Chợ truyền thống ở TP.HCM đang lâm vào tình cảnh ế ẩm

author 06:24 07/12/2016

(VietQ.vn) - Chợ tự phát ngày càng nhiều, hệ thống siêu thị ngày càng tiện lợi…khiến cho chợ truyền thống ngày càng lâm vào tình cảnh ế ẩm.

Mới hơn 9h sáng vào một buổi sáng ngày cuối năm, các gian hàng ăn uống và bán hàng tươi sống, rau củ quả tại chợ Hòa Hưng (Q.10, TP.HCM) đã vắng tanh, vắng ngắt. Khu vực bán quần áo thì cũng có đông hơn một chút, nhưng cũng chẳng đáng là bao.

Càng vào phía bên trong, chúng ta có thể nhìn thấy càng có nhiều sạp đóng cửa, được tận dụng làm nơi giữ xe, kho hàng. Một số sạp treo bảng cho thuê, sang nhượng với số điện thoại và tên người liên hệ.

Gắn bó với ngôi chợ này đã gần 20 năm, từ ngày ngôi chợ mới thành lập, chị Nguyễn Thị Xuân Lan (Q.10) nói rằng, ngày mới lấy sạp để bán, chị Lan đã phải bỏ ra hàng chục cây vàng. Tuy nhiên, việc buôn bán bên trong chợ ngày càng ế ẩm, nên có những ngày, chị Lan bán các mặt hàng cá cũng chỉ được được có vài ba trăm ngàn, không đủ để đóng các loại thuế và phí cho chợ.

 Việc buôn bán ở chợ truyền thống ngày càng khó khăn do bị cạnh tranh từ hình thức khác.

Chị Hà Minh, một tiểu thương khác bán ở chợ Bà Chiểu, quận Bình Thạnh chia sẻ: Vào những năm 2000, chị Minh đã phải bỏ ra rất nhiều tiền để sang sạp bán tạp hóa, gia vị ở chợ Bà Chiểu.

Có những giai đoạn, khách đi chợ mua nườm nượp, bán không kịp thở. Thế nhưng, một vài năm gần đây, tình hình buôn bán ở chợ ngày càng chậm. Hiện nay, có những ngày, chị Minh cũng chỉ bán đủ tiền trang trải kinh phí hàng ngày, chứ không có dư nhiều như trước.

Chị Hà Minh giải thích, đa số tâm lý hiện người dân TP.HCM thích vào siêu thị mua hàng hơn, do mát mẻ, và các cửa hàng tiện lợi ở TP ngày càng ‘mọc’ lên nhiều hơn. Ngoài ra, các khu vực có chợ tự phát cũng ‘mọc lên như nấm’, người dân lại không phải gửi xe, chỉ cần tạt ngang vào mua hàng rồi đi.

Theo đại diện Ban quản lý chợ Hoàng Hoa Thám, quận Bình Thạnh, do tình trạng ế ẩm, nên tiểu thương bỏ các chợ truyền thống ngày càng tăng cao. Các gian hàng thịt heo, vải, mỹ phẩm là nghỉ bán nhiều nhất.

Một trong những nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng này, là do chợ truyền thống không thể cạnh tranh được với chợ tự phát, và các cửa hàng tiện lợi, siêu thị.

Ông Lê Văn Hoàng – Ban quản lý chợ Hoàng Hoa Thám, chợ thường xuyên nhắc nhở các tiểu thương phải thường xuyên điều chỉnh cung cách bán hàng, tiếp xúc với khách, bán hàng đúng giá, có nguồn gốc và xuất xứ rõ ràng, chủ động giảm lãi, hậu mãi tốt, thì mới hy vọng có khách.

Sở Công thương TP.HCM cho biết, hiện TP.HCM có khoảng 240 chợ lớn nhỏ, gọi chung là chợ truyền thống, trong đó rất nhiều chợ đang lâm vào tình trạng xuống cấp.

TP.HCM hiện không có chủ trương phát triển thêm chợ, mà tăng cường các chương trình hỗ trợ chợ truyền thống phát triển, như tập trung tập huấn cho tiểu thương về các kỹ năng bán hàng, tăng cường kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm tại chợ.

Với xu hướng phát triển hiện đại như hiện nay, nhiều chuyên gia về kinh tế đánh giá rằng, việc chợ truyền thống đang mất dần ưu thế trước các kênh phân phối khác là điều tất yếu. Với một không gian mua sắm mát mẻ, sạch sẽ, giá cả niêm yết công khai, rõ ràng, thì trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi sẽ luôn là nơi thu hút khách hàng.

Song song đó, chợ tự phát ‘mọc’ lên tràn lan, không tốn các loại thuế, phí, giá bán thấp, hàng hóa lại không rõ nguồn gốc, nên tiểu thương ở các chợ truyền thông buôn bán ế ẩm, khó khăn là điều dễ hiểu.

Cẩn trọng với bánh mứt, kẹo không rõ nguồn gốc tại chợ truyền thống(VietQ.vn) - Thị trường bánh kẹo, mứt đã vào thời gian cao điểm tiêu thụ và đây cũng là lúc hàng hóa không rõ nguồn gốc, nhãn mác được bán tràn lan tại các chợ.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang