"Chinh phục đỉnh Phú Sĩ": Bươn chải xứ người

author 08:58 08/10/2012

(VietQ.vn) - Cuộc sống khó khăn cơ cực, bữa đói bữa no, ông phải đi bắt kỳ nhông, đào vỏ đạn để kiếm sống. Quá bí bách với tình cảnh gia đình, mong muốn thay đổi số phận, ông trốn nhà tìm cách vượt biển sang nước ngoài lập nghiệp...

Bài 2: Bươn chải xứ người

“Tôi sẵn sàng chia sẻ những bí quyết cuộc sống và sự nghiệp kinh doanh của mình với hi vọng các thế hệ sau này có thể tham khảo, rút kinh nghiệm từ những bài học của tôi để tiến nhanh hơn và xa hơn trên con đường lập nghiệp, làm giàu cho bản thân, gia đình và đất nước” (doanh nhân Ngô Hùng Lâm).

Bắt kì nhông, đào vỏ đạn… đến vượt biển

Doanh nhân Ngô Hùng Lâm và một trong những siêu thị của hoa của ông tại Nhật.<br>
Doanh nhân Ngô Hùng Lâm và một trong những siêu thị của hoa của ông tại Nhật Bản

Sinh ra tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tuổi thơ gắn liền với cuộc kháng chiến chống Mỹ. Nhà nghèo, cuộc sống khó khăn cơ cực, nên dù là con thứ 3, Ngô Hùng Lâm đã trở thành trụ cột của gia đình từ rất sớm. Ông theo mẹ làm thuê, làm mướn đủ nghề, cắt cỏ, chăn trâu... đến bắt kỳ nhông, đào vỏ đạn. Hồi đi đào vỏ đạn, ông kể: công việc không chỉ vất vả mà còn vô cùng nguy hiểm, vì phải trèo lên trên ngọn đồi rồi đào sâu xuống khoảng 4 - 5 mét mới tới được chỗ có vỏ đạn. Nếu đào từ hai bên vào, cát và đất sẽ sạt xuống. Có lần anh trai ông đang mải tìm xác đạn ở dưới sâu, không để ý, thế là chỉ trong giây lát, tất cả đất cát từ hai bên miệng hố đổ ập lên người, nhấn chìm anh dưới hố sâu.

“Nước mắt, máu và cát hoà với tiếng gào thét thảm thiết, hỗn loạn trong cát bụi mịt mù. Những người gần đấy nghe tiếng kêu gào cũng lập tức đến

"Những tháng năm vất vả thời thơ ấu đã dạy cho tôi rằng: khó khăn không phải là để chúng ta gục ngã, mà chính là thử thách để trui rèn, giúp ta thêm mạnh mẽ, vững vàng.

Nếu cứ ngồi một chỗ mà chờ sẽ chẳng có ai đem bất cứ thứ gì đến cho mình. Muốn một cái gì đó thì phải tự cố gắng và nỗ lực để có được nó.

Hãy nuôi dưỡng cho mình một ước mơ cháy bỏng và lòng quyết tâm mạnh mẽ , không có điều gì là không thể thành hiện thực. Hãy can đảm, tin vào bản thân và dám đứng lên thay đổi số phận. Tương lai của các bạn và đất nước nằm trong tay chính các bạn.

Làm gì cũng phải có cái tâm, cái tâm mới quan trọng, dù tiền có chất nhiều như núi cũng không thể mua được. Sau này, khi trở thành ông chủ, tôi luôn cố gắng đối xử tốt với nhân viên của mình và mọi người xung quanh".

(Doanh nhân Ngô Hùng Lâm)

giúp sức. Thật may mắn, chúng tôi đã cứu được anh ba ra khỏi hố cát đó. Nhìn anh lúc này cát phủ đầy đầu, lỗ tai, mũi, miệng, khuôn mặt thất thần vì vừa thoát khỏi cái chết trong gang tấc, cả gia đình chúng tôi không ai nói được câu nào, mọi người ôm nhau khóc nức nở. Trở về nhà, chúng tôi quyết định “đoạn tuyệt” với cái nghề “đào hố chôn mình” từ hôm ấy”, ông Lâm kể.

Nhưng, cuộc sống quá bức bối, ông lại mong muốn được đi thật xa, ra nước ngoài để thay đổi cuộc sống. Nung nấu ý nghĩ ấy, chàng thanh niên Ngô Hùng Lâm đã tìm cách ra nước ngoài. Ông lên một con tàu lớn và trải qua 14 ngày lênh đênh trên biển, phải nhịn khát, nhịn đói và may mắn được chính quyền Malaysia cứu giúp.

Sau hai năm sống trên một hòn đảo tị nạn của Malaysia, được chính phủ Nhật Bản giúp đỡ, ông đến Nhật Bản và trở thành con nuôi một gia đình người Nhật.

Doanh nhân Ngô Hùng Lâm tâm sự: đã chết đi sống lại một lần nên ông hiểu sinh mệnh chỉ như hạt cát, sống chết cách nhau chỉ một gang tay mà thôi. Được sống là một niềm hạnh phúc và may mắn lớn lao, nên cần phải sống sao cho đáng sống, sống sao cho xứng đáng với kì vọng, với niềm tin và sự yêu thương mọi người dành cho.

Bươn chải xứ người

Khi sang Nhật, ông Lâm không có gì ngoài đôi bàn tay trắng, ngay đến tiếng Nhật cũng không biết. Nhờ sự nỗ lực, lòng kiên trì và quyết tâm, ông đã gây dựng được sự nghiệp như ngày hôm nay. Ông cũng từng gặp nhiều khó khăn, trắc trở trong cuộc sống, rồi bị lừa, thất bại trong kinh doanh…

Tại xứ sở hoa anh đào, ông học nghề xây dựng và trở thành chủ thầu công trình nhà ở có tiếng trong vùng. Trước khi thành chủ thầu, ông từng bị chủ công ty xây dựng nơi ông học nghề hành hạ, đày đọa. Ở đó, ông bị ngược đãi, bị bóc lột sức lao động, bị cướp mất 7 tháng tiền lương mồ hôi nước mắt. Tuy nhiên, ông cũng biết ơn lão chủ đó, vì nhờ thế mà ông học được hai điều quý giá: điều đầu tiên là học được nghề từ lão. Điều thứ hai là tinh thần và chức chịu đựng trở nên rất cao. Dù nắng, mưa, tuyết rơi lạnh cắt da, cắt thịt, ông vẫn miệt mài làm việc.

Đang trên đỉnh cao sự nghiệp, không may ông gặp tai nạn, buộc phải bỏ nghề và chuyển sang kinh doanh đồ gốm sứ, gây dựng cơ nghiệp từ một cửa hàng diện tích vỏn vẹn 12m2 giữa cánh đồng hoang.

Năm 1997, ông đưa gốm sứ Bát Tràng của Việt Nam đến Nhật Bản. Năm 2003, ông mở rộng sang lĩnh vực kinh doanh hoa và cây cảnh. Trải qua nhiều gian nan, vất vả, từ một cửa hàng nhỏ ban đầu, ông đã xây dựng được một số siêu thị chuyên về hoa, cây cảnh, gốm sứ và đồ làm vườn (garden center), với diện tích mỗi siêu thị trung bình 5.000m2.

Có được những siêu thị hoa hàng nghìn m2 là cả quãng thời gian ông tìm hiểu nhu cầu, sở thích khách hàng, gây dựng uy tín. Trong suốt 4 năm đầu bán đồ gốm sứ, lợi nhuận ông đạt được rất ít, gần như là lấy công làm lãi. Trong thời gian này, ông tập trung rèn luyện tính cách, làm sao để trở thành một con người dễ chịu, hài hòa…

"Việc buôn bán ở Nhật không hề đơn giản do người tiêu dùng cực kỳ khó tính. Đồ gốm chỉ cần xước một chút người ta cũng chê không mua,

“Nhân viên ngưỡng mộ tôi vì tôi đã từng làm việc cả thứ 7, chủ nhật trong 5 năm và không nghỉ ngày nào. Còn tôi ngưỡng mộ Ngô Hùng Lâm vì ông đã làm việc liên tục 15 năm không nghỉ dù chỉ một ngày. Tinh thần làm việc của ông khiến người Nhật phải nể phục và kính trọng” ng Hayashi Yukio - Chủ tịch hội đồng quản trị Tập đoàn xăng dầu lero Hatto).

mà có mua rồi mang về thấy xước lại đem đến trả và đòi lại tiền. Hàng của mình thì chở tận Việt Nam sang, vận chuyển cả mấy ngàn cây số, hết bằng tàu biển lại đến ô tô. Qua bao nhiêu chặng như thế nên đảm bảo hoàn hảo 100% là vô cùng khó. Người nhật thường nói với nhau rằng: “Người nước ngoài không bao giờ làm ăn được ở đất nước này”, chỉ có người Nhật mới có thể phục vụ được những mặt hàng đủ “tiêu chuẩn Nhật” mà thôi. Tôi nghĩ mình phải phá cái lệ đó, mình là con người, họ cũng là con người, họ làm được mình cũng làm được”, ông Lâm kể.

Ước mơ mở rộng sự nghiệp

Có một gia đình hạnh phúc và đã là doanh nhân thành đạt trên đất nước mặt trời mọc nhưng Ngô Hùng Lâm chưa dừng lại ở đó, ông còn mong muốn xây dựng một hệ thống 10 siêu thị hoa cảnh. Các siêu thị này không chỉ bán hoa mà bán tất cả sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam. Nếu hình thành được hệ thống phân phối như vậy, sản phẩm Việt Nam sẽ có thị trường lớn ở đất nước Nhật Bản, có thể giúp ích nhiều cho hàng thủ công mỹ nghệ của đất nước. Ngoài ra, ông cũng ước muốn xây dựng một khu chợ Việt Nam tại Nhật Bản, giống như khu phố của người Hoa. Người Hoa mở được chợ khắp nơi trên thế giới thì người Việt mình cũng có thể làm được.

"Năm nay, bước sang tuổi 51, tôi quyết tâm theo đuổi sự nghiệp mà mình đã lựa chọn và trung thành với nó cho đến khi “sức tàn, lực kiệt”. Nếu đời tôi mà mơ ước vẫn chưa toại nguyện thì các con tôi sẽ có trách nhiệm kế tục và phải làm cho bằng được”, doanh nhân Ngô Hùng Lâm chia sẻ.

(Một số đoạn dẫn in nghiêng trong bài được trích từ tác phẩm "Chinh phục đỉnh Phú Sĩ" của Quách Đức Anh. Xin chân thành cảm ơn tác giả và trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!)

Dương Vũ Minh

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang