'Đà Nẵng phải có trách nhiệm trực tiếp trong vấn đề bảo tồn Sơn Trà'

author 08:13 16/07/2017

(VietQ.vn) - “Chính quyền Đà Nẵng có trách nhiệm trực tiếp và cực kỳ quan trọng trong vấn đề bảo tồn Sơn Trà”, ông Nghĩa cho hay.

Ngày (15.7), Hội thảo khoa học bảo tồn và phát triển bền vững hệ sinh thái tự nhiên bán đảo Sơn Trà đã được tổ chức tại Đà Nẵng do Hiệp hội Du lịch TP. Đà Nẵng và Viện sinh thái học miền Nam đã phối hợp tổ chức.
Tại hội thảo, ông Trương Trọng Nghĩa (Đại biểu Quốc hội TPHCM) đã tham gia phát biểu và có nhiều ý kiến trao đổi với báo chí về việc bảo tồn và phát triển Sơn Trà.

Bảo tồn Sơn Trà

Ông Trương Trọng Nghĩa có nhiều ý kiến trao đổi với báo chí về việc bảo tồn và phát triển Sơn Trà (Ảnh: Lao động).

Chia sẻ trên báo Lao động, ông Nghĩa cho biết: “Tại Việt Nam có một số những di sản thiên nhiên cực kỳ quý báu mà khi mất đi chúng ta sẽ không bao giờ tái tạo lại được. Vì thế, chúng ta cần phải ra sức bảo vệ những di sản ấy. Chúng ta nhất thiết không thể phát triển du lịch ở Sơn Trà theo cách như hiện nay được.
Đặc biệt, không cho phép xây dựng thêm và nhất thiết phải thay đổi cách phát triển du lịch với bán đảo Sơn Trà. Bên cạnh đó, phải tăng cường hơn nữa cả vật lực và tài lực và cả quy định pháp lý để bảo tồn Sơn Trà một cách hiệu quả hơn, chặt chẽ hơn”, ông Nghĩa cho biết.
Trước câu hỏi về chính quyền TP. Đà Nẵng cần hành động như thế nào về vấn đề Sơn Trà?
Ông Nghĩa cũng cho biết rằng: “Tôi nghĩ theo luật pháp hiện nay và theo một cách hiểu tự nhiên, chính quyền Đà Nẵng và HĐND TP Đà Nẵng, Thành ủy Đà Nẵng có trách nhiệm trực tiếp và cực kỳ quan trọng trong vấn đề bảo tồn Sơn Trà.
Và tất nhiên, tất cả những trách nhiệm, hành động này nằm trong khuôn khổ chung của luật pháp quốc gia, trong đó có một số chương trình quốc gia, như hội thảo đang trình này”.
Ngoài ra, ông Nghĩa cũng cho rằng, lãnh đạo Đà Nẵng phải có trách nhiệm trực tiếp và đừng quên rằng người dân Đà Nẵng mới là những người chủ của tài nguyên thiên nhiên của thành phố này bởi Sơn Trà là di sản quý báu của quốc gia và không phải cho một vài thế hệ mà phải cho hàng trăm, hàng nghìn năm sau.
Cũng theo đó, việc luật sư Nghĩa cũng cho rằng thu hồi dự án đã được cấp phép trên bán đảo Sơn Trà là bài toán khó, nhất là về việc giải quyết hậu quả các dự án,
“Việc thu hồi dự án là bài toán khó, tôi đồng ý điều đó, nhưng không có nghĩa là không giải được. Với luật pháp Việt Nam hiện nay, cùng tiềm lực và sự quan tâm của cả nước với Sơn Trà hiện nay, sự quan tâm của Chính phủ, Quốc hội và cộng đồng hiện nay với Sơn Trà, bài toán này dù khó mấy cũng giải được”, ông Nghĩa khẳng định.
Trả lời PV báo Một thế giới, ông Nghĩa cũng cho biết thêm để bảo vệ Sơn Trà chúng ta cần:
“Thứ nhất, cái gì trái phép thì phải dẹp, phải xử lý, thậm chí là phải trừng trị nếu sự vi phạm đó nghiêm trọng. Những gì hợp quy trình, hợp pháp, nhưng đến nay không còn hợp lý nữa, nếu tiếp tục không có lợi nữa thì chúng ta phải cùng tìm giải pháp để đáp ứng lợi ích của các bên. Tất nhiên, nếu có những giải pháp hợp lý mà có thiệt hại, thì thiệt hại này chúng ta phải bàn cách chia sẻ”.
Ngoài ra, chúng ta phải vận động ngay chính các doanh nghiệp. Vì thương hiệu, tinh thần yêu nước, tinh thần xã hội, nếu có chịu thiệt hại, hy sinh một phần nào đó cho Sơn Trà, đó cũng là vinh dự của họ. Và nó sẽ tăng lòng yêu mến của người dân với doanh nghiệp đó.
“Nếu các nhà doanh nghiệp bị thiệt hại, chính quyền phải làm việc với họ và nếu phải đền bù, chúng ta sẽ đền bù. Trường hợp quá sức chịu đựng của ngân sách thì chúng ta vận động doanh nghiệp và tôi nghĩ nhân dân Đà Nẵng nói riêng và cả nước nói chung sẽ hoan nghênh họ”, ông Nghĩa cho hay.
Đồng thời, ông Nghĩa cũng nhận định rằng: “Chính quyền cũng của dân, do dân, vì dân, và đất đai thuộc sở hữu toàn dân, của người dân. Như vậy, người dân sẽ cùng hợp tác, phối hợp với chính quyền, đồng thời cũng theo dõi, giám sát chính quyền. Nếu có bất kỳ sự phát triển chệch hướng, thì chúng ta phải có tiếng nói, và có sự đấu tranh. Khi đó không chỉ người dân mà những tổ chức xã hội, các cơ quan truyền thông phải tham gia vào, như thế mới đầy đủ. Không nghĩ đến vai trò của người dân trong quy định của luật pháp là không đầy đủ”.

Lan Lan (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang