ninh được tăng cường, chủ quyền quốc gia được giữ vững. An ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm. Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế đạt nhiều kết quả tích cực.

(Trích Báo cáo của Chính phủ tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII)

Theo Infonet


 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang