Choáng váng với vũ khí xứng danh 'sát thủ tàu ngầm NATO' mới toanh của Nga

author 21:30 04/07/2017

(VietQ.vn) - Vũ khí mới mà Nga vừa trình làng là đầu đạn 90R1 có khả năng diệt tàu ngầm ở độ sâu tới 1 km và được coi là "sát thủ tàu ngầm NATO".

Sự kiện: Vũ khí quân sự nổi tiếng thế giới

Sputnik mới đây đã đưa tin, Công ty Splav của Nga giới thiệu đầu đạn 90R/R1 cho hệ thống rocket chống ngầm RPK-8. Splav cho biết loại vũ khí này đã đưa vào sản xuất hàng loạt, đang bắt đầu triển khai trên các tàu chiến Nga.

Chuyên gia quân sự Vladimir Tuchkov cho rằng, đầu đạn 90R1 là sự bổ sung đáng kể cho hệ thống chống ngầm RPK-8, tổ hợp vũ khí chống ngầm được Nga biên chế từ năm 1991. Đây là biến thể hiện đại hóa sâu của hệ thống RBU-6000 (Smerch-2), nhằm tăng khả năng tự vệ trước ngư lôi và tàu ngầm đối phương. Phiên bản Smerch-2 chỉ được trang bị bom chìm, không sử dụng ngư lôi có điều khiển như RPK-8, khiến hiệu quả chiến đấu của nó không cao.

Vũ khí Nga vừa giới thiệu là đầu đạn 90R/R1 cho hệ thống rocket chống ngầm RPK-8. Ảnh: VnExpress

 Vũ khí Nga vừa giới thiệu là đầu đạn 90R/R1 cho hệ thống rocket chống ngầm RPK-8. Ảnh: VnExpress

Sát thủ tàu ngầm 90R và 90R1 có cỡ nòng 212 mm, gồm hai phần là rocket đẩy và đầu đạn tự dẫn. Hệ thống RPK-8 có thể trang bị tối đa 12 quả đạn và phóng toàn bộ trong vòng dưới 20 giây.

Theo ông Tuchkov, rocket nhắm tới tàu ngầm hoặc ngư lôi đối phương, dựa vào tham số mục tiêu do hệ thống định vị thủy âm (sonar) của tàu chiến cung cấp. Sau khi chạm mặt nước, đầu đạn tách rời và tự động phát hiện, tiếp cận mục tiêu nhờ sonar tích hợp.

Được biết, phiên bản 90R sử dụng đầu nổ chạm, được kích nổ khi va vào mục tiêu. Trong khi đó, mẫu 90R1 dùng ngòi nổ phi tiếp xúc, giúp nó phát nổ khi tới gần mục tiêu, tăng tối đa hiệu quả tiêu diệt.

Đầu đạn 90R có tầm bắn 600-4.300 m, trong khi đầu dò sonar có thể phát hiện mục tiêu ở khoảng cách 130 m. Phiên bản 90R1 có tầm bắn lớn hơn, nhưng không được nhà sản xuất công bố. Cả hai loại đạn có thể diệt tàu ngầm ở độ sâu tới 1.000 m, vượt xa khả năng lặn của tàu ngầm NATO, vốn chỉ có độ sâu lặn khoảng 300-400 m.

Hệ thống RPK-8 với đạn 90R/R1 và Magnesit-MN được coi là lá chắn cuối cùng của tàu chiến trước tàu ngầm đối phương, chứ không thể coi là vũ khí tiến công hiệu quả. Nhiệm vụ này được đảm nhận bởi các vũ khí chống ngầm tầm xa như tên lửa 91R1 của tổ hợp Kalibr, với tầm bắn tới 50 km, gấp hơn 10 lần RPK-8, chuyên gia Tuchkov kết luận.

Không chỉ chế tạo đầu đạn cho hệ thống chống ngầm dưới biển, trước đó Nga còn thử nghiệm thành công đầu đạn lượn siêu thanh, dành cho tên lửa đạn đạo liên lục địa RS-18, còn được gọi là "Vật thể 4202".

Hiện chỉ có một vài nước trên thế giới đang phát triển công nghệ đầu đạn lượn siêu thanh này. Mỹ đã hai lần thử nghiệm thành công thiết bị HTV-2, trong khi Trung Quốc từng thử nghiệm đầu đạn sử dụng công nghệ tương tự vào năm 2014. Ấn Độ cũng đang nghiên cứu công nghệ bay siêu thanh.

Phương tiện trượt siêu thanh (HGV) khác với đầu đạn tên lửa đạn đạo tiêu chuẩn ở điểm nó di chuyển phần lớn thời gian ở tầng bình lưu thay vì trong không gian vũ trụ. Điều này giúp tên lửa gắn HGV có tầm bắn lớn hơn và khiến các hệ thống phòng thủ tên lửa có ít thời gian phản ứng hơn. Ngoài ra, HGV có thể bay lượn linh hoạt trong khi tấn công mục tiêu ở tốc độ cao, khiến việc đánh chặn trở nên khó khăn.

"Vật thể 4202'' có thể được lắp trên tên lửa đạn đạo liên lục địa thế hệ mới RS-28 của Nga. Các chuyên gia quân sự dự đoán rằng mỗi tên lửa RS-28 sẽ mang được 3 đầu đạn siêu thanh nói trên.

 An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang