Chính sách ơi! Sao mà cao vời vợi?

author 08:57 23/11/2013

Đại biểu Nguyễn Thanh Thụy (Bình Định) khi nói về tình trạng xây dựng văn bản hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết thiếu thực tế đã ví rằng: "Chính sách trên trời, cuộc đời dưới đất"

Quốc hội (QH) sáng 22-11 đã thảo luận tại hội trường về báo cáo của Chính phủ, TAND Tối cao, VKSND Tối cao và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật về tình hình triển khai thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết; tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết của QH và Ủy ban Thường vụ QH.

Có sự dễ dãi ngay tại Quốc hội

Đại biểu (ĐB) Đặng Đình Luyến (Khánh Hòa) cho rằng các báo cáo của Chính phủ, TAND Tối cao, VKSND Tối cao chưa phân tích rõ những hạn chế trong triển khai cũng như đánh giá cụ thể về hiệu quả của việc triển khai thực hiện luật, pháp lệnh đi vào cuộc sống, có tác dụng, tác động tới sự phát triển kinh tế - xã hội như thế nào.

đbqh.vietq.vn.jpgĐại biểu Nguyễn Thanh Thụy: “Chính sách trên trời, cuộc đời dưới đất”

Theo ĐB Nguyễn Thanh Thụy (Bình Định), tình trạng ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật và pháp lệnh có sự dễ dãi của QH khi hồ sơ trình dự án luật không đủ, chưa bảo đảm chất lượng, thời gian gửi đến các cơ quan thẩm tra, đến ĐBQH theo quy định nhưng vẫn được đưa vào chương trình của kỳ họp QH, gây khó khăn cho cơ quan thẩm tra.

ĐB Thụy dẫn chứng: Thông tư 24/2013 của Bộ Giáo dục và Đào tạo có quy định cộng điểm cho bà mẹ Việt Nam anh hùng khi thi ĐH chỉ có “tuổi thọ” 12 ngày, Thông tư 33 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (có quy định thịt sống chỉ được bán trong 8 giờ sau khi giết mổ) chỉ tồn tại 30 ngày. “Cần một đội ngũ cán bộ công chức am hiểu thực tiễn cuộc sống, hiểu biết sâu sắc đối tượng chịu tác động của chính sách để có những quy định khả thi, tránh trường hợp “chính sách trên trời, cuộc đời dưới đất” - bà Thụy nói.

Lợi ích nhóm trong xây dựng văn bản

ĐB Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) cho rằng sự phối hợp giữa các cơ quan soạn thảo, tổ biên tập do nhiều ngành cùng tham gia nên thiếu đồng bộ, chất lượng cán bộ tham gia xây dựng pháp luật còn hạn chế. “Ban soạn thảo có rất ít lãnh đạo tham gia mà hầu hết giao khoán cho cán bộ, chuyên viên cấp dưới. Đây là hiện tượng dễ dãi, thỏa hiệp, thiếu cương quyết giữa cơ quan thẩm tra” - ĐB Lợi nói.

Dẫn ra kinh phí cho việc xây dựng một nghị định hiện nay khoảng từ 100-200 triệu đồng, một thông tư là 50-70 triệu đồng hay cùng lắm là 100 triệu đồng, ĐB Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang) khẳng định rất khó bảo đảm được “chất lượng” khi vẫn còn những nghiên cứu chỉ cho ra kết quả 1 + 1 bằng 2 nhưng tiêu tốn tới hàng tỉ đồng.

Theo Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu, nhiều văn bản pháp luật còn mâu thuẫn, chồng chéo hoặc vẫn chưa bảo đảm được tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật. Công tác xây dựng chương trình còn dàn trải, chưa quan tâm đầu tư tập trung ưu tiên cho những dự án cấp thiết... “Trong quá trình thẩm định, thẩm tra vẫn còn biểu hiện lợi ích nhóm, cục bộ và văn bản thiếu tính khả thi” - ông Uông Chu Lưu nói

Thông qua dự thảo Luật Phòng cháy Chữa cháy

Sáng 22-11, đa số ĐBQH đã tán thành dự thảo Luật Phòng cháy Chữa cháy (có hiệu lực từ ngày 1-7-2014). Theo đó, luật quy định các công trình phải trang bị hệ thống tự động phát hiện cháy, trang bị phương tiện, hệ thống chữa cháy bảo đảm khả năng tự chữa cháy. Tại các chợ, trung tâm thương mại, phải tách riêng hệ thống điện phục vụ kinh doanh và hệ thống điện bảo vệ và chữa cháy; có lối thoát nạn bảo đảm theo quy định và phương án thoát nạn, giải tỏa hàng hóa khi có cháy xảy ra…

Theo NLĐ

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang