Chính sách hỗ trợ không thiếu song 'đường to đẹp' vẫn thưa người đi

author 09:22 03/07/2015

Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, áp lực cạnh tranh của khu vực sản xuất nội địa không ngừng gia tăng. Tuy nhiên có đến 50% doanh nghiệp trong ngành điện tử, 40% doanh nghiệp trong ngành chế biến thực phẩm cho rằng, họ biết rất ít hoặc thậm chí là không biết các thông tin hỗ trợ chính sách trong phát triển ngành.

Ảnh minh họa

Đây là một trong những kết luận từ báo cáo khảo sát của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương thực hiện mới đây.

​Cũng theo báo cáo này, 80% doanh nghiệp trong hai nhóm ngành trên trả lời, họ chỉ biết chút ít hoặc không hiểu biết về các mức cắt giảm thuế quan theo cam kết từ các hiệp định thương mại tự do đã ký kết; 90% doanh nghiệp biết chút ít hoặc hoàn toàn không biết các điều kiện ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam trong cùng ngành.

Vậy điều gì đang xảy ra và tại sao phần lớn doanh nghiệp trong nước thờ ơ ​hoặc chấp nhận tồn tại trong tình trạng thiếu thông tin về những điều kiện kinh doanh sát sườn của mình. 

Để làm rõ hơn vấn đề này, PV đã có cuộc trao đổi với phó giáo sư, tiến sỹ khoa học Nguyễn Mạnh Quân, Viện Nghiên cứu Phát triển Doanh nghiệp, Trường đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội.

Điều kiện xa vời

Thưa ông, tại sao doanh nghiệp không những thiếu quan tâm đến điều kiện kinh doanh trong môi trường hội nhập mà thậm chí là cả chính sách hỗ trợ họ cũng hờ hững?

Ông Nguyễn Mạnh Quân: Tôi xin kể một câu chuyện để diễn giải, trong một chuyến đi công tác khảo sát về hiệu quả các dự án làm đường trên núi tại Hà Giang, mặc dù dự án của Chính phủ rất lớn và con đường được làm rất đẹp, nhưng chúng tôi hoàn toàn ngỡ ngàng khi bà con dân tộc cho biết “làm đường chỉ sướng cán bộ thôi.”

Hóa ra, các con đường làm ra chỉ dành cho ô tô chạy, còn người dân hầu như không sử dụng bởi nguyên nhân đường nhựa nóng cái chân nên bà con vẫn men theo các con đường đất bên cạnh để sinh hoạt.

Cũng tương tự, Chính phủ tạo ra hành lang pháp lý giống như “đường đi” và lại có rất nhiều con đường. Song có một thực tế là không có nhiều doanh nghiệp sẵn sàng đi trên những con đường đó. Đây là sự bất cập giữa người hoạch định chính sách và năng lực hấp thụ chính sách của Việt Nam.

Có thể thấy rất rõ, khi nghiên cứu về doanh nghiệp các nhà làm chính sách chưa nắm rõ các vấn đề trong các lĩnh vực có thể hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh. 

Bên cạnh đó, các thông tin hỗ trợ cũng trở nên rất xa vời đối với doanh nghiệp, bởi họ không có khả năng để xử lý cả “một rừng” thông tin và sau đó biến nó trở thành các giải pháp riêng cho mình.

Ngoài hành lang pháp lý, doanh nghiệp nào cũng phàn nàn về khả năng tiếp cận nguồn vốn tài chính là rất ít. 

Song tính đến nay, Chính phủ đã chuẩn bị các nguồn tài chính rất lớn để hỗ trợ doanh nghiệp, như Quỹ phát triển Doanh nghiệp nhỏ và vừa có nguồn vốn 2.000 tỷ đồng, mục đích hỗ trợ doanh nghiệp có dự án, phương án sản xuất kinh doanh khả thi thuộc lĩnh vực ưu tiên, nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp; Quỹ phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia có nguồn vốn 500 tỷ đồng tài trợ, cho vay, cấp kinh phí thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ… 

Tôi khẳng định, ​nguyên nhân doanh nghiệp không tận dụng được các nguồn hỗ trợ trên không nằm từ phía Chính phủ. 

Bởi, Chính phủ không làm nhiệm vụ xây dựng các giải pháp cụ thể, mà nguyên nhân ở chỗ doanh nghiệp không biết biến những giải pháp chung trở thành giải pháp cụ thể cho riêng mình.

Tiến sỹ Nguyễn Mạnh Quân, Viện Nghiên cứu Phát triển Doanh nghiệp, Trường đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội

Khâu trung gian quá yếu

Như vậy về vĩ mô Chính phủ đã tạo ra những “con đường to đẹp,” song làm thế nào để doanh nghiệp có thể dễ dàng “lưu thông” trên đó thưa ông?

Ông Nguyễn Mạnh Quân: trong mỗi quá trình sản xuất, các nguyên liệu đầu vào phải qua quá trình gia công, chế biến thành sản phẩm thì đến tay người tiêu dùng mới sử dụng được. 

Các quy trình hoạch định chính sách cũng vậy, Chính phủ ban hành chính sách cũng như những tư liệu, nguyên liệu… và phải có ai đó chuyển hết nguồn lực này ra những giải pháp cụ thể cho từng đối tượng doanh nghiệp.

Khách quan mà nói, bản thân doanh nghiệp không được đào tạo, không được chuẩn bị và không có năng lực giải quyết vấn đề này. Họ không thể tự mình nghiên cứu tất cả các hành lang pháp lý để sau đó có thể tìm ra cơ hội cho mình. Đây là một mặt khiếm khuyết trong quy trình hoạch định chính sách hiện nay.

Vai trò đó nằm ở số những cơ quan, như cơ quan nghiên cứu, trường đại học, các hiệp hội… làm nhiệm vụ hấp thụ tất cả các loại chính sách và chuyển hóa chúng thành giải pháp cụ thể sau đó tư vấn, hỗ trợ cho các doanh nghiệp thì lúc đó họ mới tiếp cận được chính sách của Chính phủ phù hợp với điều kiện của từng đơn vị.

Nhưng trên thực tế, các hiệp hội hiện chưa làm tốt vai trò cầu nối, ngay cả việc truyền đạt thông tin về chính sách, những vấn đề có liên quan đến ngành tới các hội viên hầu như cũng chưa làm được. 

Bên cạnh đó, các hiệp hội cũng chưa tập hợp được lực lượng chuyên gia, chuyên môn đủ năng lực để giúp cho các thành viên trong hiệp hội để khai thác các lợi thế về mặt chính sách cũng như nguồn lực.

Xu thế hội nhập càng sâu rộng, khái niệm về không gian chính sách đã bắt đầu được nhắc đến, với mức dư địa còn là bao nhiêu để có thể hỗ trợ sản xuất trong nước?

Ông Nguyễn Mạnh Quân: Khái niệm không gian chính sách sau hội nhập, đối với chuyên gia thì hiểu được, nhưng đối với bà con nông dân, chế biến nông-thủy sản… rõ ràng là rất mơ hồ.

Do đó cần phải diễn giải và hiểu một cách đơn giản, chúng ta có một ngôi nhà mà nhiều cửa đang được mở ra và phần tường trong ngôi nhà đó chính là phần không gian chính sách còn lại có thể tận dụng.

Vấn đề mới đặt ra, “ngôi nhà” của nền kinh tế hay “ngôi nhà” của từng ngành cần phải được định rõ, sau đó mới bàn đến việc các “ngôi nhà” đó có độ mở cửa ở mức nào đồng thời làm thế nào có thể mở rộng phần tường của ngôi nhà (chính sách hỗ trợ nhiều lên).

Ví dụ, so sánh ngành công nghiệp điện tử và ngành chế biến thủy sản rõ ràng là lợi thế ngành là khác nhau. Một ngành liên quan đến những lực lượng lao động được đào tạo, tập trung ​tại các khu công nghiệp lớn, phía khác ​lại là bà con nông dân và cách thức chúng ta mở cửa trong từng lĩnh vực ​sẽ rất khác nhau.

Tôi ủng hộ việc chọn ngành mũi nhọn phát triển và nông nghiệp là một trong những thế mạnh. Tuy nhiên, nhiều chính sách ưu đãi trong ngành đã được Chính phủ thực hiện song cho đến nay chưa đạt được kết quả cao, như việc tháo gỡ đầu ra cho nông sản.

Một ví dụ, thị trường Mỹ, Australia đã mở cửa cho Việt Nam các sản phẩm nhãn, vải… đã lâu. Nhưng đến năm nay, Việt Nam mới xuất được những quả vải đầu tiên, mà thực chất chưa biết có bền vững không.

Lý do cơ bản, phần lớn các doanh nghiệp thương mại chỉ quan tâm đến việc nhập hàng hóa công nghiệp vào Việt Nam mà chưa hào hứng với hoạt động xuất khẩu nông sản Việt Nam ra ngoài thế giới.

Thêm vào đó, các kiến nghị từ phía doanh nghiệp trong việc hỗ trợ phát triển ngành nông sản (như tiếp cận vốn, hưởng lãi suất thấp…) là một yêu cầu gây khó cho Chính phủ, bởi các nguồn lực hỗ trợ chính sách cần dành cho bà con nông dân (như các nguồn vốn vay hỗ trợ từ các ngân hàng chính sách), từ đó sự phát triển của ngành sẽ đến từ nhiều nguồn lực xã hội hơn chỉ là nguồn lực từ doanh nghiệp.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

Theo Vietnamplus


 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang