Thủ tướng yêu cầu kiểm tra, xử lý thông tin chậm đơn giản hóa điều kiện kinh doanh

author 06:27 04/05/2019

(VietQ.vn) - Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu kiểm tra, xử lý thông tin báo chí nêu về chậm đơn giản hóa điều kiện kinh doanh.

Trước đó, vào ngày 19/4/2019, báo Đấu thầu có nêu thông tin: "Cắt giảm rào cản cho doanh nghiệp chưa có bước tiến mới so với cuối năm 2018, từ đầu năm đến nay, các bộ, ngành gần như chưa làm gì. Báo cáo thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP vẫn chú trọng thành tích hơn là tiếp tục nỗ lực thực hiện cắt giảm rào cản kinh doanh. Số ít bộ tiếp tục rà soát cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh nhưng chậm so với kế hoạch".

Về các phản ánh nói trên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Văn phòng Chính phủ kiểm tra, đề xuất biện pháp xử lý, đôn đốc.

Trước đó, theo nhận định từ Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương – CIEM, thời điểm gần hết tháng 4/2019, một số bộ, ngành vẫn chưa công bố tài liệu hướng dẫn để thực hiện trách nhiệm cắt giảm các chỉ số liên quan đến môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh của Việt Nam theo Nghị quyết 02/2019/NQ-CP. Công cuộc cải cách môi trường kinh doanh phải được thêm lửa.

Cụ thể, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - CIEM) cho biết, trong 3 tháng thực hiện Nghị quyết 02/NQ-CP về tiếp tục các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019, định hướng đến năm 2021, số văn bản được ban hành theo yêu cầu của Nghị quyết rất ít.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu kiểm tra, xử lý thông tin báo chí nêu về chậm đơn giản hóa điều kiện kinh doanh. Ảnh minh họa 

Thậm chí, đến thời điểm gần hết tháng 4/2019, nhiều bộ, ngành như Giáo dục và Đào tạo, Văn hóa - Thể Thao và Du lịch, Lao động - Thương binh và Xã hội, Tài nguyên và Môi trường… vẫn chưa ban hành tài liệu hướng dẫn việc thực hiện cắt giảm các chỉ số liên quan đến môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh quốc gia trên các bảng xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), Ngân hàng Thế giới (WB).

Trong khi đó, tính toán của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy một thực trạng đáng băn khoăn là hiện nay, thời gian làm thủ tục giao dịch thương mại qua biên giới ở Việt Nam gấp 2 lần của Thái Lan, 3 lần của Malaysia và lâu hơn nhiều so với Singapore. Chi phí nhập khẩu mà các doanh nghiệp phải thực hiện ở các cửa khẩu của Việt Nam cũng cao hơn 2 lần so với Thái Lan, Malaysia và Singapore...

Không những thế, việc cắt bỏ, sửa đổi điều kiện kinh doanh trong phạm vi các luật mới được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra trong Dự thảo sửa đổi Luật Đầu tư trên cơ sở đề xuất của các bộ, ngành, chưa có rà soát tổng thể. Ngay cả ở cấp nghị định, một số nghị định sửa riêng từng nghị định đã được đưa ra lấy ý kiến từ năm ngoái, nhưng đến nay vẫn khá im ắng.

Riêng Nghị định sửa đổi Nghị định 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô được nhắc đến liên tục lại vẫn đang lúng túng quanh tư duy quản hay mở với mô hình kinh doanh mới…

“Hầu hết các bộ chưa đánh giá về mức độ chuyển biến thực chất và hiệu quả thực thi các cải cách này. Các kế hoạch tiếp tục rà soát, cắt giảm điều kiện kinh doanh cũng chưa được các bộ, ngành đưa ra, trừ Bộ Công Thương, dù mới dừng lại ở kế hoạch”, bà Thảo nói.

Cũng theo bà Thảo, các nghiên cứu của CIEM cho thấy, đà phục hồi tăng trưởng trong những năm qua có một phần quan trọng từ những cải cách thể chế kinh tế nói chung và môi trường kinh doanh nói riêng.

“Chúng tôi đã nghiên cứu theo cơ sở dữ liệu Chỉ số Quản trị toàn cầu của WB, tốc độ tăng năng suất yếu tố tổng hợp (TFP) được cải thiện đáng kể nhờ cải cách thể chế kinh tế. Chẳng hạn, nếu chất lượng văn bản quy phạm pháp luật tăng 1%, thì tốc độ tăng TFP có thể tăng thêm 1,37 điểm phần trăm”, ông Nguyễn Ánh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp (CIEM) nói.

Đây cũng là lý do các chuyên gia nghiên cứu luôn đòi hỏi Chính phủ nhấn mạnh yêu cầu về cải thiện môi trường kinh doanh, nhất là khi Nghị quyết 02/NQ-CP đã đặt ra hàng loạt nhiệm vụ với trách nhiệm cụ thể cho từng bộ, ngành và địa phương.

Về tình hình và kết quả cải cách công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành và kết nối Cổng thông tin một cửa quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, nhìn chung trong quý 1/2019, công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu chưa có chuyển biến, cải cách nào đáng kể.

Vấn đề đáng ngại khác cũng được Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ ra là, trong khi một số điều kiện kinh doanh được gỡ bỏ chưa thực sự tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thì rào cản mới lại xuất hiện.

Chẳng hạn như Thông tư số 21/2017/TT-BCT ngày 23/10/2017 của Bộ Công Thương ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về mức giới hạn hàm lượng formaldehyde và các amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo trong sản phẩm dệt may (có hiệu lực từ ngày 1/5/2018, sau đó lùi hiệu lực thi hành đến ngày 1/1/2019) đã và đang tiếp tục gây khó khăn, tốn kém thời gian và chi phí cho doanh nghiệp…

Bảo Lâm

Năm 2019: Tiếp tục giải quyết ‘bài toán’ về điều kiện kinh doanh và kiểm tra chuyên ngành(VietQ.vn) - Triển khai Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã xác định vấn đề trọng tâm nhằm tiếp tục bãi bỏ, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh và cải cách toàn diện công tác kiểm tra chuyên ngành.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang