Độc đáo với phiên chợ ‘mua may, bán rủi’ mỗi năm chỉ họp 1 lần

authorHòa Lê 06:24 14/02/2016

(VietQ.vn) - Theo dân gian lưu truyền lại, chợ Viềng là phiên chợ “mua may, bán rủi”. Bởi thế cả người bán, lẫn người mua đều không cần nói thách hay mặc cả nhiều.

Sự kiện: Tết Nguyên đán

Chợ Viềng, Nam Định là hình thức sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng cộng đồng vào dịp đầu xuân của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước từ xa xưa. Điều làm nên nét duyên của phiên chợ Viềng xuân chính là ở ý nghĩa cầu may trong năm mới, mong muốn sản xuất gặp mưa thuận, gió hòa, làm ăn phát đạt quanh năm.

Nam Định có tới 4 chợ Viềng đã tồn tại từ lâu đời, đó là chợ Viềng Phủ Giày (Vụ Bản), chợ Viềng Nam Giang (Nam Trực), chợ Viềng Nghĩa Thịnh (Nghĩa Hưng) và chợ Viềng Mỹ Trung (Mỹ Lộc) nhưng bây giờ thu hút du khách nhiều nhất vẫn là Viềng Phủ Giầy (Vụ Bản).

Chợ Viềng: Phiên chợ “mua may, bán rủi” độc đáoNông cụ bày bán ở chợ Viềng

Chợ Viềng họp vào ngày mùng 7, mùng 8 tháng Giêng hàng năm. Đây là phiên chợ cầu may một năm chỉ họp duy nhất một lần; đặc biệt chợ họp chủ yếu từ buổi tối đến sáng sớm hôm sau. Ai đến với chợ Viềng cũng đều đinh ninh một ý niệm “mua may, bán rủi”, cầu cho năm mới được bình an, may mắn.

Dù là kẻ mua người bán, bất cứ ai đã đặt chân đến chợ đều không đặt nặng vấn đề lời lãi. Người bán không nói thách quá cao, người mua không mặc cả quá lời bởi quan niệm những nỗi “băn khoăn” về giá cả sẽ làm mất đi tính tâm linh của phiên chợ này. Cũng vì là phiên chợ “mua may, bán rủi” nên nếu đã đi chợ Viềng, nhất thiết nên mua một cái gì đó mang về.

Chợ Viềng: Phiên chợ “mua may, bán rủi” độc đáoMua bán cây cảnh ở chợ Viềng

Chợ Viềng xưa chủ yếu bán các nông cụ, đồ cũ và các mặt hàng thiết thực với sản xuất nông nghiệp nói chung như quang gánh, liềm, cày, cuốc... Các mặt hàng này đến nay vẫn còn duy trì. Nhiều bà con đi chợ vẫn mua đòn gánh tre gọi là lấy may và họ thường chọn đòn gánh có số gióng tre là số lẻ. Có thể là 5 gióng, 7 gióng hoặc 9 gióng. Bởi lẽ triết lý âm dương quan niệm số lẻ là số dương sinh sôi nảy nở còn số chẵn là số âm tĩnh tại chết cứng. 

Tuy nhiên mặt hàng chủ lực của chợ Viềng ngày nay không còn là nông cụ mà chủ yếu là thịt bò thịt trâu và cây cối. Theo nhà nghiên cứu Hồ Đức Thọ, thịt bò là lễ vật dâng mẫu Liễu Hạnh cho nên mua thịt bò trong ngày chợ Viềng xuân người mua cũng cảm thấy như xin được lộc Mẫu.

Chợ Viềng: Phiên chợ “mua may, bán rủi” độc đáoVới người dân Nam Định, đi chơi chợ Viềng đầu năm đã trở thành một thói quen không dễ gì thay đổi được

Với người dân Nam Định, đi chơi chợ Viềng đầu năm đã trở thành một thói quen không dễ gì thay đổi được, những bạn trẻ thì coi đây là chuyến du xuân tuyệt vời trong năm. Uớc tính phiên chợ này hàng năm thu hút không dưới hàng chục nghìn người từ Hà Nội về, từ Thái Bình, Hải Phòng sang, từ Ninh Bình, Thanh Hóa ra để được đắm chìm trong lung linh, huyền diệu của chợ Viềng xuân. 

Khách thập phương thường lấy lộc kết hợp luôn cả đi lễ chùa, lễ phủ vì ở chợ Viềng Nam Trực có chùa Đại Bi thờ Từ Đạo Hạnh còn chợ Viềng Vụ Bản có phủ thờ thánh mẫu Liễu Hạnh, một trong “Tứ bất tử” được truyền tụng trong dân gian cả ngàn đời nay.

Hòa Lê (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang